… Con đã nuôi sinh mệnh mình và gia đình mình bằng miếng cơm lương thiện dù nghề báo nhiều thị phi. Con đã kiếm miếng cơm từ những câu chuyện không hại ai, không phiền ai…
Huỳnh Phước Lê - Ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN |
Tác giả Huỳnh Phước Lê (Cẩm Châu, Khải Phong…) đã viết như thế trong tập phóng sự, bút ký “Thương nhớ biền dâu” (NXB Hội Nhà văn, 2016). Thế nhưng, không “phiền ai”, sao gọi là nghề báo? Một quãng đời cùng tòa soạn, tôi biết anh không hề ngại động chạm bất kỳ thế lực, khi đã đủ cơ sở bằng cứ, khi trái tim nghiệp nghề mách bảo. In cuốn sách này, anh đã gạt rất nhiều thiên “nảy lửa” của mấy chục năm nghề báo. Thế nhưng từ những câu chuyện của anh về người nông dân miền Trung, “lửa” vẫn bùng lên bởi phong cách dẫn dụ sắc lẻm mà nồng ấm yêu thương của một cây bút chuyên nghiệp.
Huỳnh Phước Lê đồng cảm với phận đời nơi xó núi: Tại cây cầu Nước Là (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), hàng chục cô gái Cadong đã bị “trôi” đời con gái, trở thành mẹ của không chỉ một mà nhiều đứa con, dù chưa một lần biết đến hôn nhân. Những đứa trẻ sinh ra từ những đêm đươm rum (hò hẹn) trên chiếc cầu này không bao giờ biết họ thật của chúng - họ của các cháu cũng bọ nước cuốn trôi (Sơn nữ ở “bến không chồng”).
Huỳnh Phước Lê da diết cùng bà mẹ một đời nuôi những đứa con tật nguyền: Có những chiều bà gánh lá dương về, 2 đầu gánh ứ hự, không thấy người gánh đâu, chỉ nghe trong đó có tiếng hát. Có người nói bà hát để dìu 2 đứa con mà cũng để dìu cuộc đời mình (Bà mẹ hát)…
Một xứ Quảng lam lũ của những mảnh đời kiệt cùng vì chiến tranh, vì phận số của kiếp nông dân, của những ai “dính” đến nông dân ở vùng đất “phên dậu” này. Huỳnh Phước Lê lăn xả, đằm mình cùng những mảnh đời “bé mọn” tận đáy, họ sống chỉ để làm người lương thiện, họ vô tư bảo bọc những mảnh đời khốn quẫn, họ hồn nhiên bảo vệ những sáng trong sự đời, một mực đứng về phía trái tim, phía từng cây rơm, thước biển… Mảnh đất nhọc nhằn mà cá tính, đã sinh ra những người “không dễ thấy”, được tường trình lấp lánh trong những trang văn như Cẩm, như Châu.
Tập phóng sự, bút ký “Thương nhớ biền dâu” của Huỳnh Phước Lê - Ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN |
Vâng, những bài báo còn sống được sau quãng cách mươi năm của Huỳnh Phước Lê đã bừng lên chất văn không cố tình của cái duyên trời cho người viết. Dẫu anh trước sau vẫn làm người kể chuyện trung thành, “nói đâu, chứng đó”, mỗi bút ký đều đi kèm hàng loạt ảnh cứ liệu xác thực. Gấp lại cuốn sách là những ngân nga “khó ngủ” của một niềm thương nỗi xót những kiếp người kình cãi phận số để tồn tại. Được ghi dấu bởi một trái tim hừng hực lửa yêu thương. Dấu ấn của Thương nhớ biền dâu là ở chỗ đó. Biết bao phóng viên đã thành văn nhân cũng nhờ sự chân thực đến kiệt cùng.
Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật nhận xét về Thương nhớ biền dâu: “Dẫu cho hoàn toàn không có ý định “làm đẹp” những trang viết, nhưng xuyên qua việc trình bày sự thực, chất-thơ-tự-nhiên của đời sống vẫn vô tình ẩn hiện. Chất thơ ở đây hẳn nhiên không phải là kết quả của sự dụng công văn chương. Chất thơ ấy chính là những ánh chiếu rọi từ cuộc sống, là món quà “trời cho”, dành tặng những ai biết dâng hiến trái tim cho cuộc sống của nhân quần”.
Nhà báo, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ thì cụ thể hơn về Thương nhớ biền dâu: “Văn chương thời nay thường có xu thế ngắn gọn, và đó phải chăng chính là cách nghĩ, cách nói của những người trẻ, một dòng văn chương báo chí sinh động”.
Sinh năm 1970, học xong Tổng hợp văn Huế, anh “lê la” từ Đài Truyền thanh Hội An, đến Báo Quảng Nam, rồi làm thường trú Nông Thôn Ngày Nay. Cùng lúc “đánh thuê” cho hàng loạt tờ báo lớn nhỏ. Mấy thập kỷ vắt mình cho nghề báo, thế nhưng anh vẫn đau đáu vì chưa thể nói hết chất chứa của kiếp đời nông dân mà anh hằng ơn, mắc nợ… Gần 30 năm làm báo, Huỳnh Phước Lê chỉ chọn in sách 35 “bài báo”, liệu có ít không của một cây bút đầy nội lực “thường trú” nông dân? Nhiều anh em cũng tiếc rằng, anh vừa “bỏ cuộc chơi” báo chí, hiện đã chuyển sang làm việc tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng)…
ĐÀO ĐỨC TUẤN