Thật khó hình dung một con người năng động, chừng như sống vội sống vàng, xuất hiện thường xuyên trong mọi sinh hoạt báo chí và văn học của TP Hồ Chí Minh như Lê Minh Quốc lại là một tâm hồn luôn mê đắm tâm thức văn hóa dân tộc qua những trang sách và di sản khác của người xưa, để từ đó anh suy nghiệm, tái hiện, chia sẻ cảm hứng trên trang viết của mình.
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc ký tặng sách - Ảnh: H.THỦY |
“TỰ NGUYỆN LÀM TÙ KHỔ SAI” CHO CON CHỮ
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc có bút lực rất sung mãn. Nếu liên tưởng với nông dân, anh là gã lực điền trên cánh đồng chữ, còn với ngư dân thì anh là người đánh bắt gần lẫn xa bờ không một ngày rời xa biển cả văn chương, báo chí. Hơn 25 năm qua, cây bút gốc Đà Nẵng này đã xuất bản 10 tập thơ, 7 tiểu thuyết, 10 tập tùy bút và nhiều sách thể loại khác, đủ minh chứng cho sức làm việc như người chạy “không phổi” của anh.
Đối với Lê Minh Quốc, mỗi lần ngồi trước trang viết là “lần đầu tiên những con chữ dàn binh bố trận” nhưng đó cũng là “trận cuối cùng trên đôi bờ sinh tử” quyết liệt và tâm huyết như thơ anh viết: “tôi vội múa đao/ rồi lộn nhào/ từng con chữ knock-out trên trang giấy/ tôi chiến thắng cũng chính tôi chiến bại/ dù khôn ngoan vẫn là khờ dại/ trơ trọi một mình gặm nhấm buồn vui” (Nghề văn).
Quan niệm của Lê Minh Quốc thoạt nghe có vẻ lạ tai và hơi “cực đoan” nhưng cho thấy sự say mê hết mình và nghiêm cẩn một cách có ý thức về nghề nghiệp:
“Tay lóc ngóc gõ lọc xọc
Một tảng đá ngồi trước bàn
Vận dụng nội lực lên dốc
Chẳng bao giờ chịu đầu hàng
Nhoay nhoáy đêm ngày
xoèn xoẹt
Chữ ơi ốm béo ngắn dài
Văn chương cái nghề cực nhọc
Tự nguyện làm tù khổ sai”
(Chuyện nghề)
Vì sự “Tự nguyện làm tù khổ sai” đó mà trong 9 lần diễn ra Hội Sách TP Hồ Chí Minh, hầu như lần nào Lê Minh Quốc cũng có tác phẩm mới tham gia. Trong hội sách vừa qua, cùng lúc anh ra mắt và giao lưu với bạn đọc 2 tập tùy bút khá đồ sộ: “Ngày viết mỗi ngày” (dày gần 500 trang) và “Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn” (dày hơn 320 trang ), đều do Công ty Văn hóa Phương Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn ấn hành. Anh đã trực tiếp trả lời từng câu hỏi bằng giọng Quảng đặc sệt và túa mồ hôi không ngừng ký tặng sách cho những bạn đọc đặt câu hỏi hay.
Ở đâu có Lê Minh Quốc là ở đó náo nhiệt, mà sôi động nhất, hứng khởi nhất là tại những buổi giới thiệu sách của chính anh. Trước mọi câu hỏi bạn đọc quan tâm, từ cảm hứng sáng tác, nghệ thuật viết văn, phong cách tác giả đến chuyện tình yêu lứa đôi, hôn nhân gia đình, cách nhìn về phụ nữ… anh đều nhiệt tình trả lời theo hiểu biết của mình. Anh còn ký tặng sách cho những bạn đọc có câu hỏi hay mà anh trả lời cũng… hay!
Nhờ sự sốt sắng và dẫn chuyện tùy hứng vui nhộn mà Lê Minh Quốc còn được mời làm MC cho những chương trình ra mắt sách, bán đấu giá sách. Ngoài hội sách thì anh là gương mặt quen thuộc tại Đường Sách TP Hồ Chí Minh. Anh tâm sự rằng, xuất hiện nhiều, được nổi tiếng, cũng khổ, vì nhất định sẽ có những người không thích sự “chai mặt” của mình. Nhưng biết làm sao được, ngoài sự “khổ sai” trên trang viết thì những hoạt động khác của đời sống văn học nghệ thuật cũng mang lại niềm vui và cảm hứng sáng tạo trên con đường chữ nghĩa chông gai.
CHẮT LỌC CÁI HAY CỦA NGƯỜI XƯA ĐỂ “ĐỐI NHÂN XỬ THẾ”
Bên cạnh việc thường xuyên xê dịch, Lê Minh Quốc xem đọc sách như cái thú “du lịch tại gia”. Không chỉ đọc để giải trí mà anh còn chắt lọc, ghi chép “cảo thơm” của người xưa, đặc biệt là lịch sử và văn hóa của dân tộc, rồi trình bày lại một cách ngẫu hứng nhưng khúc chiết những vấn đề rất thú vị, rút ra những bài học “đối nhân xử thế”. Chẳng hạn về sự thể hiện lòng yêu nước khác nhau của người Việt, Lê Minh Quốc đã nhớ đến nhân vật lịch sử Trần Quốc Khang có số phận đặc biệt vào thời nhà Trần. Lúc vợ của An Sinh vương Trần Liễu là công chúa Thuận Thiên mang thai được 3 tháng thì bị Thái sư Trần Thủ Độ ép gả cho Trần Cảnh, tức về sau là vua Trần Thái Tông, lúc đó chưa có con với công chúa Chiêu Hoàng. Cuộc hôn nhân chính trị trái khoáy ấy đã sinh ra Trần Quốc Khang. Về danh nghĩa ông là con Trần Cảnh, nhưng thực chất là giọt máu của người anh ruột Trần Liễu.
Do hoàn cảnh trớ trêu ấy, khi đất nước bị quân Nguyên Mông xâm lược, Trần Quốc Khang đã có sự lựa chọn khác chứ không xông pha trận mạc như người em Trần Quốc Tuấn. Trong một buổi thiết triều, Quốc Khang đã dâng lên thượng hoàng và nhà vua một con rùa và tâu rằng triều đình hãy xem ở ngực và bụng rùa có chữ gì, vì đây là Kim Quy hiển linh sứ giả của thần linh như thời An Dương Vương. Sử thần Lê Văn Hưu được lệnh xem và đọc được chữ “vương” ở ngực và chữ “nhũng” ở bụng rùa, nghĩa là chuyến xuất quân này của triều đình được thần linh tiên lượng là “vô sự”. Hành động “văn hóa quân sự” (chữ của nhà sử học Lê Văn Lan) ấy của Trần Quốc Khang đã giúp tăng thêm niềm tin và sức mạnh cho quân dân Đại Việt chống xâm lăng. Lê Minh Quốc viết lại câu chuyện Trần Quốc Khang trong tạp văn “Mỗi con sóng đều hóa Bạch Đằng Giang” lúc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền của Việt Nam vào tháng 5/2014.
Nghiền ngẫm những sự kiện lịch sử, nhất là dã tâm của Minh Thành Tổ trong việc xua quân hủy diệt văn tự, văn hóa Đại Việt, Lê Minh Quốc khẳng định: “Âm mưu đồng hóa về văn hóa của Trung Quốc đã thất bại. Chắc chắn còn thất bại”. Và cũng từ lịch sử, qua những câu chuyện về Lê Văn Thịnh, Trần Quang Khải, Hồ Quý Ly, Trần Khát Chân, Nguyễn Trãi…, anh nhận thấy: “Ngàn đời nay, tính cách của dân tộc Việt cũng kỳ lạ: Khi đứng trước nguy cơ ngoại xâm, mỗi một người lại tự giác tạm gác mọi tị hiềm, bè phái để tập trung sức mạnh chống kẻ thù chung” (“Lòng nhân của người Việt lớn lắm”).
Lê Minh Quốc cũng từng thốt lên: “Lòng nhân của người Việt lớn lắm!”. Và anh liên hệ câu chuyện Lê Lợi sau 10 năm nằm gai nếm mật chống quân xâm lược nhà Minh, khi chiến thắng đã cung cấp phương tiện và lương thực cho bọn hàng binh về phương Bắc. Đó là lòng nhân mà cũng là thượng sách của tổ tiên!
Bao dung đối với kẻ thù, dĩ nhiên người Việt cũng đầy lòng nhân ái đối với chính đồng bào mình. Lê Minh Quốc đã minh chứng điều ấy bằng câu chuyện vua Lý Thánh Tôn ra lệnh cung cấp chăn chiếu và thực phẩm đầy đủ cho tù nhân trong ngục thất để tránh cái rét lớn năm 1056. Lòng nhân và sự khoan dung còn thể hiện ở cách hành xử của Thượng hoàng Trần Thái Tông mà anh thuật lại từ “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng, thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”. Tinh thần cao thượng và tầm nhìn chiến lược của tổ tiên ta thật đáng khâm phục!
Không chỉ trong lịch sử đánh giặc giữ nước mà Lê Minh Quốc còn đắm mình, rút tỉa nhiều bài học quý báu của người xưa qua quan niệm sống, nghệ thuật ứng xử, phong tục tập quán, tinh thần sáng tạo, tình yêu con người và thiên nhiên… từ nền văn hóa vật thể và phi vật thể giàu truyền thống của dân tộc. Những bài học “đối nhân xử thế” trước hết anh chiêm nghiệm để tự “sửa mình” và sau đó là chia sẻ với bạn đọc tri âm. Điều ấy phần nào cũng đã thể hiện ý thức trách nhiệm của một người cầm bút có nghề có tâm và bền bỉ như Lê Minh Quốc.
HOÀNG THỦY