Chủ Nhật, 19/01/2025 15:21 CH
 “Nơi phòng đợi” - sự cô đọng trong thơ Thanh Quế
Thứ Năm, 26/05/2016 08:44 SA

Trong văn hóa phương Đông, các nhà thơ chân chính bước qua tuổi thất thập hay chuẩn bị cho mình một tâm thế an nhiên tự tại về lẽ vô thường trong cuộc nhân sinh sau khi đã kinh qua những sấp ngửa, được thua, mất còn, khổ đau và hạnh phúc. Nhà thơ Thanh Quế, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tập thơ “Nơi phòng đợi” của ông do NXB Quân đội Nhân dân vừa cho ra mắt công chúng như sự đúc kết kinh nghiệm cuộc sống của thi sĩ sau nhiều nếm trải.

 

Bạn thời kháng chiến tặng hoa cho nhà thơ Thanh Quế (bên trái) - Ảnh: T.VĂN

 

45 bài thơ trong tập “Nơi phòng đợi” như 45 lát cắt của đời người từ khi sinh ra (bài “Bé Cỏ lật”) đến lúc về cõi vĩnh hằng (bài “Nơi phòng đợi”). Tập thơ ngỡ như một tuyển “danh ngôn con người đương đại”, lĩnh vực nào ta cũng bắt gặp bài học giá trị soi rọi từ cuộc sống. Về thế thái nhân tình, nhà thơ quê Phú Yên có những bài: “Kẻ sống nhờ”, “Người câm”, “Cuộc đua” hoặc như ngay trong bài “Cuộc đời”, đầu tập thơ, thi sĩ viết: “Cuộc đời/ Ôm hôn đứa con béo phì/ Hắt hủi/ Bầy con gầy trơ xương”.

 

Mặc dù đã xuất bản 15 tập thơ và trường ca, song Thanh Quế không ầm ĩ mà thường lặng lẽ hướng vào nội tâm, tự vấn chính mình đến tận cùng, như trong các bài: “Tôi với tôi xung khắc”, “Nếu mà”. Thơ ông còn là tiếng nói của lương tri đầy tính nhân văn: “Kẻ thấp bé”, “Ông già”, “Không đề” hoặc bài “Phẩm chất của nhà thơ” chỉ mấy câu nhưng ý rất sắc: “Phẩm chất của nhà thơ/ Được định giá/ Bởi việc dám lao hay không dám lao/ Vào lưỡi kiếm của ngôn từ”. Thậm chí có bài thơ còn ngắn hơn cả đầu đề của nó, như bài “Bản tính của nhà thơ”, ông gói gọn 4 từ: “Là/ Hay lo lắng”. Nói như nhà thơ Trúc Thông, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bạn cùng thời với ông: Càng ngày Thanh Quế càng cô chắt, sự kìm nén càng bình tĩnh, tự nhiên… Thanh Quế chiến đấu cho thơ mình bằng thứ ngôn ngữ ít cách điệu hay nói thật chính xác là anh đã cách điệu bằng thứ ngôn ngữ sát sạt đời sống, sâu xa ẩn kín trong vỏ thô tháp… Ngay cả những bài viết về quê hương đất nước trong tập, dẫu cảm xúc có tràn ngập nhưng ngôn từ vẫn được chắt lọc, ta thấy qua các bài: “Đêm Đà Nẵng nhìn chớp giật biển xa”, “Gặp lại Hải Phòng”, “Tuy An”…

 

Qua tập thơ “Nơi phòng đợi”, người đọc còn ngộ ra về số phận của thơ ca và hành trình của thi sĩ ở các bài: “Con đường văn học”, “Bản tính của nhà thơ”, “Phẩm chất của nhà thơ”, “Nhà thơ già”… Trong bài đầy chất “tục ngữ châm ngôn đương đại”, thi sĩ Thanh Quế đã viết: “Đau/ Thật đau/ Khi anh không viết được thơ/ Hiện đại hay hậu hiện đại./ Đau/ Thật đau khi bị chê thơ/ Rất cũ./ Đau/ Thật đau/ Đau thắt trong lòng/ Đau đến tận cùng/ Khi bài thơ chỉ là một mớ xác chữ”.

 

Tuổi càng cao, người ta thường sống với kỷ niệm, quá khứ, hay nghĩ về gia đình, người thân. Đây là mảng đề tài mà nhà thơ Thanh Quế có những cảm xúc thắt lòng. Đối với cha mẹ, ông có: “Về làng xưa nhớ ba”, “Bên bậu cửa”; về tình vợ chồng, ông có “Anh và em cùng già”. Nhà thơ tìm thấy năng lượng cuộc sống khi nghĩ về cháu con: “Bé Cỏ lật”, “Gọi ông qua điện thoại”, “Nói với con trai đang học xa”… Trong bài “Gởi con gái”, nhà thơ như có chút ăn năn: “…Nhiều lần ba mắng con/ Có lúc giận đánh con/ Nhưng con là đứa con gái ba yêu quý nhất./ Ba mẹ tính nết khác nhau/ Ý thích khác nhau/ Nên hay xảy ra cãi vã/ Nếu có con sẽ dàn hòa rất dễ/ Nhưng con lại ở xa…”. Nhà thơ Ngô Thế Oanh, Tổng Biên tập tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, từng nhận xét: “Cùng với thời gian, thơ Thanh Quế càng về sau càng đạt đến sự cô đọng thấm lòng của một sự chiêm nghiệm sâu sắc. Những bài thơ anh viết về những đời thường quanh anh, về gia đình anh, về tuổi thơ anh… tất cả mang cái đẹp của sự lắng lại và chiều rộng không chỉ giới hạn trong câu chữ”.

 

Trong tập thơ này, Thanh Quế có hàng loạt thơ sáng tác về tuổi xế chiều bằng những cảm xúc tích cực của người cao tuổi. Đây có lẽ là chủ đề chính ở “Nơi phòng đợi”, trong đó có các bài rất ấn tượng, như: “Tập làm quen”, “Người về hưu”, “Đêm”, “Những người đang sống”, “May mắn”, “Xuống tàu”, “Cuộc đua”… Bài “Gửi bạn văn” như một thông điệp của văn nghệ sĩ chân chính để lại cho mai sau, có đoạn: “…Mất đi một thằng bạn tử tế/ Bạn không cần đến viếng tôi/ Với hoa với hương phong bì phúng điếu/ Bạn chỉ cần nói: Quế ơi/ Mày đi/ Ở lại chúng tao cố gắng/ Viết thật tốt…”, thể hiện triết lý sống của người cầm bút như vần thơ cuối đời của nhà thơ lớn Tố Hữu đã viết: “Sống là cho mà chết cũng là cho!”.

 

NGUYỄN TƯƠNG VĂN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek