Thứ Hai, 14/10/2024 11:22 SA
Về Đồng Tháp viếng mộ cụ Phó bảng
Thứ Bảy, 06/08/2016 09:00 SA

Tôi đã đến Đồng Tháp nhiều lần, mỗi lần đến lại có thêm bạn mới và những trải nghiệm, cảm xúc mới. Lần nào đến, cũng được đưa đi tham quan nhiều điểm di tích lịch sử và danh thắng, nhưng có một điểm, dẫu có đến thăm nhiều lần vẫn ghé lại, như người ta về quê bao giờ cũng đến thắp nén nhang ở nhà thờ họ - đó là Khu di tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (còn gọi là Nguyễn Sinh Huy), là cha đẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã đến đây không chỉ một lần, thắp nhang cho cụ, chụp ảnh lưu niệm với bạn bè, đồng nghiệp, nhưng quả thật, chưa có dịp tìm hiểu kỹ về chốn thiêng liêng và đầy tự hào này của người dân Đồng Tháp. Lần này, theo đề nghị của một anh bạn nhà báo mà chuyến đi của tôi không còn là một cuộc dạo chơi thông thường nữa.

 

Tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

 

Buổi sáng, trong lúc Ban Thường vụ Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga họp bàn chuẩn bị cho Hội nghị giao ban toàn quốc 2016 do Đồng Tháp đăng cai, thì các đại biểu được đưa đi thăm Khu di tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Khu di tích Căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Đồng Tháp có một cái tên ngồ ngộ là Xẻo Quýt.

 

Vừa bước qua cổng Khu di tích Mộ cụ Phó bảng đã thấy hàng đoàn người với nhiều giọng nói, trang phục, lứa tuổi khác nhau từ khắp mọi miền của đất nước đi lại nhộn nhịp. Điểm tham quan đông nhất dĩ nhiên là khu Mộ cụ Phó bảng, vì đã đến đây ai cũng muốn được thắp một nén nhang viếng cụ và chụp hình lưu niệm. Việc thắp nhang không mất nhiều thời gian do người hướng dẫn đốt nhang liên tục, phát cho mỗi người một cây lần lượt xếp hàng vô viếng. Nhưng việc chụp ảnh kỷ niệm thì phức tạp hơn nhiều: chụp cá nhân, chụp tập thể 2-3 người, 5-10 người, 3-4 chục người, vậy là phải sắp xếp, điều chỉnh, ngắm nghía, chụp đi chụp lại nhiều lần. Và do vị trí để chụp ảnh đẹp nhất là khu bậc tam cấp trước mộ, nên đành phải chờ đến lượt, nhưng ai cũng tỏ ra vui vẻ và mãn nguyện. Theo lời cô hướng dẫn viên, vùng đất này chính là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ đàng ngoài vào, sống cuộc đời thanh bạch, làm thầy thuốc giúp dân nghèo và gắn bó sâu nặng với nó cho đến khi qua đời vào đêm 26 rạng sáng 27/11/1929, nhằm ngày 27/10 năm Kỷ Tỵ, thọ 67 tuổi. Cảm phục trước tấm lòng yêu nước, thương dân của cụ, người dân làng Hòa An (Cao Lãnh hiện nay) đã góp tiền mua đất an táng cụ tại miếu Trời Sanh (cạnh chùa Hòa Long).

 

Sau Hiệp định Giơnevơ, Tiểu đoàn 311 cùng với các đơn vị bộ đội địa phương được Tỉnh ủy Long Châu Sa (tức Đồng Tháp) giao nhiệm vụ trùng tu mộ cụ Phó bảng. Mộ được xây lại bằng gạch, có lan can bao quanh. Trên bia mộ ghi: “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy - Nhà chí sĩ cách mạng, mất ngày 27 tháng 11 năm Kỷ Tỵ 1929. Quân - dân - chánh Long Châu Sa lập”. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp đã mưu trí, dũng cảm giữ gìn ngôi mộ cụ Phó bảng được nguyên vẹn.

 

Sau ngày đất nước thống nhất 1975, tỉnh Đồng Tháp quyết định xây lại ngôi mộ cho cụ tại địa điểm cũ. Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng ngày 22/8/1975 đến 13/2/1977 thì hoàn thành, được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ về dự và cắt băng khánh thành. Đến năm 1990, nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích được xây thêm mô hình nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Đến năm 2010, nhân lễ giỗ lần thứ 81 cụ Phó bảng, dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc đã chính thức hoàn thành và đưa vào hoạt động. Bia mộ của cụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp làm lễ an vị vào ngày 6/4/2010. Từ đó, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định nâng ngày giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hàng năm lên thành lễ hội với quy mô tổ chức phong phú, sinh động và trang trọng.

