Thứ Hai, 14/10/2024 21:15 CH
Trại sáng tác văn học “Ký ức Vũng Rô”:
Góc nhìn từ tác phẩm
Thứ Năm, 26/05/2016 13:00 CH

Quang cảnh lễ bế mạc trại sáng tác - Ảnh: D.T.XUÂN

Đối với công việc lao động sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhiều nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam và trên thế giới đều có cùng một nhận định, một so sánh rất sâu sắc của “dân trong nghề”, đó là: Nếu như trên thửa ruộng canh tác, càng về sau, người làm ruộng càng dễ cày bừa hơn người khai khẩn thì trên thửa ruộng văn chương, người viết càng về sau càng khó nhọc hơn người trước, bởi bao nhiêu chất liệu đã được người đi trước khai thác cả rồi! Hay nói như nhà thơ Xuân Hoàng “Thơ kỵ nhất điều người đã viết”! Bởi nếu viết giống như người trước hoặc giẫm lên dấu chân người đi trước thì đó là một sự thất bại. Vậy, 32 tác giả tham gia Trại sáng tác văn học chủ đề “Ký ức Vũng Rô” (diễn ra từ ngày 22/4-11/5, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên tổ chức) có gì để viết tiếp khi mà bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật từ văn chương đến điện ảnh đều đã đề cập kỹ lưỡng cả rồi?

 

Đó là cái khó của các tác giả trại viên, cũng là nỗi lo của Ban tổ chức.

 

Rất mừng là qua 20 ngày tập trung sáng tác mới, hoặc hoàn thành những tác phẩm còn dở dang trước đó của mình, đa số trại viên đã khơi được mạch nguồn cảm hứng và nộp cho trại những tác phẩm vừa đạt yêu cầu về chủ đề vừa đạt yêu cầu về chất lượng văn chương. 14 tác phẩm văn xuôi các thể loại của các tác giả (Trần Quốc Cưỡng, Đào Tấn Trực, Nguyễn Thị Bích Nhàn, Y Nguyên, Nguyễn Lục Gia, Phi Hùng, Hoàng Ngọc Anh, Trần Lê Kha, Phan Thế Hữu Toàn, Kim Chi, Trịnh Văn Đạt, Pha Lê, Hải Sơn) là 14 lát cắt từ hiện thực cuộc sống xoay quanh đề tài Vũng Rô nói riêng và biển đảo nói chung, cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn thú vị từ quá khứ gian lao mà hào hùng đến hiện tại thanh bình nhưng nhiều vấn đề vẫn thao thức khôn nguôi.

 

Nếu như Đào Tấn Trực trong ghi chép “Một ngày trên vịnh Vũng Rô” đề cập không gian Vũng Rô - Hòn Nưa ngay trong buổi đi thực tế, mang tính thời sự nóng hổi với không khí háo hức, thì trong truyện ký “Đêm Vũng Rô”, tác giả Trịnh Văn Đạt đã khái quát đầy đủ, toàn diện về hành trình của những chuyến tàu Không số năm xưa. Anh đã tái hiện không khí thời chiến khá sống động với thủ pháp dựng truyện thông qua các chi tiết và nhân vật mang yếu tố lịch sử.

 

Nhưng, nếu chỉ mãi nói về Vũng Rô và những chuyến tàu Không số thì các tác phẩm sẽ có sự trùng lắp nhau, nên hai tác giả nữ đã rất khéo khi tìm được nét riêng cho tác phẩm của mình. Với Nguyễn Thị Bích Nhàn qua tản văn “Huyền thoại đủng đỉnh”, chỉ cần một chi tiết nhỏ là cây đủng đỉnh được dùng làm lá ngụy trang cho tàu Không số, cũng trở thành một bài viết hoàn chỉnh đượm chất văn chương, tác giả viết “Cây đủng đỉnh đã góp công vào chiến thắng Vũng Rô. Những con tàu Không số đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Và với tôi, cây đủng đỉnh cũng là một huyền thoại vậy”. Với Pha Lê qua truyện ngắn “Không cưới vợ”, bạn đọc sẽ dễ nhầm tưởng “không” là động từ, nhưng hóa ra là danh từ, là tên nhân vật. Tác giả không khai thác những khía cạnh bi hùng của thời chiến, mà tập trung tạo dựng không khí và tính cách chân phác của người dân vùng biển trong thời bình. Cách viết của tác giả thật độc đáo, pha chút tinh nghịch, đem lại sự bất ngờ từ tên nhân vật đến ngôn ngữ thể hiện, vừa tếu táo lại vừa đậm chất nhân văn.

 

So với văn xuôi, các tác phẩm thơ ở trại sáng tác có phần “rôm rả” hơn về số lượng. Có thể nói, 67 bài thơ là 67 cảm xúc khác nhau của các tác giả, trong đó có những tác giả hoàn thành cả chùm thơ từ 3, 5, 7, hoặc 9 bài, và bài nào cũng đều tay, như Nguyễn Duy Tẩm, Nguyễn Tường Văn, Triệu Lam Châu, Lê Hào. Có nhiều tác giả chỉ gửi 1 hoặc 2 bài, nhưng lại là bài “gan ruột”, như Trần Văn Lan, Huỳnh Duy Hiếu, Lưu Phúc, Đặng Văn Thơm, Phan Thế Hữu Toàn, Đặng Thị Phương Loan...

 

Với bài “Cánh hoa hình con thuyền”, tác giả Trần Văn Lan có những câu thơ chắt lọc:

 

Ở Bãi Môn con suối ngọt mưa

Từ lòng đất giọt mồ hôi trầm lắng

Những tảng đá sinh ra từ biển mặn

Tự rắn mình để vun đắp đảo khơi”

 

Qua hình ảnh “tự rắn mình” có thể thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên biển cả và sự trui rèn của con người để thích ứng với hoàn cảnh.

 

Với bài “Mai vàng trên đỉnh núi Đá Bia”, tác giả Lê Hào như người nghệ sĩ chạm trổ những nét rạng ngời của quá khứ bằng hình tượng văn chương:

 

Cành mai thắp lên niềm tin trên đỉnh núi

nở ra từ ước vọng quê nghèo...

hoa vẫn xinh dù nhọc nhằn gian khổ

trăng mọc lên từ mất mát đau thương

Ngày ấy...

người đi, thành sóng biếc...

mai vàng còn nở trong tim

 

Và, nguồn cảm hứng ấy đã truyền đến hôm nay, khi mà tác giả Nguyễn Duy Tẩm có những dòng tiếp nối:

 

Xe bon bon trên đại lộ Hùng Vương

Chúng tôi cứ ngỡ mình

theo bước chân người xưa đi dựng nước

Biển biếc xanh luôn nặng tình phía trước

Thanh thản mây trời

Cơn gió thoảng ngàn sau”

 

Có thể nói, tác giả Nguyễn Duy Tẩm đã nói thay nỗi lòng của các trại viên trong chuyến đi thực tế sáng tác tại Vũng Rô vừa rồi, với niềm hào hứng và ý thức công dân luôn dâng trào trong mỗi văn nghệ sĩ.

 

Bên cạnh thành công như đã nói, cũng cần nhìn lại một số mặt chưa thỏa mãn trong các tác phẩm từ trại viết Vũng Rô, như một số truyện ngắn còn lủng củng hoặc sơ lược, chưa thành truyện; một số bút ký vẫn còn “giẫm chân” vào những con số, sự kiện mà ai cũng đã nghe đã đọc từ các nguồn tư liệu khác, hoặc từ các bút ký của người viết trước; nhiều bài thơ còn dễ dãi, không có sự tìm tòi sáng tạo ở khía cạnh khai thác, đầu tư nghệ thuật, na ná nhau một kiểu, gây nhàm chán cho bạn đọc.

 

Nhìn chung, Trại sáng tác văn học chủ đề “Ký ức Vũng Rô” đã thành công có thể nói là “vượt chỉ tiêu kế hoạch” đặt ra. Trại viết đã khép lại, nhưng hy vọng nguồn cảm hứng sáng tạo sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc của các tác giả để những tác phẩm có chất lượng sẽ được ra đời trong thời gian tiếp theo...

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek