Thật khó hình dung một nhà văn không có những ký ức vui buồn của tuổi thơ để làm bệ phóng cho trang viết đời mình. Nhiều nhà văn trên thế giới đôi khi chỉ có một tác phẩm viết chủ yếu về thời thơ ấu mà sống mãi trong lòng bạn đọc.
Văn học Việt Nam đương đại cũng vậy. Ký ức tuổi thơ có khi là đề tài chủ đạo của một tác phẩm hoặc là nguồn cảm hứng chi phối trong nhiều sáng tác. Nếu như không có tuổi thơ phiêu bồng “tung tăng cuốc kêu dế gáy chim ca/ cóc nhái gọi sấm gọi chớp gọi mưa” ở làng Nghĩa Đô bên bờsông Tô Lịch trong xanh ngày xưa với những trò chơi tắm sông, chọi dế, đúc dế thì nhà văn Tô Hoài khó mà dựng nên “Dế mèn phiêu lưu ký” làm say mê bạn đọc nhiều thế hệ. Còn nhà văn Nguyên Hồng với tiểu thuyết tự truyện “Những ngày thơ ấu” đã ám ảnh chúng ta bởi như nhà văn Thạch Lam nhìn nhận “nó là sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại lạc loài trong những lề thói khắc nghiệt của một gia đình sắp tàn”. Thế hệ sau, ở Nam Bộ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng trải qua tuổi thơ thi vị và dữ dội ở Cù lao Giêng nằm giữa sông Tiền, để từ đó ông viết nên hai tiểu thuyết “Đất lửa”, “Dòng sông thơ ấu” và nhiều truyện ngắn. Nhà văn Sơn Nam tái hiện “Chuyện xưa tích cũ” cùng một số tác phẩm khác cũng từ những hồi ức thuở ấu thơ được nghe người lớn kể về thời khẩn hoang lập làng đánh cọp đuổi sấu ở Nam Bộ. Nguyễn Nhật Ánh với hàng loạt tác phẩm gây sốt với bạn đọc nhiều thế hệ cũng gắn liền với những ký ức đẹp đẽ và sinh động của thời tuổi xanh ở xứ Quảng và Sài Gòn…
Trong thi ca Việt cũng vậy. Nhờ từ thuở bé được mẹ ru hời bằng những câu Kiều và lời ví dặm 5 chữ xen lục bát mà nhà thơ Huy Cận đã thấm thấu tinh thần văn hóa và thể thơ truyền thống dân tộc, trở thành người viết lục bát hay hàng đầu thi ca Việt đương đại, đồng thời với tình yêu thiên nhiên và con người mà ông đã được sớm “giác ngộ” để thể hiện nhân văn trong thơ mình. Nhà thơ Lê Đạt viết bài thơ Cha tôi nổi tiếng từ những kỷ niệm đau thương về đấng sinh thành mà tuổi thơ ông chứng kiến ở vùng cao Bắc Giang: Đất quê cha tôi/ đất quê Đề Thám/ Rừng rậm sông sâu/ Con gái cũng theo đòi nghề võ”, để rồi từ thất bại của cuộc đời người cha mà ông đã đứng lên: Năm tháng mài mòn/ bao nhiêu khát vọng/ Cha đã dạy con một bài học lớn/ Đau thương/ kiên quyết làm người.
Tôi cũng có một tuổi thơ vừa lãng mạn vừa dữ dội, gian khó. Đó là một tuổi thơ trôi qua trong chiến tranh bi thương ở duyên hải miền Trung, lớn lên trên đôi vai gồng gánh đạn bom của người mẹ đơn độc tảo tần, mà tôi đã ghi lại trong bài thơ “Mẹ gánh ước mơ”: Mẹ quảy mẹ chạy/ cắc bụp cắc đùng/ người ngã sau lưng/ người chúi trước mặt/ Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư/ mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc/ tiếng khóc con thơ/ mạnh hơn/ tiếng gầm đại bác…
Chính nhờ đó mà mới đây khi ra Đà Nẵng được nhà văn Bùi Tự Lực tặng tự truyện “Nội tôi” viết về thời thơ ấu gian khổ của anh giữa chiến tranh, tôi đọc trong nỗi nghẹn ngào xúc động, hiểu hơn tại sao tác phẩm này từng được trao giải cao về văn học thiếu nhi và được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản đến 6 lần trong hơn 15 năm qua.
Cha hoạt động cách mạng, bị địch bắt, ra tù tiếp tục bám trụ quê hương chiến đấu ở đất Quảng Nam. Vì hoàn cảnh éo le, để cứu con trai và gia đình chồng bị địch vây hãm, người mẹ đành nuốt nước mắt đi lấy chồng làng bên. Bùi Tự Lực phải sống côi cút nhờ sự cưu mang của bà nội giữa vùng địch tạm chiếm trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Sống thiếu thốn vật chất lẫn tình cảm, Bùi Tự Lực sớm “tự lực” giúp bà nội làm lụng để có cái ăn cái mặc và đi học, dù phải đến trường rất muộn so với bạn cùng lứa. Đến năm 12 tuổi, anh thoát ly làm giao bưu, rồi rời bà nội vượt Trường Sơn ra miền Bắc...
Đất nước thống nhất, Bùi Tự Lực trở về quê hương thì bà nội không còn nữa. Bà đã mất tích vào đêm rằm tháng bảy năm 1972. 13 năm, anh và gia đình ra sức tìm kiếm nhưng vẫn không tìm được tung tích của bà. Thế rồi một ngày ngay tại quê hương làng Bình Trị bỗng nổi lên câu chuyện ma, mà hình ảnh được thuật lại giống như bà nội của anh, đó là bóng bà lão ngồi chải tóc trắng như cước ở cống Bà Xanh vào những chạng vạng tối, vào quán bên đường gõ cửa mua rượu uống, ngâm ngợi lời thơ tuồng “Thoại Khanh - Châu Tuấn”… Anh liền vội về quê cùng gia đình đi tìm hiểu. Khi trở lại cơ quan anh lại nhận được một lá thư lạ vẽ sơ đồ bằng chữ Nho về nơi bà nội được chôn cất. Địa điểm ấy chính là một doi bờ ngay cống Bà Xanh ở Bình Trị. Bà nội bị địch âm thầm thủ tiêu vào ngay buổi chiều rằm tháng bảy bà mất tích, được một người đàn ông trong làng hay tin tìm đến chôn cất tử tế. Vì ngại liên lụy nên ông giữ mãi bí mật, cho đến khi ở tuổi bát tuần sắp gần đất xa trời ông mới tiết lộ, bắn tin bằng câu chuyện ma và vẽ sơ đồ gửi cho Bùi Tự Lực.
Hài cốt bà nội được cải táng về nghĩa trang gia tộc. Nhà nước truy tặng bà là liệt sĩ và phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngay đợt I. Đó là cụ Lê Thị Đỉnh, một trong những người phụ nữ nổi tiếng của xứ Quảng thời chiến tranh chống Mỹ, như nhà văn Bùi Tự Lực tự thuật trong truyện “Nội tôi”: “Cuộc đời bà hiện hữu giữa đời thường, với những việc làm rất thực, như mơ và có những điều tưởng như huyền thoại: Chuyên cần tích góp để mà dâng hiến, hy sinh; dồn nén đau thương để bùng nổ căm giận; đa mưu kỳ xảo để giữ lòng tận tụy thành tâm… và có một điều gì đó phi thường - Già cỗi, đơn phương, trắng tay mà đầy uy lực trước kẻ thù”.
Mấy mươi năm chiến tranh trên đất nước này xuất hiện rất nhiều người phụ nữ như cụ bà anh hùng Lê Thị Đỉnh. Chính từ bi kịch mà con người lớn lên và với Bùi Tự Lực cũng chính từ bi kịch thời thơ ấu đã giúp anh viết nên câu chuyện day dứt lòng người.
PHAN HOÀNG