Nghệ nhân Ưu tú Nay Y Kuân (Ma Vi) năm nay đã 84 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Hiện ông là thầy dạy tiếng Ê Đê duy nhất cho người dân trong các buôn làng ở xã Ea Bia, huyện Sông Hinh.
Nghệ nhân Ưu tú Ma Vi - Ảnh: T.DIỆU |
THẦY DẠY CHỮ CHO ĐỒNG BÀO
Ma Vi là già làng uy tín trong công tác phát triển phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Sông Hinh. Đảng ủy và UBND huyện Sông Hinh đặc biệt ghi nhận công lao của già làng Ma Vi trong công tác góp phần gìn giữ và truyền thụ chữ viết của người Ê Đê cho thế hệ trẻ.
Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh |
Nay Y Kuân mất cha từ thuở nhỏ. Nhà nghèo, mẹ Y Kuân muốn cậu cố gắng học hành để lập thân. Cậu học sinh Nay Y Kuân đi theo Việt Minh, từ năm 1947-1954, Y Kuân đã 2 lần bị thực dân Pháp bắt, đưa về Đắk Lắk và buộc theo đuổi chuyên ngành chữ viết Ê Đê tại một ngôi trường ở TX Buôn Mê Thuột (cũ).
Ma Vi nhớ lại: “Thầy dạy học của tôi cũng là người Ê Đê, ông ấy vừa nói tiếng Pháp vừa nói tiếng Ê Đê nên tôi gặp thuận lợi trong việc học và tiếp thu ngôn ngữ của dân tộc mình”.
Là một người hay chữ nên từ khi còn là thanh niên làm cán bộ xã cho tới khi cao niên, Ma Vi luôn là người có uy tín trong buôn làng. Người trong buôn học ở ông những điều hay, lẽ phải từ nếp ăn ở, lệ làng cho đến các nghi thức tín ngưỡng, luật tục, nghệ thuật diễn xướng, tiếng nói…
Nhưng hơn hết, Ma Vi đóng góp trong việc lưu giữ phần hồn của người Ê Đê trên địa bàn huyện Sông Hinh ở chữ viết. Dù ở tuổi 84, Ma Vi vẫn có thể cầm sách đọc rõ ràng từng con chữ.
Quyển sách mà Ma Vi xem như báu vật là “Hdruôm Hră Klei Ê Đê” (sách tiếng Ê Đê). Ma Vi bảo rằng, quyển sách này gần như là giáo trình đầy đủ cho việc học chữ viết của người Ê Đê.
Ma Vi nói: “Học tiếng Ê Đê không khó, chỉ cần chịu khó là học được. Tôi đã tham gia các lớp dạy tiếng Ê Đê từ năm 1990 đến nay, không nhớ là đã đứng trên bục giảng bao nhiêu lớp rồi. Các lớp học từ 4-7 tháng dành cho cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh học”.
Anh Kpắ Y Hét, cán bộ Văn hóa - Thông tin xã Ea Bia, cho biết: “Nhờ có Ma Vi mà nhiều người trong xã Ea Bia học được cái chữ của dân tộc mình. Người dân trong buôn làng ai cũng yêu mến Ma Vi”.
Năm 2015, Chủ tịch nước đã ký quyết định công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vinh danh Ma Vi là nghệ nhân loại hình tập quán, xã hội và tín ngưỡng, ngữ văn dân gian Phú Yên.
VẪN ĐAU ĐÁU VỀ CHỮ VIẾT
Để phổ biến ngôn ngữ Ê Đê, Ma Vi đã từng có một thời gian dài phụ trách biên tập cho chuyên mục phát thanh tiếng Ê Đê của Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Sông Hinh. Trong gia đình Ma Vi, K’sor Y Thái - cháu nội của ông là người “kế tục” ông làm công việc biên tập viên chuyên mục tiếng Ê Đê.
K’sor Y Thái chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã được nghe ông tôi kể nhiều về truyền thuyết, trường ca, truyện cổ tích của người Ê Đê nên văn hóa truyền thống của dân tộc mình đã thấm vào tâm thức. Ông tôi dạy cho tôi viết chữ và đọc tiếng Ê Đê. Cứ như thế, tôi lớn lên biết đọc, biết viết và yêu chữ viết của dân tộc mình”.
Nhưng hiện nay trong buôn làng rất ít người có đam mê học chữ viết của người Ê Đê như Y Thái. Ma Vi nói: “Học chữ viết của người Ê Đê bây giờ đối với bọn trẻ cũng như học ngoại ngữ vậy. Nhiều đứa học xong biết mặt chữ rồi cũng để đó vì không có điều kiện để sử dụng và trau dồi. Lớp trẻ hầu như không muốn học chữ viết của người Ê Đê nữa”.
Trong các văn bản chữ viết của người Ê Đê phản ánh sinh động không gian văn hóa cồng chiêng với bến nước, nương rẫy, khu rừng sinh thái, nhà ở, lễ hội, của đồng bào Ê Đê bao đời. Đáng tiếc, chữ viết Ê Đê ngày càng mai một làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của người Ê Đê cũng dần bị lãng quên. Kpắ Y Hét chia sẻ: “Ma Vi tuổi cao rồi, mà sức khỏe con người thì có hạn. Tôi sẽ kiến nghị cấp trên sớm mở lớp học tiếng Ê Đê cho bà con, thanh niên và những người mong muốn được tiếp cận chữ viết của dân tộc mình”.
DIỆU ANH