Thứ Năm, 16/01/2025 02:42 SA
Những day dứt và trải nghiệm từ miền Tây
Thứ Hai, 15/08/2016 10:08 SA

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất mới so với lịch sử hàng ngàn năm của đất nước, nhưng chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử với nhiều sự kiện, nhân vật phức tạp mà đến nay vẫn còn cần khám phá, tranh luận. Vùng đất trù phú này hơn 40 năm qua đã có nhiều thay đổi, nhưng cái khó cái nghèo vẫn còn đeo đẳng nhiều người dân…

 

Đoàn văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh trước tượng đài Cồn Tàu - Trà Vinh - Ảnh: PHAN HOÀNG

 

1. Mới đây, đoàn văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh gần 40 người đã thực hiện chuyến đi thực tế sáng tác ở 4 tỉnh miền Tây Nam Bộ là Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh và Bến Tre. Đây là hành trình về nguồn đầu tiên của Liên hiệp các Hội VHNT TP Hồ Chí Minh khóa mới tổ chức, do nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp trực tiếp dẫn đầu. Đoàn đã đến những nơi lưu dấu tích đường Xuyên Tây và đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí cung cấp cho chiến trường trong hai cuộc kháng chiến cứu nước thế kỷ XX.

 

Giới văn nghệ đã từng tranh luận về hiệu quả của những chuyến đi thực tế hoặc trại sáng tác. Bởi như chuyến đi vừa qua, chỉ trong vòng gần 10 ngày, đoàn đến nhiều nơi, gặp nhiều nhân chứng lịch sử, thoạt nhìn cứ ngỡ “cưỡi ngựa xem hoa”. Thế nhưng người xưa nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Nhờ chuyến đi thực tế này, nhiều văn nghệ sĩ mới vỡ lẽ rằng đường Xuyên Tây thời chống Pháp chính là tiền thân của đường Hồ Chí Minh trên biển thời chống Mỹ. Người tiên phong mở ra và trực tiếp chỉ huy là ông Dương Quang Đông, một nhà cách mạng tiền bối từng sát cánh với lãnh tụ Tôn Đức Thắng trong Công Hội Đỏ ở Sài Gòn và Nam Bộ những năm 1920-1930. Từ đầu năm 1946, ông Dương Quang Đông đã lãnh trách nhiệm mang vàng sang Thái Lan lập hiệu buôn giả trang để vận động, tổ chức lực lượng, mua sắm vũ khí đưa về bằng đường biển để tiếp tế cho Nam Bộ và các chiến trường khác…

 

Đường vận tải vũ khí trên biển với những con tàu Không số huyền thoại trong gần 30 năm còn gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử hoặc anh hùng, liệt sĩ như Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Bông Văn Dĩa, Phan Văn Nhờ, Huỳnh Văn Sao, Đặng Văn Thanh, Hồ Đức Thắng, Lê Văn Một, Nguyễn Văn Cứng, Nguyễn Phan Vinh, Hồ Đắc Thạnh… Mặc dù sử sách, tư liệu từng ghi nhận những sự kiện, nhân vật về tàu Không số, nhưng khi được tiếp cận thực tế đã giúp cho văn nghệ sĩ có cách nhìn khác, gần gũi và chân xác hơn. Cảm hứng sáng tạo cũng được khơi nguồn từ âm vang oanh liệt và bi thương đó…

 

2. Hơn 40 năm hòa bình xây dựng, miền Tây Nam Bộ đã thay đổi rất nhiều, nhất là qua 30 năm đất nước bước vào công cuộc Đổi mới. Những cây cầu khổng lồ bắc qua những nhánh sông Cửu Long mênh mông đã kết nối chặt chẽ nhiều vùng vốn biệt lập với nhau và gắn kết miền châu thổ với đô thị lớn là TP Hồ Chí Minh. Tiềm năng của vùng đất phù sa càng có cơ hội khơi nguồn, phát triển. Dù vậy, không ít vùng sâu vùng xa của miền Tây Nam Bộ vẫn còn rất khó khăn, bộ mặt đời sống người dân còn khá cơ cực. Đó cũng là điều mà các văn nghệ sĩ cảm nhận từ thực tế chuyến đi.

 

Tại xã anh hùng Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang giáp ranh rừng quốc gia U Minh Thượng, trước đây là một chiến trường ác liệt và là điểm trung chuyển vũ khí từ đường Hồ Chí Minh trên biển, hiện nay bộ mặt đời sống vẫn chưa khấm khá. Ngay hai bên con đường chính của xã vẫn còn khá nhiều ngôi nhà lá sơ sài, cầu khỉ lắt lẻo bắc qua kênh. Một cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học ngữ văn là anh Huỳnh Ngọc Nguyên đã được cử về làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình Bắc, cho hay để thoát nghèo, địa phương đang tập trung phát triển văn hóa và giáo dục. Nhờ sự hỗ trợ của một người con quê hương là đại tướng Lê Hồng Anh, xã Vĩnh Bình Bắc đã xây dựng riêng một trường trung học phổ thông, ngoài các trường trung học cơ sở và mầm non. Một nhà văn hóa cũng vừa được gầy dựng nhưng còn thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất. Không ít hộ dân đang cố gắng vươn lên thoát nghèo…

 

Tương tự, những xã vùng ven biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cũng chưa thực sự phát triển, trong đó có Thạnh Phong là nơi xảy ra vụ thảm sát đau thương năm 1969 liên quan đến cựu quân nhân Mỹ Bob Kerry mà gần đây “nóng” lên trong dư luận qua dự án thành lập Đại học Fulbright Việt Nam. Không ít hộ dân Thạnh Phong nhà cửa còn mang tính tạm bợ, hàng ngày còn đối phó với cái ăn. Ngay cả con đường dẫn vào di tích đường Hồ Chí Minh trên biển, có đoạn dài gần 1km vẫn còn đường đất ruộng, du khách vào thăm viếng phải lội bộ trong lầy lội mùa mưa. So với sự thay đổi nhanh chóng của TP Bến Tre hay huyện Ba Tri, thì bộ mặt đời sống huyện Thạnh Phú còn kém xa. Đạo diễn Lê Văn Duy, người đã từng đến vùng này quay phim, trăn trở rằng không hiểu vì sao một vùng đất lịch sử và có tiềm năng như Thạnh Phú nhưng chưa được đầu tư phát triển, trong khi Bến Tre là tỉnh nằm khá gần TP Hồ Chí Minh.

 

Rõ ràng, nếu không thâm nhập và trải nghiệm thực tế, thì văn nghệ sĩ khó mà hiểu được sâu sắc những ẩn số của lịch sử, nắm được sự phong phú sinh động của đời sống đang diễn ra ngay trong lòng đất nước mình, trong đó còn không ít bộ phận nhân dân đang phải vượt lên nhiều thử thách mưu sinh.

 

3. Và còn một trải nghiệm trong chuyến đi này mà tôi khó quên. Khi đến dâng hương lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tôi nhớ trong Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong của cụ viết về Phan Thanh Giản: “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”. Nhà thơ Trần Hữu Dũng cùng tôi tranh thủ nhờ “thổ địa” là nhà báo Phan Tấn Hà đón đưa đi viếng thêm lăng mộ hai cụ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản cũng ở Ba Tri. Đây là điều nằm ngoài lịch trình.

 

Tôi cũng nhớ từ năm 1995, trung tướng Đồng Văn Cống, người được xem là Anh cả các lực lượng vũ trang Bến Tre, trong một lần trả lời phỏng vấn của tôi về những nhân vật lịch sử phức tạp của quê hương, ông nói rằng: “Người dân Bến Tre rất quý trọng Phan Thanh Giản. Họ đòi phải có con đường mang tên ông. Tôi cũng đồng ý như vậy. Phan Thanh Giản là một con người tài giỏi, trung kiên, yêu nước nhưng yêu nước theo kiểu phong kiến. Cả hành động uống thuốc độc tuẫn tiết trước khi giao thành Vĩnh Long cho Pháp cũng phản ánh tinh thần trung quân ái quốc nhưng bất lực trước thời thế của ông. Chứ ông không phải là bán nước, là phản động. Các nhà nghiên cứu lịch sử cần sớm có kết luận chính xác về ông”. Danh tướng Đồng Văn Cống còn nói thêm: “Anh nên nhớ dân Bến Tre là dân cách mạng gốc, là dân Đồng Khởi. Và không phải ngẫu nhiên mà họ tôn thờ Phan Thanh Giản đâu. Phải là con người như thế nào thì mới được họ kính trọng chứ! Tôi tin lịch sử nhất định sẽ trả lại sự công bằng cho Phan Thanh Giản”.

 

Điều mà tướng Đồng Văn Cống dự cảm đã diễn ra 13 năm sau đó, vào năm 2008, khi cụ Phan Thanh Giản đã được các nhà nghiên cứu sử học minh oan qua một cuộc hội thảo quốc gia. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy đã phụng hiến một pho tượng cụ Phan Thanh Giản đặt tại đền thờ ông ở Ba Tri. HĐND tỉnh Bến Tre khóa VII cũng đã thông qua việc đổi tên Trường THPT Ba Tri thành Trường THPT Phan Thanh Giản từ năm học 2008-2009. Ngôi trường này ngày càng được xây dựng khang trang.

 

Dù vậy, cho đến nay những vấn đề xung quanh nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản chưa phải đã hết tranh luận trong giới nghiên cứu. Tuy nhiên, qua gặp gỡ trao đổi với nhiều người Bến Tre, tôi nhận thấy họ đều một mực quý trọng cụ Phan đúng như lời của danh tướng Đồng Văn Cống. Cái gì, người nào được dân tin yêu thì còn. Và trong buổi gặp gỡ đoàn văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh trước lúc chia tay, nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bến Tre khi nghe nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho biết tôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng vừa đi thắp hương cho hai cụ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản, anh đã đến bắt tay tôi, xúc động nói: “Tôi cảm ơn ông!”. Một lời chân thành của đồng nghiệp xứ dừa sẽ còn day dứt mãi trong tôi.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek