Thứ Hai, 14/10/2024 13:15 CH
Chuyện những học trò “tình thương Biên phòng”:
KỲ 1: Điểm tựa yêu thương
Thứ Bảy, 23/07/2016 10:00 SA

Thiếu tá Mai Văn Dũng thăm gia đình học trò Đặng Thị Bích ở làng biển Đông Tác, TP Tuy Hòa - Ảnh: PHƯƠNG OANH

20 năm trước, tại làng chài Đông Tác, huyện Đông Hòa (nay là TP Tuy Hòa), có một lớp học tình thương dành cho trẻ em nghèo nơi đây mà thầy giáo giảng dạy là những người lính biên phòng. Năm tháng trôi qua, những học trò lớp tình thương ngày ấy đã lớn lên, trưởng thành và tạo lập cuộc sống riêng, có người đã thành công, vẫn còn không ít người đang nhọc nhằn vượt khó. Song với họ, những năm tháng tuổi thơ chật vật đi tìm con chữ bên chân sóng không chỉ là ký ức đẹp mà còn là hành trang giúp họ vững bước trên mỗi chặng đường đời. 

 

Nghe tin những học trò ở Đông Tác từng học lớp tình thương do những người lính quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Tuy Hòa giảng dạy hẹn nhau về họp mặt để chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày chia tay lớp học, tôi liền tìm về làng biển này...

 

Vượt khó vào đời

 

Theo đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP, từ năm 1992 đến 1999, BĐBP Phú Yên đã phối hợp mở lớp dạy chữ cho 1.525 em biết đọc, biết viết và học hết bậc tiểu học; phổ cập THCS cho 225 em; xóa mù chữ cho gần 300 người lớn tuổi. Dù chỉ một số ít các em có điều kiện tiếp tục học lên, hoàn thành chương trình phổ thông, có nghề nghiệp và vị trí trong xã hội, nhưng phần lớn các em vào đời đều có cuộc sống gia đình ổn định. Nhiều em trở thành chủ tàu vươn khơi và làm ăn khấm khá và có quan hệ gắn bó, hỗ trợ cho BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biên giới biển của tỉnh nhà.

Căn nhà cấp 4 của Đặng Thị Bích nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở làng chài Đông Tác là nơi thầy trò lớp tình thương gặp gỡ. Ước mong gặp lại thầy, bạn cũ sau bao nhiêu thao thức giờ đã thành hiện thực khiến những cựu học trò lớp tình thương không cầm được nước mắt.

 

Ngày ấy, lớp có 30 học trò. Gọi nhau là bạn, vào ngồi học cùng một phòng nhưng lớp học này gồm 5 nhóm học sinh với chương trình học từ lớp 1 đến lớp 5. Hễ em nào học xong lớp 5, các thầy làm thủ tục chuyển sang trường cấp hai. Lớp tình thương của những học trò ở Đông Tác được bốn người thầy giảng dạy. Thầy giáo Lê Văn Vàng bây giờ đã chuyển công tác vào Khánh Hòa, thầy Phạm Ngọc Định đang làm việc tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thầy Nguyễn Ngọc Năm đã mất sau khi lâm bệnh hiểm nghèo. Ngày còn dạy ở lớp, thầy giáo Mai Văn Dũng là thiếu úy, nhân viên vận động quần chúng, còn rất trẻ, giờ thầy mang quân hàm thiếu tá, tóc đã có sợi bạc. “Đã hai mươi năm, những biến động trong cuộc đời đẩy đưa mỗi người tứ tản nên khó hội đủ tất cả. Thế nhưng, dù sinh sống, làm ăn ở bất cứ nơi nào, trong lòng em và các bạn không bao giờ quên hình ảnh lớp học tình thương của mình cùng với những người thầy quân hàm xanh”, chị Đặng Thị Bích xúc động nói với thiếu tá Mai Văn Dũng.

 

Chị Bích cho hay, kết thúc kỳ học cuối ở lớp tình thương, nhóm học trò này được các thầy giáo biên phòng chuyển vào học ở trường cấp 2. Chật vật với từng con chữ khi những bữa cơm không đủ no, nhiều bạn đã sớm nghỉ học, lao vào cuộc mưu sinh phụ giúp cha mẹ. Có người theo đuổi việc học lên đến lớp 7, 8 và hiếm hoi cũng có bạn học đến hết cấp ba. Riêng Bích, học xong chương trình lớp 6, chị đã nghỉ học vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân. Mãi đến cách đây 5 năm, Bích mới trở về quê lập gia đình.

 

Căn nhà của vợ chồng Bích xây dựng từ 2 năm trước tuy không bề thế nhưng gọn gàng, ngăn nắp. Ngay trước hiên nhà, người phụ nữ trẻ này đã mở quán bán cà phê buổi sáng để kiếm tiền chạy chợ và dành trọn thời gian dạy dỗ con, chăm sóc gia đình để chồng yên tâm đi làm việc. Ngồi bên cạnh, dạy cho đứa con gái nhỏ 5 tuổi học bài, Bích kể trong niềm vui, “cháu đã thông thạo bảng chữ cái, ham viết chữ, vẽ tranh và luôn đem theo bên mình mấy quyển sách để đòi mẹ đọc truyện, dạy đọc thơ”.

 

Người phụ nữ trẻ tâm sự, dù cuộc sống hiện tại chưa sung túc nhưng nhìn lại những gì có được như hôm nay, chị thấy vui. Những năm xa quê, xa người thân, lại gặp nhiều bất trắc trên đường làm ăn nhưng may mắn, chị đã hướng về những điều tốt để sống. Với chị, “điểm tựa” cho nghị lực ấy chính là những người thầy giáo biên phòng. “Tôi nhớ hoài những giờ học giáo dục công dân, các thầy thường kể cho chúng tôi nghe về những tấm gương giàu nghị lực và ham học. Sau mỗi câu chuyện, thầy vẫn gọi học trò nói về cảm nhận. Thầy Nguyễn Ngọc Năm thường đúc kết bài học với lời dặn dò chan chứa yêu thương. Thầy bảo, mỗi người sống trong cuộc đời có một hoàn cảnh, một công việc nhưng tất cả những học trò của thầy ngày sau nhất định phải sống tốt và làm việc có ích cho xã hội”, chị Đặng Thị Bích không nén được niềm xúc động khi nhắc lại lời của thầy Năm cách đây 20 năm.

 

“Ngày ấy, cuộc sống thiếu thốn, khó khăn muôn bề. Tuổi thơ của tôi và các bạn cùng trang lứa cứ mịt mù “xa khơi” trong nỗi lo cơm áo của cha mẹ. Nếu không được các thầy dạy dỗ, chỉ bảo cặn kẽ, có lẽ cuộc đời tôi và nhiều bạn bè ở vùng biển này đã không thể có cuộc sống tốt hơn như ngày hôm nay”, chị Bích tâm sự.

 

Tấm giấy khen được các thầy giáo ở Đồn Biên phòng Tuy Hòa trao tặng những ngày học lớp tình thương vẫn được Chế Văn Thời lưu giữ - Ảnh: PHƯƠNG OANH

 

Nuôi dưỡng yêu thương

 

Từng là học trò ở lớp tình thương của làng biển Đông Tác, ở tuổi 28, Chế Văn Thời hiện là cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Phòng TN-MT TP Tuy Hòa. Anh cán bộ viên chức xuất thân từ làng biển nghèo luôn khiến bạn bè, đồng nghiệp yêu mến bởi sự sâu sắc trong suy nghĩ và chu đáo trước công việc. Sau ngày tốt nghiệp ngành Trắc địa Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, để được tiếp nhận vào vị trí công việc như bây giờ, Thời đã lăn lộn khắp các vùng miền, làm nhiều công việc khác nhau để có kinh nghiệm. “Bây giờ, nhìn cung cách mẫn cán của Thời, chúng tôi khó hình dung đây là cậu học trò nổi tiếng ngủ gục, trốn học của lớp học tình thương 20 năm trước”, thiếu tá Mai Văn Dũng nói.

 

Thiếu tá Mai Văn Dũng cho biết, Thời là một trong số ít những đứa trẻ đầu tiên có mặt tại lớp tình thương. “Ngày chúng tôi đến nhà vận động cho các em ra lớp, người lớn trong nhà thường nói, học làm gì, lớn thêm vài tuổi nữa rồi theo cha, chú ra biển thả lưới, đánh cá kiếm cái ăn cho nhanh thấy. Dù nói vậy nhưng ngư dân có lẽ “nể” những người lính biên phòng nên họ cũng cho con theo học lớp tình thương...”, thiếu tá Dũng kể.

 

Nhắc về lớp học ngày ấy, Chế Văn Thời kể: “Lớp học của chúng tôi là căn phòng bằng lá được dựng lên trên khoảng đất trống dưới vườn dừa. Nằm sát bãi biển nên mùa đông, gió từ biển thổi vào lạnh cóng. Các thầy đã tận dụng nhiều mảnh ván ép cũ để che chắn, đóng kín cửa sổ ngăn bớt gió. Mùa hè, cửa mở toang, gió lùa vào căn phòng mát rượi. Nhiều buổi trưa phải phụ gia đình kéo lưới ngoài bãi biển mệt lữ nên đến giờ vào lớp, chúng tôi nằm dài trên bàn ngủ ngon lành. Hồi đó, mỗi buổi đi dạy, một tay thầy ôm tập sách bài giảng, tay kia cầm theo cái khăn lính và chậu nước. Hễ có đứa nào ngủ gục là thầy giục đứng dậy đi lấy khăn nhúng nước lau mặt mũi”.

 

Những buổi học cuối tuần trong niềm háo hức mong đợi của những đứa trẻ con nhà nghèo. Bởi, đến giờ sinh hoạt lớp, các thầy thường có những túi bánh, kẹo phân phát cho học trò. Rồi, mỗi mùa Tết Trung thu, thầy lên những vùng quê tìm xin về những cây tre to. Cả ngày chủ nhật, thầy trò hì hục cưa, chẻ, vót tre, cột thành hình lồng đèn bánh ú và lồng đèn ngôi sao 5 cánh. Thầy giao cho mỗi đứa một chiếc sườn lồng đèn để tiếp tục tự mình phất giấy màu, trang trí. Qua bàn tay vụng về của những đứa trẻ con nhà nghèo, những chiếc lồng đèn thành hình với lớp giấy màu nhăn nhúm, loang lỗ nhưng ngày trăng tròn, xóm biển lại chộn rộn niềm vui.

 

Ngày ấy, sách báo trong mắt những đứa trẻ nhà nghèo xóm biển là vật lạ lẫm. Để “dụ” học trò mê đọc sách, mỗi buổi học, các thầy lại tìm một câu chuyện thần thoại hoặc chuyện cổ tích hấp dẫn đọc cho cả lớp nghe. Đến hôm sau lại bảo học trò xung phong lên kể, bạn nào kể tốt sẽ được thầy thưởng quà. Những năm tiếp sau, các thầy đặt cho lớp một số báo thiếu niên tiền phong để chuyền cho nhau đọc và luôn khuyến khích học trò đến thư viện của đồn đọc sách...

 

Từ những đứa trẻ miền cát cháy ham chơi, cục cằn, thường bị thầy phạt vì tội đánh nhau, các bạn học lớp tình thương dần rời bỏ những tật xấu và đã biết hãnh diện khi được nhận những tấm giấy khen mỗi cuối năm học. “Lên học cấp hai, tôi bắt đầu ấp ủ giấc mơ được làm công chức nhà nước. Và nhờ sự dạy dỗ, cưu mang của các thầy giáo quân hàm xanh, bây giờ, tôi đã đạt được những ý nguyện của mình và có cuộc sống tốt đẹp hơn”, Chế Văn Thời thổ lộ.

 

KỲ CUỐI: Vượt nghèo nhờ “con chữ tình thương”

 

PHƯƠNG OANH 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đôi quán quân sống đẹp
Thứ Năm, 21/07/2016 13:00 CH
Nơi thời gian lắng đọng
Thứ Tư, 20/07/2016 11:00 SA
Phú Yên đoạt 5 giải A
Thứ Tư, 20/07/2016 08:20 SA
Để phong trào đọc sách lan tỏa
Thứ Ba, 19/07/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek