Thứ Năm, 16/01/2025 12:48 CH
Minh Tự, người sống đậm
Chủ Nhật, 31/07/2016 09:48 SA

Nhà báo Minh Tự - Ảnh: HÙNG PHIÊN

Con nợ khóc, chủ nợ khóc, nước mắt hay rượu tuôn cũng cứ nuốt thẳng vào lòng. Ấy là “trích đoạn vỡ nợ” quãng đời nhà báo Minh Tự nấu cơm tháng cạnh ký túc xá sinh viên Đà Lạt. Anh tên thật là Lê Văn Minh Tự, sinh năm 1968, hiện sống và viết tại Thừa Thiên Huế, vừa ra mắt cuốn tạp ký “Trước nhà có cây hoàng mai” (NXB Trẻ - 2016).

 

Người trai dấn bước

 

Hơn 20 năm trước, tôi đang ở Đà Lạt, tình cờ gặp chàng thư sinh “đen đúa” từ Huế xách gói lên. Tự vừa tốt nghiệp Văn khoa Huế, đang vu vơ thất tình thì được người rủ rê về đất sương mờ để… quên buồn, lập nghiệp. Ở thuê ở trọ đủ nơi, rồi anh tá túc dài hạn tại một căn phòng cũ kỹ trên đồi thông khuôn viên Sở Văn hóa Lâm Đồng. Buổi đầu về Đà Lạt, Tự làm đủ nghề: nỉa đất, thu hoạch rau quả cho các nhà vườn la-gim, viết “dạo” các báo, nấu cơm tháng cho sinh viên Trường đại học Đà Lạt…

 

Về chuyện nấu cơm tháng cho sinh viên, Tự làm cùng một người bạn đồng hương. Địa điểm quán cơm phải thuê từng tháng, ông chủ thì đi mua nợ từng cân gạo, bọc khoai, lít mắm…, còn thực khách thì chuyên cần đến ăn… ký sổ. Thế nhưng, chủ quán Tự vẫn luôn hết sức lịch lãm, trọng thị từng cô cậu sinh viên… đói rách. Cơm dẻo, canh ngọt cứ thế đều đặn trong hơn một năm trời. Chủ quán cơm thì “nghĩ kế” mua nợ; thực khách thì luôn “nghĩ kế” ăn nợ. Cứ thế quay vòng, Tự lúc nào cũng như “mở mắt không lên”. Anh và người bạn đã phải còng lưng cầm cự bằng cả tấm lòng hào hiệp. Thế nhưng, cũng đến lúc hai ông chủ trẻ cùng nhóm khách hàng sinh viên phải mở một hội nghị bên chén rượu trắng để tuyên bố… phá sản. Con nợ khóc, chủ nợ khóc, nước mắt hay rượu tuôn cũng cứ nuốt thẳng vào lòng; nức nở to nhất là mấy cô sinh viên năm nhất, năm hai…

 

Tôi nhớ, GS Hồ Tấn Trai trong một buổi lên giảng đường đã đề cập đến Minh Tự: “Tôi biết một cậu thư sinh đang nấu cơm ở gần ký túc xá sinh viên. Tôi có hỏi cậu: Biết không lãi, sao vẫn làm? Cậu nói rằng: Em thấy thích, thấy vui vì muốn giúp các bạn sinh viên. Đấy, trong lúc lo thân mình chưa xong, cậu ấy vẫn cứ bươn bả giúp mọi người. Tôi thấy đây là một hành động dấn thân, chỉ có tuổi trẻ mới làm thế. Các bạn thích điều gì, hãy hành động ngay đi. Rồi trải nghiệm sẽ thuộc về các bạn”.

 

Thế rồi Tự chuyển sang làm báo chuyên nghiệp. Sau nhiều thử thách, anh trụ lại Báo Lâm Đồng. Miệt mài lăn lộn cùng đủ hạng người, thâu đêm suốt sáng ngồi viết dưới bất kể bàn bụi, nến, đèn dầu, đèn điện chập chờn, cứ thế, Tự mưu sinh bằng con chữ. Thiên hạ bắt đầu biết đến cái tên Minh Tự trên nhiều trang báo khắp nước. Thế nhưng giải quyết xong nhiệm vụ báo chí, câu chữ Minh Tự luôn chực bay lên từ trầm tích văn chương...

