Hàng năm, cứ sau mùa thu hoạch (tháng 12 âm lịch), bà con buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) lại nhộn nhịp tổ chức lễ cúng bến nước theo phong tục của dân tộc mình với hy vọng mang lại nhiều may mắn cho người dân và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nghi thức độc đáo
Lễ cúng bến nước là một trong những phong tục lâu đời của đồng bào Ê Đê. Lễ cúng chỉ được tiến hành khi những người đứng đầu buôn làng hay còn gọi là chủ bến nước đứng ra tổ chức. Vì vậy, buổi lễ cúng bến nước diễn ra trang nghiêm, với sự kính trọng và tôn thờ của người dân và được xem như là ngày hội lớn của buôn làng.
Với kinh nghiệm làm thầy cúng nhiều năm, Oi Tham (61 tuổi), ở buôn Lê Diêm, cho biết: “Từ mấy ngày trước khi làm lễ cúng bến nước, những người lớn tuổi trong buôn đều tập trung lại để bàn bạc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Thanh niên có sức vóc thì đảm nhiệm việc giết heo, còn phụ nữ và người già lo chuyện bếp núc, dọn dẹp nhà cửa... Bà con trong buôn ai nấy đều phấn khởi khi chờ đợi đến giây phút được vui chung niềm vui lớn của buôn làng”.
Mở đầu phần nghi thức lễ cúng bến nước là lời khấn của thầy cúng làm âm vang cả núi rừng: “Hỡi các thần linh ở bốn phương đông, tây, nam, bắc, hôm nay, chúng tôi cúng bến nước, xin thần nước bảo vệ sức khỏe cho đồng bào, nước luôn luôn chảy trong, chảy suốt, chảy sạch, xin tổ tiên, thần nước phù hộ buôn làng đoàn kết, con cháu thảo hiền…”.
Trong suốt lễ cúng, tiếng cồng chiêng không ngừng vang lên. Những âm thanh đặc trưng của lễ hội lan tỏa theo dòng suối, vươn tới những núi cao như thúc giục các thần, Giàng mau về đây chứng kiến lễ cúng tạ ơn đã giúp dân làng có nguồn nước sạch và dồi dào, đồng thời cũng cầu mong các vị thần linh giúp buôn làng có mùa rẫy mới tốt tươi.
Anh Y Hiên (36 tuổi) - một thành viên của đội chuẩn bị lễ vật cúng bến nước, vui vẻ nói: Lễ vật là phần không thể thiếu trong các lễ cúng tế, nhất là các lễ trọng như lễ cúng bến nước. Ở lễ cúng này, thanh niên trai tráng trong làng được giao nhiệm vụ giết heo. Sau đó, đầu heo, vai heo và các bộ phận còn lại của con heo mổ ra được đặt ngay 3 ché rượu phía trước. Già làng sẽ chọn ra các chàng trai khỏe mạnh nhất trong buôn làng để bê lễ vật. Đi đầu, thầy cúng trong trang phục truyền thống, tay cầm một tô tiết heo có pha rượu, đọc các câu thần chú, cầu cúng thần linh. Cồng chiêng nổi lên theo nghi lễ cúng tế.
Lễ cúng bến nước kết thúc, mọi người hồ hởi khai rượu cần, lắc lư bên những giai điệu rộn rã. Ai cũng say sưa trong tiếng chiêng và men say của rượu cho đến đêm khuya.
Giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc
Nước đối với người dân Ê Đê được ví như một món quà vô giá do các thần linh ban tặng mà bất kỳ thứ gì trên đời cũng không thể sánh bằng. Từ đó, tục cúng bến nước được hình thành và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Vì vậy, lễ cúng bến nước không chỉ đơn thuần là một phong tục của người xưa để lại mà còn mang một ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của người đồng bào dân tộc Ê Đê, có thể gửi gắm những tâm tư, ước muốn của buôn làng đến các đấng thần linh, đưa con người đến hy vọng và niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến với mình.
Phong tục này còn giúp người dân tộc Ê Đê nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ nguồn nước cũng chính là bảo vệ chính môi trường sống của đồng bào; giáo dục thế hệ mai sau về tình yêu và sự gắn kết với thiên nhiên.
Anh Ksor Y Leng, cán bộ Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, cho biết: “Lễ cúng bến nước là một nghi lễ khá độc đáo của người đồng bào dân tộc Ê Đê cần được bảo tồn và phát huy. Buôn Lê Diêm là một trong những buôn còn lưu giữ lại những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ấy. Tuy nhiên, để duy trì đều đặn, đúng nghi thức của người xưa là rất khó. Hiện nay, lễ cúng được giản lược một số ít nghi thức phụ”.
THIÊN LÝ