 

Sau nhiều lần tôn tạo, giờ đây Khu di tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (từ năm 1992), với tổng diện tích gần 10ha, trong đó có các hạng mục chính là: Mộ, đền thờ, tượng chân dung bằng đá trắng, nhà trưng bày giới thiệu về thân thế sự nghiệp, một góc làng Hòa An xưa, nơi cụ sinh sống ở Đồng Tháp và nhà sàn Bác Hồ được phục dựng lại.

 

Ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được ốp bằng đá hoa cương mang vào từ Móng Cái. Đầu mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát. Mái của khu mộ được thiết kế hình lá sen cách điệu, tượng trưng cho Đồng Tháp. Trên vòm mái có 9 đường gân, ở đầu mỗi đường gân là một đầu rồng, 9 đầu rồng tượng trưng cho đồng bằng sông Cửu Long, hàm ý nhân dân đồng bằng sông Cửu Long lúc nào cũng ôm ấp, che chở cho ngôi mộ của cụ. Phía trước mộ là hồ sen được xây theo hình ngôi sao 5 cánh, tượng trưng cho lá cờ Tổ quốc, giữa hồ có đài sen trắng vươn lên, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch và giản dị của cụ Phó bảng, cũng là biểu tượng của Đồng Tháp và làng Sen, quê hương của cụ.

 

Phiên bản Nhà sàn Bác Hồ và ao cá trong khu di tích - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

 

Trong khuôn viên khu di tích có rất nhiều loại cây quý hiếm từ khắp nơi được đưa về trồng. Đặc biệt nhất là cây khế ở bên cánh trái ngôi mộ được xác định 289 tuổi và cây sộp 328 tuổi bên cánh phải. Hai cây này do ông Ngô Văn Hay (còn được gọi là thầy giáo Kỳ) ở làng Tân Hưng, Sa Đéc (nay thuộc phường 4, TP Sa Đéc) hiến tặng cho khu di tích vào năm 1977. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình thầy giáo Kỳ đã đào hầm dưới 2 gốc cây này trong vườn nhà mình để che giấu cán bộ cách mạng mà chưa lần nào bị địch phát hiện. Ngày 18/12/2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã tổ chức lễ công nhận cây khế và cây sộp trong khu di tích là cây Di sản Việt Nam.

 

Nhà trưng bày giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của cụ Phó bảng có nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý, nhất là về thời gian cụ ở Cao Lãnh. Bức tượng cụ Phó bảng tạc bằng đá trắng, cao khoảng 6m tính cả bệ nổi bật giữa những bồn hoa sắc màu rực rỡ, thể hiện hình ảnh cụ mặc áo dài, khoác tay nải, ôm chiếc tráp, tư thế như đang rong ruổi trên con đường thiên lý. Người miền Nam, nếu chưa có điều kiện ra Hà Nội để vào thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Phủ Chủ tịch thì có thể chiêm ngưỡng phiên bản Nhà sàn Bác Hồ ở Đồng Tháp được xây dựng theo tỉ lệ 1/1, giống y như bản gốc ở Hà Nội, qua đó người xem có thể cảm nhận được đức tính giản dị, khiêm tốn của Bác Hồ qua cách bài trí, sắp xếp căn nhà và những hiện vật đơn sơ, mộc mạc. Khu làng Hòa An ngày xưa (nay thuộc TP Cao Lãnh) được phục dựng, tái hiện lại hình ảnh sinh hoạt đặc trưng của làng quê Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX, là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã gắn bó những năm cuối đời.

 

Ngắm nhìn dòng người tỏa đến các điểm tham quan trong Khu di tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với dáng vẻ thành kính, trang nghiêm, trong tôi lại trào lên cái cảm xúc quen thuộc khi vào Lăng viếng Bác, hay đến thăm di tích lịch sử Trường Dục Thanh ở Phan Thiết là nơi Bác đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn tìm đường cứu nước, hay thăm Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn (Bình Định), viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến, đó chính là lòng tự hào và niềm cảm phục sâu sắc đối với các bậc tiền nhân, hướng tâm hồn vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ vĩnh hằng.

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek