Sơn Tùng - MTP vừa trình làng ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau”, ngay lập tức bị cho là đạo nhạc. Một lần nữa vấn đề đạo nhạc - một căn bệnh “trầm kha” của âm nhạc Việt Nam, liên quan đến chàng ca sĩ đang rất “hot” trên thị trường nhạc trẻ hiện nay.
Những sáng tác “phiên bản”
Bài hát “Chúng ta không thuộc về nhau” do Sơn Tùng - MTP sáng tác và biểu diễn, trình làng cách đây hơn chục ngày. Đến thời điểm hiện tại, bài hát này đã có hơn 28 triệu lượt xem trên trang youtube và không ngừng gia tăng lượt nghe. Có thể nói bài hát đã đạt được lượng “view” khủng và ở thời điểm hiện tại trên thị trường Vpop chỉ có Sơn Tùng - MTP mới có thể có lượng fan hùng hậu như thế.
Như nhiều bài trước của Sơn Tùng - MTP, “Chúng ta không thuộc về nhau” ngay lập tức bị giới phê bình âm nhạc cho là đạo từ bản remix “We don’t talk anymore” của DJ Heyder. Bài hát này do ca sĩ Charlie Puth sáng tác, anh và Selene Gomez biểu diễn, vẫn đang làm mưa làm gió các bảng xếp hạng âm nhạc tiếng Anh. Họ đưa ra nhiều phân tích chứng minh bài hát của Sơn Tùng giống gần như y nguyên bản remix “We don’t talk anymore” từ hợp âm, giai điệu, tiết tấu đến cấu trúc bài hát.
Trả lời truyền thông Việt Nam về vụ việc trên, DJ Heyder đã khẳng định “Chúng ta không thuộc về nhau” là phiên bản tiếng Việt bản remix bài hát “We don’t talk anymore”.
Trước “bản sao” “Chúng ta không thuộc về nhau”, hầu hết các bài hát do Sơn Tùng - MTP sáng tác và biểu diễn ngay khi ra lò đều bị đem ra phân tích, mổ xẻ theo hướng đạo nhạc như: “Cơn mưa ngang qua”, “Nắng ấm xa dần”, “Chắc ai đó sẽ về”, “Em của ngày hôm qua”…
Sơn Tùng - MTP có lượng fan hùng hậu, phủ sóng hầu khắp các hệ thống kênh thông tin và kênh nghe nhạc. Mỗi khi anh ra bài hát mới, giới phê bình và dư luận thường “quan tâm”, thậm chí vào cuộc quyết liệt để phân định trắng đen trong việc có hay không chuyện Sơn Tùng đạo nhạc và nếu đạo nhạc thì anh đã “ăn cắp chất xám” của người khác bao nhiêu trong một bài hát?
Không chỉ Sơn Tùng - MTP, chuyện đạo nhạc trong thị trường Vpop không còn là chuyện lạ. Rất nhiều bài hát hiện nay vừa ra lò đã dính nghi án “đạo nhái”. Nhóm thính giả bi quan còn cho rằng, hầu hết nhạc Việt trẻ bây giờ đều đạo nhạc. Mới đây nhất, ca sĩ kiêm nhạc sĩ Vũ Cát Tường - một trong những nhân tố trẻ được đánh giá cao về tài năng âm nhạc Việt Nam đăng đàn trên trang facebook cá nhân “bóng gió” về việc nam ca sĩ Sơn Tùng - MTP đạo nhái, “bất chấp và xem thường mọi thứ để được trở thành tâm điểm và vẫn nghiễm nhiên sống vui vẻ”. Ngay lập tức, các ca khúc của Vũ Cát Tường bị đem ra “soi”. Không khó khăn khi khán giả đã “khai quật” được bài hát “Vết mưa” của nữ ca sĩ này có giai điệu “na ná” bản độc tấu piano “Rain In The Park” của nữ nghệ sĩ người Nhật Marika Takeuchi.
Giải pháp chống “đạo nhạc”
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, âm nhạc có ngay trên từng ngón tay gõ phím. Vpop đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Vì vậy, ca sĩ - nhạc sĩ muốn có chỗ đứng trên thị trường âm nhạc với một lượng khán giả của riêng mình tất nhiên họ phải có tài năng. Nhưng thay vì lao động nghiêm túc để tạo ra các bài hát đủ hay để chinh phục khán giả, nhiều nhạc sĩ trẻ chọn cách “ăn cắp” ý tưởng hoặc bê nguyên xi các bài hát nổi tiếng của thế giới pha chế chút ít và tự nhận là ca khúc do mình sáng tác. Làm như thế vừa đỡ công tư duy vừa nhanh chóng “thu phục” khán giả.
Thêm vào đó, sở thích nghe dễ dãi, thỏa hiệp của phần đông khán giả trẻ đã góp phần dung dưỡng cho căn bệnh trầm kha “đạo nhái” trong âm nhạc Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, nhạc sĩ Dương Khắc Linh tỏ ra buồn bã trả lời truyền thông rằng, hành động “đạo nhái” góp phần triệt tiêu động lực sáng tạo của người nghệ sĩ. Bởi một khi việc “vay mượn” ấy bị phát hiện thì không những bản thân người “sáng tác” kia bị lên án mà thể diện của Vpop cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho biết, giới làm nhạc cũng như công chúng Hàn Quốc đã biết việc một số ca khúc nước họ bị ta sử dụng mà không xin phép, nên dù không phải là câu chuyện của bản thân, nhưng anh vẫn cảm thấy xấu hổ.
Khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Hành vi xâm phạm quyền tác giả là sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Tuy nhiên, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (Bộ VH-TT-DL) cũng thừa nhận rằng, cơ sở pháp lý dành cho việc bảo hộ quyền tác giả là chưa chặt chẽ. Kẽ hở pháp luật trong các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc thực thi luật pháp về quyền tác giả gây khó cho việc bảo hộ người sáng tác. Nhiều cá nhân, đơn vị lợi dụng để né tránh thực thi luật. Hiện nay, các đơn vị quản lý tác quyền cũng chỉ vào cuộc xử lý khi có đơn khiếu kiện. Mặt khác, cá nhân, đơn vị bị vi phạm thường không thực hiện quyền khiếu kiện của mình. Một điều đáng lưu ý khác là hiện nay, nghệ sĩ Việt Nam muốn sử dụng bản nhạc của người nào đó cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả và nhiều thủ tục khác. Điều này vô tình gây khó khăn và cản trở trong việc nghệ sĩ nào đó muốn nhanh chóng chuyển ngữ, vay mượn ý tưởng của các ca khúc đang “hit”.
Theo giới chuyên môn, để chống “đạo nhạc” giải pháp bền vững đặt ra là, các đơn vị chức năng cần tham mưu tăng cường tính nghiêm minh của luật pháp trong xử lý vi phạm tác quyền; đồng thời tạo cơ chế để người nghệ sĩ có thể tự thương lượng trong việc sử dụng tác quyền thay vì nhà quản lý phải gồng mình “bảo hộ” hoàn toàn quyền tác giả.
DIỆU ANH