Thứ Hai, 14/10/2024 13:18 CH
Sông Hinh bừng sáng
Thứ Năm, 21/07/2016 11:00 SA

Trung tâm thương mại Sông Hinh luôn nhộn nhịp - Ảnh: MINH NGUYỆT

Thành lập ngày 25/2/1985, là huyện miền núi nằm ở vị trí tiếp giáp giữa hai vùng cao nguyên - đồng bằng và tiếp giáp với các tỉnh Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Sông Hinh được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai phì nhiêu. Những ai đến Sông Hinh trong thời gian này đều cảm nhận sự phát triển diệu kỳ trên mảnh đất một thời hoang sơ và nghèo khó này.

 

Sông Hinh - vùng đất sử thi

 

Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch thường trực HĐND huyện Sông Hinh, cho biết: Nhanh quá, thoáng chốc mà đã hơn 30 năm, huyện Sông Hinh lúc trước còn hoang vu lắm, chỉ có cỏ lau, tranh mọc um tùm, cùng với những cánh rừng bạt ngàn và những cơn sốt rét rừng luôn là nỗi lo của mọi người. Nhưng giờ đây đã khoác lên mình một diện mạo mới, trở thành một huyện lỵ phía tây nam Phú Yên đầy tiềm năng. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Sông Hinh vừa qua, huyện Sông Hinh vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba.

Tháng 5/1985, sau hơn 3 tháng thành lập huyện Sông Hinh, tôi có mặt tham gia phong trào xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sông Hinh do tỉnh Phú Khánh (cũ) phát động. Địa bàn nơi chúng tôi khai hoang xây dựng có tên Đồi 400, nay thuộc thôn Tân Yên, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh.

 

Trong những năm tháng sống ở Đồi 400 tôi được nghe già làng ở buôn Thứ, hay già làng Ma Quân ở buôn Chung (xã Ea Bar) kể truyền thuyết về địa danh Sông Hinh. Đó là kết quả chuyện tình đầy nước mắt của đôi trai gái Y Doal và H’Ngal không đến được với nhau do mâu thuẫn giữa hai bộ lạc; khi bộ lạc bên này quyết định đem chàng Y Doal trói vào gốc cây trên ngọn Vọng Phu, bộ lạc bên kia cũng đem nàng H’Ngal nhốt vào hang sâu. Thương H’Ngal, nước mắt chàng Y Doal chảy thành suối. Nhớ Y Doal, nước mắt nàng H’Ngal cũng chảy thành sông. Hai con sông, suối cách nhau mấy cánh rừng cũng đã tìm gặp nhau, tạo thành con sông lớn đổ về sông Ba xuôi ra biển Đông.

 

Từ khi có con sông, vùng đất này trở nên màu mỡ, mùa nối mùa vui. Sông lại lắm cá, thú rừng cũng tranh nhau về đây. Đời sống hai bộ lạc càng thêm no ấm. Lúc này mọi người mới nghĩ lại, thương nhớ chuyện tình Y Doal và H’Ngal, họ tin dòng sông là nơi hội nhập hai linh hồn của đôi trai gái theo ý muốn của Giàng.

 

Già làng hai bộ lạc chủ động gặp nhau để giải oan cho đôi trai gái. Họ đã đặt tên con suối nơi chàng trai ra đi là suối Ya Doal, con suối tạo bởi nước mắt của cô gái là suối Ea Ngal, dòng sông nước mắt của họ có tên là Sông Hinh (Krông Hinh). Từ đó hai bộ lạc thêm hòa hiếu yêu thương nhau. Họ bảo vệ các con suối và dòng sông để bày tỏ nhớ thương đôi trai tài gái sắc và họ đã căn dặn con cháu phải làm sao để dòng nước mắt của tiền nhân ngày thêm mang lại hữu ích cho đời...

 

Truyền thuyết vẫn là truyền thuyết, không ngoài mục đích để hậu thế biết về một địa danh và điều đáng ghi nhận hơn hết, từ một vùng đất hoang sơ, nay Sông Hinh đã khoác lên một tấm áo mới bừng sáng.

 

Huyện Sông Hinh có 19 dân tộc anh em sinh sống, nên đời sống văn hóa hết sức đa dạng, phong phú, độc đáo, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Hơn nữa, huyện Sông Hinh nằm trong vùng giao thoa văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thể hiện rõ nhất là trong các lễ hội như lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ mừng nhà mới, lễ cầu mưa... Sức hấp dẫn, thu hút của các lễ hội không chỉ là yếu tố tâm linh, mà quan trọng hơn là sự trình diễn các loại hình văn hóa cộng đồng như đánh chiêng, trống, múa xoan, hát và cả nghệ thuật trang trí. Người dân tham gia lễ hội sẽ có cảm giác như đang tắm mình vào dòng chảy của lịch sử, văn hóa dân tộc với biết bao niềm tự hào, phấn khởi; giúp họ xua tan những mệt nhọc, khó khăn trong cuộc sống đời thường.

 

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên (nay là Sở VH-TT-DL), huyện Sông Hinh có gần 100 sử thi, nhiều nhất là của người Ê Đê và trên 30 nghệ nhân hát sử thi. Sử thi Sông Hinh không chỉ nhiều về số lượng, phong phú về chủ đề sáng tạo, mà chất lượng nhiều bản sử thi có giá trị về văn hóa, lịch sử, được các nhà khoa học đánh giá cao như Đam San, Xinh Nhã, Khinh Dú, Am H’Wứ… Vì lẽ đó mà các nhà khoa học không ngần ngại đưa ra nhận định rằng “Sông Hinh là quê hương của sử thi”.

 

Trò chuyện với ThS Lê Thế Vịnh, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sông Hinh từ ngày mới thành lập, nguyên Trưởng Phòng Di sản, hiện là Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa Sở VH-TT-DL Phú Yên và được ông chia sẻ: “Di sản văn hóa của huyện Sông Hinh có khá nhiều, song để phục vụ và phát triển du lịch thì phải gắn với cộng đồng, coi cộng đồng là nhân tố bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa bền vững nhất. Song, huyện Sông Hinh cần lựa chọn thời điểm và loại hình thích hợp để tổ chức, nhằm thu hút du khách để giới thiệu, quảng bá và tạo cơ hội cho họ tiếp cận với đời sống của đồng bào”.

 

Người dân thu hoạch cà phê tại xã Ea Bar, huyện Sông Hinh - Ảnh: NHẬT HUY

 

Sông Hinh là thế “rồng thăng”

 

Mới đây, nhân dịp tham quan Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ 9 năm 2016 tổ chức tại Sông Hinh, tôi tranh thủ đồng hành cùng anh Nguyễn Chí Hiền, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Sông Hinh về xã Ea Ly để viết chuyên đề “Xã giáp ranh với phong trào an ninh trật tự”. Đi trên con đường đến xã Ea Ly mà lúc trước có tên gọi “Khu rừng già”, anh Hiền kể: “Trước đây, đoạn đường này cây cối rậm rạp lắm, tầm xế chiều không ai dám đi vì có cọp, nếu đi thì phải đông người”. Nhưng nay, đường đã được tráng nhựa dài hơn 30 cây số từ trung tâm huyện Sông Hinh đến xã Ea Ly tiếp giáp với xã Cư Prao, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk, đã trở thành con đường liên tỉnh, giao lưu kinh tế - xã hội... với các tỉnh lân cận và hai bên đường “Khu rừng già” bây giờ bạt ngàn màu xanh của cây công nghiệp ngắn ngày. Còn khu vực Đồi 400 heo hút, bây giờ là thôn Tân Yên, xã Ea Ly sầm uất, hai bên đường khang trang những ngôi nhà mái ngói và nhà tầng kiên cố, trong tôi cảm nhận một sức sống mới của xã giáp ranh.

 

Còn nhớ, anh Phan Hữu Đại, khi còn là Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, thường nói chuyện với thanh niên huyện nhà về tiềm năng kinh tế thủy điện: Sông Hinh là thế “rồng thăng”, nằm giữa sông Hinh và sông Ba nên huyện Sông Hinh sẽ là trung tâm của tam giác thủy điện lớn. Đó là thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông Hnăng, tương lai không xa sẽ mở ra cho Sông Hinh những cảnh quan nhân tạo rất nên thơ giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.

 

Thật vậy, giờ đây các nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông Năng đã đi vào hoạt động, biến những cơn lũ, con thác nơi đây thành dòng điện quý giá hòa chung vào lưới điện quốc gia, tạo ra một tam giác thủy điện giữa núi rừng Sông Hinh đại ngàn trùng điệp. Sự hình thành các công trình thủy điện với ba hồ chứa nước nhân tạo dung tích lớn đã tạo ra rất nhiều đảo lớn nhỏ trong lòng hồ cùng hệ thống sông, suối, cây rừng và các buôn làng bao bọc xung quanh đã tạo cho Sông Hinh một tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.

 

Có lẽ không riêng gì tôi mà tất cả những ai đến Sông Hinh trong thời gian này đều cảm nhận sự phát triển diệu kỳ trên mảnh đất một thời hoang sơ và nghèo khó với hệ thống điện đường trường trạm, trung tâm thị trấn nhộn nhịp đa sắc màu giữa các dân tộc anh em. Sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân, việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả đã làm thay đổi tập quán canh tác, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Mạng lưới điện quốc gia đã phủ kín 100% thôn, buôn. Hệ thống thông tin liên lạc phát triển nhanh, mạng lưới điện thoại cố định đã phủ ở 11 xã, thị trấn; chương trình quốc gia đầu tư xây dựng cụm trung tâm xã, Chương trình 134, 135 ở các xã đặc biệt khó khăn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... không những làm cho bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi rõ nét mà còn tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến tâm tư, tình cảm và sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc, củng cố thêm niềm tin giữa nhân dân với Đảng, chính quyền.

 

Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, thời gian chưa phải là dài so với lịch sử phát triển của một vùng đất mới nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sông Hinh đã tích lũy, đúc kết được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý. Đây là sự chuẩn bị tích cực, là cơ sở vững chắc để huyện Sông Hinh tiếp tục xây dựng, phát triển trong tương lai vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hội nhập.

 

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đôi quán quân sống đẹp
Thứ Năm, 21/07/2016 13:00 CH
Nơi thời gian lắng đọng
Thứ Tư, 20/07/2016 11:00 SA
Phú Yên đoạt 5 giải A
Thứ Tư, 20/07/2016 08:20 SA
Để phong trào đọc sách lan tỏa
Thứ Ba, 19/07/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek