Pha Lê là tác giả quen thuộc với thiếu nhi.Đầu tháng 5 này, chị ra đầu sách thứ hai gồm các truyện ngắn viết cho thiếu nhi có cái tên rất thu hút sự chú ý của các bạn nhỏ: “Biệt thự tường bể”, do NXB Kim Đồng ấn hành.
Bìa tập truyện “Biệt thự tường bể” - Ảnh: L.K.TÁM |
Tập truyện gồm 11 câu chuyện thú vị dành cho các bạn nhỏ ở độ tuổi tiểu học. Mỗi câu chuyện là một cuộc phiêu lưu, một “kỳ án”, một hoàn cảnh đáng thương của tuổi học tuổi chơi. Bạn đọc nhỏ tuổi khó lòng gấp trang sách lại khi mỗi câu chuyện trong “Biệt thự tường bể” liên tục cuốn hút người đọc lần theo từng tình tiết được Pha Lê “mã hóa” rất kỹ trong truyện.
Nếu nói rằng một trong những chức năng của văn học viết cho thiếu nhi là tính giáo dục thì “Biệt thự tường bể” của Pha Lê đã làm tròn chức năng ấy. Mỗi câu chuyện trong tập truyện mang đến cho các bạn nhỏ những bài học bổ ích. Có lẽ, bạn đọc sẽ phải xốn xang trái tim trước những hoàn cảnh khó khăn nhưng đầy nghị lực sống của các bạn nhỏ, trước ước mơ được một lần đi siêu thị của bé Cầm Ca trong “Phi vụ Tết Tây”, được đón Giáng sinh cùng ông già Noel với bao điều ao ước nhỏ bé giữa cuộc đời của bé Mai Vàng đang bị bệnh hiểm nghèo trong “Lời nguyện cầu”… Ước mơ có vẻ ngược đời nhưng vô cùng tội nghiệp là của cô bé Bảo Thanh trong “Trăng của má”. Em ước “không có mưa, có trăng để cầu nguyện trời hãy mưa nhiều để ba có việc làm”, có nhiều xe máy bị hỏng để ba sửa kiếm tiền nuôi cả gia đình. Câu chuyện “Cuộc nổi loạn của điện thoại di động” mang đến một thông điệp giáo dục khác. Vì trẻ em chơi game trên điện thoại, vì “loài người sản xuất chúng và bóc lột chúng” nên những chiếc điện thoại di động tìm cách “trả đũa” loài người. Nguyễn Duy Phước, học sinh lớp 5, sau khi trải qua cơn ác mộng bị những chiếc điện thoại di động dồn đuổi, đã tự hứa với mẹ “sẽ không chơi game thường xuyên nữa”.
Một số truyện trong “Biệt thự tường bể” có thể nói đã “đánh trúng” tâm lý thích khám phá, thích hành động như người lớn của trẻ em. Trong “Ngôi nhà hoang”, nhóm bạn của Bảo phát hiện ra âm mưu của bọn tội phạm lợi dụng căn nhà hoang, bày trò dọa ma để buôn bán hàng cấm. Từ những vết bẩn trên tường, vết máu và một số dấu vết khác, các bạn nhỏ trong “Đội thám tử S5” cho rằng đó là “dấu vết người ngoài hành tinh”, có thể “là âm mưu của một thế lực ngầm”, cả đội lên kế hoạch phá án. Hay như trong “Phi vụ Tết Tây”, các bạn nhỏ họp bàn kế hoạch, đưa ra nhiều ý kiến, và cuối cùng đã đồng ý với phương án góp mỗi bạn 10.000 đồng để giúp bạn Cầm Ca được một lần đi siêu thị.
Bên cạnh những câu chuyện cổ tích giữa đời thường mà Pha Lê muốn gửi đến các độc giả, chị cũng chiều lòng các bạn nhỏ bằng những câu chuyện đồng thoại. “Biệt thự tường bể” và “Khu rừng Lôm Côm” với các con thú cưng tham gia vào trận chiến không phân thắng bại giữa những con chuột cống “bụi đời” với các chú chó, mèo “nhà giàu” trong biệt thự…
Với phong cách hiện đại, gần gũi, thân thiết với các bạn nhỏ, Pha Lê chọn cho mình cách tiếp cận với các bạn nhỏ bằng những tình huống hài hước, nhẹ nhàng, trìu mến nhưng không thiếu sự gây cấn, kịch tính. Bạn đọc lớn tuổi sẽ hiểu thêm con mình và trân trọng những suy nghĩ, ước mơ của các em; các bạn nhỏ cũng sẽ tìm thấy thế giới tuổi thơ của mình không chỉ có cổ tích mà còn là cuộc sống hiện tại và mơ ước bay bổng cho tương lai. Hy vọng, mùa hè này, nhiều bạn nhỏ sẽ cảm nhận nhiều điều thú vị từ tập truyện “Biệt thự tường bể” của Pha Lê.
LÊ KIM TÁM