 

Góc trời riêng Minh Tự

 

Minh Tự duyên nợ với Đà Lạt đúng một thập kỷ, rồi xuôi xe đò về lại Huế định cư. “Tự ở Đà Lạt chỉ 10 năm à?”, nhiều bầu bạn thốt lên như vậy khi có người “đếm” thời gian anh ở xứ ngàn sương. Bởi anh đã từng giờ sống hết mình với Đà Lạt trong những tháng năm kham khó, miệt mài thăng hoa ở nhiều thể loại, được lắm người đồng cảm. Chỉ với 10 năm, bao nhiêu ngóc ngách của Đà Lạt - Nam Tây Nguyên đã được Tự xới tung, ôm trọn. Quả thật, nghề báo đã chọn anh.

 

Tôi cứ nghĩ, cuốn sách đầu tiên anh sẽ viết về Đà Lạt, thế nhưng lại là Huế. “Nói gì thì nói, cái gì gắn với tuổi thơ, quê hương luôn như mặc định. Huế thì nhiều người đã viết, thế nhưng góc nhìn luôn là điều rất riêng của mỗi người. Khi đã yêu thì yêu tới bến…”, Tự bộc bạch.

 

Mỗi vùng đất một tạng người, có hay có dở nhưng sự độc đáo thì không thể trộn lẫn. Trong cuốn tạp ký “Trước nhà có cây hoàng mai”, Minh Tự đã bộc lộ cái nhìn của một “người rất Huế” không cần sống giàu, chỉ cần sống thơm… Không cầu kỳ đao to búa lớn, những dòng viết của Tự về Huế luôn là điều anh đã nếm trải hoặc bắc cầu từ những người mà anh tìm hiểu. Anh cảm nhận lối sống, lối ăn, lối chơi kiểu Huế một cách tự nhiên theo suy nghĩ của mình, có sao nói vậy, thấy đâu viết đó, mà đằm, mà lay…

 

“Có thể nói với người Huế, hoàng mai là linh hoa. Nhà nào cũng có một cây mai vàng trước sân. Cung điện của vua trước sân trồng mai vàng. Nhà dân bần hàn cũng mai vàng trước ngõ. Từ đường của dòng họ thì chắc chắn không thể thiếu hoàng mai. Vườn chùa Huế mà thiếu mai vàng thì khác gì chùa vắng bóng Phật. Nhà thờ Chúa với kiến trúc rặt Âu châu cũng không thể thiếu cây mai vàng. Khắp phố cùng quê, đi đâu cũng thấy hoàng mai. Mai trồng khắp vườn và dứt khoát trước sân phải có một cây, như là điểm nhãn cho khuôn mặt. Trước sân xuất hiện cây hoàng mai, tự dưng cả khu vườn lung linh hẳn lên. Ngày xuân mai nở vàng rực trước sân, trong nhà dẫu không thịt, không bánh như những năm còn đói kém vẫn thấy ấm lòng…” (“Trước nhà có cây hoàng mai”).

 

Nhà văn Vĩnh Quyền nhận xét: “Trong sách này của Minh Tự có dấu ấn một thời sống bên ngoài Huế và cách nhìn - cách nghĩ của nghề báo, nó làm nên khác biệt với những tác giả viết về Huế - khúc ruột của mình - bằng tinh thần cực đoan đáng yêu kiểu “không nơi nào có được” hoặc “chẳng thể nào đổi khác”. Còn nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận: “Cuốn sách của Minh Tự đã chuyển tải một cách nhìn đậm chất điền dã, tư liệu xác thực về “lối sống Huế” đương đại. Giá trị trong “cái nhìn” về Huế của anh là ở đây, khi đọc ngay bây giờ và mai này đọc lại”.

 

Một ngày bên bờ sông Hương, Minh Tự nói với tôi: “Chắc hẳn rồi, cuốn sách tiếp theo của mình phải là về Đà Lạt”. Và tôi tin sẽ có sách sớm, bởi 99% bản thảo về Đà Lạt đã được “người sống đậm” viết xong…

HÙNG PHIÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek