Chủ Nhật, 19/01/2025 01:29 SA
Nhà điêu khắc - kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn:
Thiên nhiên là người thầy muôn thuở
Thứ Ba, 07/06/2016 14:00 CH

Nhà điêu khắc - kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn - Ảnh: Y.LAN

Sôi nổi và luôn tràn đầy năng lượng, hừng hực đam mê và “cháy” hết mình, đó là đôi nét “phác thảo” chân dung nhà điêu khắc - kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn. Anh thành danh trên mảnh đất phương Nam với những công trình kiến trúc cảnh quan đồ sộ.

 

KẾT QUẢ TẠO RA “THƯƠNG HIỆU”

 

* Vì sao anh lại say mê những công trình kiến trúc cảnh quan đồ sộ và có quá nhiều thử thách?

 

- Thực ra tôi không chọn những công trình như thế mà do đời chọn, việc nó chọn. Tôi có niềm đam mê, yêu nghề vô bờ bến. Cái duyên đến từ đó, do các nhà đầu tư thấy mình đam mê, lúc nào cũng khao khát cháy bỏng và sống bằng nghề của mình. Công việc thử thách tôi và đối tác tin tưởng khi nhìn thấy hiệu quả. Và công trình tiếp nối công trình.

 

* Trong số những công trình đồ sộ mang “thương hiệu” Nguyễn Hà Sơn, công trình nào khiến anh mất ngủ nhiều nhất?

 

- Công trình nào cũng làm tôi mất ngủ, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (cười). Tiến độ luôn là áp lực, nhiều khi phải tăng ca, tôi đứng suốt đêm với công nhân. Công nhân làm ca đêm có thể thay ca, còn mình phải thức nhiều hơn công nhân. Chủ yếu là áp lực về tiến độ. Còn khi sáng tạo thì công trình nào mình cũng trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Những ý tưởng, dự định có sẵn trong đầu, như hạt giống vậy, khi gặp môi trường thuận lợi thì nảy mầm.

 

* Anh thiết kế những công trình lớn vì đam mê hay vì muốn khẳng định “thương hiệu” và đưa tên tuổi của mình vang xa?

 

- Đầu tiên chẳng ai có “thương hiệu” gì cả. Qua thời gian, công việc nối tiếp công việc, “thương hiệu” được hình thành theo thời gian. May mắn cho tôi là được tin tưởng, giao cho những công trình ở những vị trí đắc địa. Đó là những công trình lớn của các chủ đầu tư lớn. Ước mơ của tôi thành sự thật, một phần là do các chủ đầu tư. Tôi không có chủ ý tạo “thương hiệu”; việc làm của mình, kết quả của mình tạo ra “thương hiệu”. Nó đến một cách tự nhiên.

 

* Bây giờ nhìn lại, anh tâm đắc với công trình nào nhất?

 

- Việc mình đã làm rồi thì để hãy cho thiên hạ tâm đắc, chứ mình tâm đắc thì rất… nguy hiểm. Có lẽ cho đến khi già thì công trình tâm đắc của tôi vẫn còn ở phía trước.

 

* Dư luận vẫn bàn tán về những công trình kiến trúc trùng lặp ý tưởng, na ná nhau. Theo anh, làm thế nào để mỗi công trình thực sự là một tác phẩm của quá trình sáng tạo nghiêm túc?

 

- Slogan của Công ty TNHH Kiến trúc cảnh quan Kiến Sơn là “Ý tưởng không lặp lại”. Tôi không cho phép mình lặp lại ý tưởng ở công trình thứ hai. Dẫu rằng công trình thứ nhất mình rất vừa ý, nhưng khi chủ đầu tư bảo làm cái thứ hai y như vậy thì mình hết cảm xúc ngay, không muốn làm nữa, và vẫn muốn đi tìm cái mới. Lặp đi lặp lại là điều hết sức đau khổ đối với người làm nghề này. Mà, muốn không lặp lại thì phải chuẩn bị vốn sống. Lĩnh vực nghệ thuật đòi hỏi vốn sống.

 

THIÊN NHIÊN LÀ NGƯỜI THẦY MUÔN THUỞ

 

* Ai là người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với anh trên con đường sáng tạo?

 

- Đối với tôi, thiên nhiên chính là người thầy muôn thuở. Muốn tìm vốn thì lắng nghe thiên nhiên. Tạo hóa, thiên nhiên là “kiến trúc sư” ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất. Tôi không đi theo trường phái nào cả, chỉ luôn lắng nghe thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên vì con người vô cùng nhỏ bé trước vũ trụ.

 

Những người làm nghề này luôn đi tìm vẻ đẹp từ thiên nhiên rồi tính toán, thiết kế trên cơ sở chắt lọc vẻ đẹp từ thiên nhiên đưa vào công trình kiến trúc của mình. Sở thích của tôi là làm những công trình kiến trúc phỏng sinh học, tôn trọng thiên nhiên. Tôi luôn luôn quan sát, suy nghĩ tại sao cái này đẹp như thế, cái kia đẹp như thế.

 

Muốn ý tưởng không lặp lại thì phải lắng nghe thiên nhiên, từ cành cây ngọn cỏ ở trên rừng cho đến những con cá, con cua, con sò… dưới biển, đều cực kỳ đẹp! Nhiều tác phẩm, công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới cũng lấy cảm hứng từ thiên nhiên.

 

* Công việc của anh vừa mang tính sáng tạo, bay bổng song cũng sát sàn sạt chuyện cơm áo gạo tiền. Vậy anh làm thế nào để cân bằng và nuôi dưỡng cảm xúc?

 

- Từ lúc 16 tuổi, tôi đã tự hỏi “Sống để làm gì?”. Theo năm tháng, lớn lên, mình tìm câu trả lời. Đó là sự hài hòa của 5 vấn đề: vật chất, đạo đức - tình cảm, tri thức, sức khỏe và sáng tạo. Hài hòa những điều đó là hạnh phúc. Nhiều khi mình ngồi thiết kế hay uống một ly cà phê, một ly rượu và nói chuyện với bạn bè, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Nhiều khi đối mặt với những chuyện hết sức khó khăn, thì khó khăn đó cũng là hạnh phúc. Nhiều khi đối diện với những vấn đề hết sức đau khổ, cũng lấy đau khổ đó làm hạnh phúc, lâu lâu mới “được” đau khổ một lần. Hồi trước tôi hay nghĩ đến chuyện con người sinh ra chỉ một lần, và chết cũng chỉ một lần. Vậy tại sao không chết trong hoan khoái, chết trong hạnh phúc, bởi cái chết cũng chỉ đến với mình một lần…

 

* Anh đã ghi dấu ấn bằng nhiều công trình đồ sộ ở nhiều khu du lịch, trung tâm giải trí lớn trong nước, riêng với quê nhà Phú Yên thì sao, thưa anh?

 

- Phú Yên là quê hương, tôi trăn trở nhiều lắm. Ở quê nhà, tôi đã thiết kế một số công trình về tâm linh. Phú Yên có núi, có sông, đồng bằng và biển rất đẹp nhưng chưa được khai thác hết. Tôi chỉ mong sao có cơ hội để mình làm được điều gì đó cho quê hương.

 

* Xin cảm ơn anh!

Nhà điêu khắc - kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn quê ở thôn Bàn Nham Bắc (xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa), là Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc cảnh quan Kiến Sơn. Anh tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Huế năm 1985, Khoa Điêu khắc. Vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp sau khi Phú Yên tái lập tỉnh, anh dạy môn Mỹ thuật ở Trường đại học Kiến trúc và học luôn ngành này. Với lợi thế ở cả hai chuyên ngành, nhà điêu khắc - kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn đã để lại dấu ấn của mình ở nhiều công trình kiến trúc du lịch, sinh thái, các khu vui chơi giải trí, như cụm công trình núi - tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ và biển Tiên Đồng tại Khu du lịch Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh), cụm Ngũ Hành Sơn và đền thờ trung tâm ở Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), khu vui chơi ở Vinpearl (Nha Trang), các công trình kiến trúc cảnh quan ở Khu du lịch nước khoáng nóng Bình Châu (Bà Rịa -Vũng Tàu), Khu du lịch Bát Tiên (Đồng Nai), Rồng Vàng, Lan Vương (Bến Tre), núi Bà Đen (Tây Ninh)… Đặc biệt, dãy núi nhân tạo Ngũ Hành Sơn ở Khu du lịch Đại Nam gồm năm ngọn: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ nhấp nhô dài 252m, cao 65,8m, được sách Kỷ lục Việt Nam xác lập là dãy núi nhân tạo dài nhất Việt Nam (năm 2006). Trong lòng núi có những hang động tái hiện nhiều truyền thuyết, lịch sử của dân tộc. 

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek