Thứ Hai, 14/10/2024 19:27 CH
Mùa keo chín
Chủ Nhật, 05/06/2016 13:00 CH

Ảnh: Internet

Ở quê tôi, cây keo già cao từ bảy đến mười mét mới ra trái, vì vậy trái keo thường thòng trên cao. Thân cây keo lại xù xì với những gai nhọn “bó” lại vòng tròn, cứ thế gai từ gốc “leo” tới đọt, vậy nên khó có ai trèo được lên cây keo. Muốn ăn trái keo phải dùng cây sào dài mới khèo tới.

 

Trái keo có chỗ ra chùm, có chỗ ra đơn chiếc. Một trái keo có nhiều mắt, chỗ mắt này nối với mắt kia uốn éo cứ thế cuộn lại ba bốn vòng tròn, trái nào ít cũng một vòng.

 

Trái keo lúc còn non thì dẹp, khi chín thì từng mắt keo tròn mình rồi nở ra. Chỗ giáp mối hai vỏ tách ra như hai mí mắt có màu đỏ hồng, phần cơm có màu trắng. Đến khi sắp rụng thì phần cơm “trở mình” tiếp tục nở lộ ra hạt màu đen, còn phần cơm lại chuyển sang màu hồng nhạt. Trái keo có cuốn dài thòng xuống chứ không giấu trái trong lá, vì vậy màu đỏ hồng của trái keo luôn thu hút tụi nhỏ trong xóm. Ăn quen rồi nên đến mùa keo chín, đứa nào đứng dưới gốc nhìn lên thấy sắc màu trái keo là thèm liền. Keo chín vào mùa nắng. Cái nắng nóng gay gắt của miền núi như “hấp” trái keo nở bung. Cây keo nở ba, bốn lứa trái nhưng gói gọn trong một tháng. Trái keo chín lâu thì sâu ăn, vậy nên tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm thấy keo chín là tranh thủ đi khèo.

 

Trưa, bắc nồi cơm lên bếp, tôi bỏ nồi cơm đang sôi, qua bên đám đất chú Sáu Thả khèo keo. Mãi khèo keo nên khi về nhà, cơm chín trên kiềng bếp… khê khét. Có hôm lửa tắt sớm khiến nồi cơm sình, bên chín bên nhão. Tôi bị má la rầy luôn, có lần bị rượt đánh.

 

Hôm dọn bữa cơm trưa, trong nhà hết nước mắm, má sai tôi qua nhà dì Tư mượn đỡ, dì Tư rót nửa chén tôi bưng về, trên đường đi tôi bước rúm ro vì đi nhanh sẽ tạt nước mắm trong chén ra ngoài. Qua chỗ cây keo trước nhà, bàn chân trần bất ngờ giậm “phập” gai keo (gai keo cứng, do mấy đứa nhỏ khèo trái keo rụng theo nhánh keo), tôi thả chén nước mắm rớt xuống đất hồi nào không hay. Tôi cầm chén không về nhà mà nước mắt ứa ra, má tôi biết chuyện thở dài không nói.

 

Cây keo mọc trên bờ đất gò đồi, tán vươn ra làm rập đất (che ánh nắng mặt trời). Chỗ đất dưới tán cây keo được trồng sắn mía, một thời gian sau sắn mía chết chỉ còn lõm giữa. Còn trồng ớt, rau dưới tán cây keo thì đến mùa trái chín, lũ nhỏ xúm lại khèo keo dẫm nát ớt, rau...

 

Tôi nhớ có lần chú Sáu Thả chất nọc rơm dưới gốc keo. Cây keo già cao quá, chắp hai cây sào mà khèo không tới, chúng tôi “làm thế” thay nhau cõng thượng lên trên nọc rơm, mấy đứa xúm leo lên nặng quá làm nọc rơm chùi xuống đất. Chiều ấy gặp cơn mưa to, đống rơm ướt nhẹp, mất công chú Sáu đi mót rơm phơi khô từ ngoài ruộng gánh về.

 

Cây keo lấn đất lại còn bị mấy đứa nhỏ “phá” lây đến công sức lao động nên nhiều người “ghét” cây keo, ra tay chặt hạ. Về sau, miền quê không còn bóng dáng cây keo.

 

Hôm rồi tôi dạo quanh thành phố, vô tình nhìn thấy cây keo nở trái chín, gần đó có một người trạc tuổi tôi chăm chú nhìn trái keo. Lát sau tôi hỏi người bạn ấy: “Sao anh nhìn say đắm quá vậy?”. Bạn ấy cười: “Nhìn trái keo chín nhớ lại tuổi thơ!” Tôi cười bảo: “À, tôi cũng vậy”.

 

Trong đầu tôi lại miên man nhớ kỷ niệm về mùa keo chín.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ma Vi - Nghệ nhân Ưu tú của buôn làng
Chủ Nhật, 05/06/2016 14:00 CH
Katy Perry - ngôi sao có trái tim ấm áp
Chủ Nhật, 05/06/2016 11:29 SA
Điện ảnh nhà nước kêu cứu
Chủ Nhật, 05/06/2016 11:27 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek