Thứ Tư, 09/10/2024 01:25 SA
Những tiếng nói tâm huyết
Thứ Năm, 28/04/2016 08:16 SA

Nhân dịp Hội Nhà báo Phú Yên tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2016-2020, các nhà báo đã trải lòng về chuyện nghề, mong muốn việc làm nghề thuận lợi hơn, có ý nghĩa hơn.

 

NHÀ BÁO PHAN XUÂN LUẬT, PHÓ GIÁM ĐỐC ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH PHÚ YÊN: Đài luôn coi trọng chức năng phản biện, giám sát xã hội

 

Báo chí và truyền thông có chức năng phản biện xã hội và là một trong bốn hệ thống giám sát xã hội. Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng giới thiệu các nhân tố, điển hình tiên tiến thì Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên (PTP) còn rất quan tâm đến vai trò phản biện, giám sát xã hội. Đặc biệt trong thời gian gần đây, đài có bước đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong việc thực hiện chức năng phản biện và giám sát của báo chí. Nhiều tác phẩm đãđược phát sóng như: Phóng sự truyền hình Đâu phải bởi thiên tai phản ánh việc hút cát tại khu vực cửa biển phường 6, TP Tuy Hòa, tình trạng sạt lở bờ biển khu vực này và ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý xung quanh việc thực hiện dự án hút cát ở đây. Phóng sự này đã đạt giải tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 năm 2015. Đầu năm nay, PTP lại tiếp tục đề cập sâu hơn vấn đề này với phóng sự 3 kỳ Chuyện ở nơi cửa biển. Phóng sự này đã đoạt giải Bạc tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XII năm 2016. Gần đây, PTP thực hiện một loạt phóng sự “nóng” về tình trạng nứt nhà dân do dự án Mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1, tình trạng nứt nhà dân nghi do dự án Nạo vét đất, cát bồi lấp thông luồng cảng cá Tiên Châu và lạch Vạn Củi (xã An Ninh Tây, An Ninh Đông). Hiệu ứng của phóng sự là mới đây, Ban Quản lý dự án đã có thông báo yêu cầu nhà thầu tạm dừng triển khai dự án. Cũng gần đây, đài thực hiện phóng sự Cần làm rõ ngư dân lợi dụng Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Từ phóng sự này, các cơ quan chức năng đang vào cuộc để điều tra làm rõ.

 

Chương trình Thời sự của đài đang được làm nóng lên theo hướng cập nhật tin tức, đề cập những vấn đề xã hội quan tâm và đặt khán, thính giả ở vị trí trung tâm để đáp ứng được yêu cầu chính đáng của người dân. Chúng tôi quan niệm rằng, phản biện và giám sát xã hội là chức năng rất quan trọng của báo chí, báo chí có trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề xã hội theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định. Để làm được điều này, có mấy vấn đề đặt ra: Thứ nhất, phải đào tạo đội ngũ làm báo có tâm huyết, dũng cảm. Bởi muốn làm việc này đòi hỏi ngoài công sức, thời gian, nhàbáo phải có sự dũng cảm, tâm huyết để dấn thân vào. Thứ hai là nhà báo cần có kiến thức và giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Điều này mới giúp nhà báo thực hiện được vai trò phản biện, giám sát. Yếu tố rất quan trọng khác là nhà báo phải có bản lĩnh nghề nghiệp, cái tâm trong sáng mà chúng ta hay nói là lòng trong, bút sắc. Với nhiệm vụ như vậy, đội ngũ làm báo cần được đào tạo, rèn luyện tinh thông về nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tâm trong sáng.

 

NHÀ BÁO DƯƠNG THANH XUÂN (BÁO PHÚ YÊN): Nhà báo cần được bảo vệ khi tác nghiệp

 

Là phóng viên ảnh, phải có mặt ở hiện trường để làm việc chứ không chỉ là nghe ngóng, hỏi han rồi viết tin, bài, hơn ai hết tôi đã chứng kiến nhiều kiểu cản trở phóng viên tác nghiệp. Có thể kể, nhẹ nhất là sai bảo vệ từ chối không cho vào gặp lãnh đạo với lý do lịch sự là: bận họp; có thể là: xin ghi nhận rồi sẽ thông tin sau nhưng chờ mãi vẫn không thấy trả lời; phổ biến hơn là lấy lý do “bảo vệ hiện trường”, không cho nhà báo vào chụp ảnh, quay phim. Cao hơn một chút là gọi điện thoại hoặc nhờ người có chức, có quyền can thiệp để nhà báo không thể công bố thông tin, hình ảnh sai phạm; gọi đến lãnh đạo báo, đài để “gác” thông tin ấy lại hoặc nhắn gửi tin nội dung đe dọa nhà báo… Vụ việc người được cho là say rượu tấn công tôi, đập máy ảnh và xe máy của tôi hồi giữa năm 2015 ở đỉnh đèo Cù Mông (xã Xuân Lộc, TX Sông cầu) đã được giải quyết êm thấm do thiệt hại không lớn và ông ấy đã khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn chưa được trả lời xác đáng là: Vì sao người say rượu ấy lại tấn công tôi một cách quyết liệt như vậy, nếu không phải là vì quen thói côn đồ, coi thường pháp luật, hoặc sợ tôi chụp và công bố những hình ảnh “nhạy cảm” ở địa bàn này?

 

Thực tế cho thấy rằng, tổ chức hay cá nhân cản trở phóng viên tác nghiệp là do họ muốn “bưng bít” hoặc không muốn thông tin ấy được công khai. Chỉ những người có hành vi tiêu cực hoặc phải chịu trách nhiệm về hậu quả vấn đề thuộc phạm vi chức trách mới có hành vi coi thường tính mạng, tài sản của nhà báo cũng như bất chấp quy định pháp luật nhằm che đậy thông tin, cản trở phóng viên.

 

Những cán bộ công chức, hoặc một số lực lượng chức năng được trang bị công cụ hỗ trợ, khi làm nhiệm vụ mà bị chống đối thì đối tượng có thể bị xử lý về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 Bộ luật Hình sự. Trong khi đó, nhà báo làm việc ở những lĩnh vực nguy hiểm lại không hề có công cụ hỗ trợ, khi bị hành hung hoặc bị đập phá thiết bị tác nghiệp, chỉ được xử lý vụ việc như một công dân bình thường vì chưa có chế tài quy định hoạt động công vụ của nhà báo. Việc đập phá thiết bị của nhà báo không phải là hành động phá hoại tài sản thông thường, mà là hành vi tiêu hủy chứng cứ để che giấu tiêu cực.

 

Do đó, các cơ quan báo chí và các nhà báo tiên phong, dấn thân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực rất cần được bảo vệ. Cần đưa tội danh “Cản trở tác nghiệp của phóng viên báo chí” vào Luật Báo chí sửa đổi và bổ sung tội danh “Cản trở quyền tự do ngôn luận” vào Luật Hình sự. Hội Nhà báo cần kịp thời lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đe dọa, cản trở, tấn công nhà báo. Bên cạnh đó cần yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, địa phương thực hiện tốt quy chế phát ngôn và người phát ngôn đã được Nhà nước ban hành.

 

 

 

NHÀ BÁO LÊ BIẾT, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG THỜI SỰ (ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH PHÚ YÊN): Trách nhiệm của nhà báo không chỉ ở tác phẩm

 

So với một số lĩnh vực ngành nghề khác, báo chí có vai trò đặc biệt hơn và vì vậy đòi hỏi trách nhiệm của nhà báo đối với xã hội cũng lớn hơn. Theo tôi, trách nhiệm của nhà báo không chỉ dừng lại ở những tác phẩm báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình hay một chuyên trang, chuyên mục trên mặt báo mà nó còn phải được hiểu rộng hơn. Người nông dân cày cuốc trên mảnh ruộng của mình, thành quả mà họ có được đó là hạt lúa, củ khoai, là phấn đấu sao cho năng suất cao, lợi nhuận đem lại lớn nhất có thể để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng với một nhà báo, nếu chỉ biết “cày cuốc” trên trang báo của mình, chăm chăm làm sao để có nhiều tin, nhiều bài viết, có càng nhiều like càng tốt thì chưa đủ, nếu không muốn nói là phiến diện.

 

Trách nhiệm xã hội nhà báo còn phải thể hiện ở chỗ, anh góp phần giải quyết những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội đến đâu và như thế nào. Đằng sau câu chuyện nhuận bút để nuôi sống thì phải nghĩ đến tác phẩm báo chí của mình sau khi được đăng tải có tác động như thế nào trong việc làm thay đổi tình hình theo hướng tích cực nhất chứ không phải làm cho sự việc xấu thêm. Không dừng lại ở đó, nhà báo với vai trò đặc biệt, có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn tin, đi đến cơ sở tiếp cận nhiều đối tượng chính là tuyên truyền viên tích cực nhất, là cầu nối tốt nhất giữa nhân dân và các cơ quan công quyền trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh từ cuộc sống xã hội. Có thể thông qua tác phẩm báo chí nhưng trong nhiều trường hợp cũng phải qua tiếp xúc trực tiếp, đầy trách nhiệm những vấn đề mà người dân cần ở mình.

 

Có thể nêu ra một ví dụ. Khi chúng tôi đến một làng biển đang đứng trước nguy cơ bị triều cường uy hiếp tính mạng tài sản nhân nhân, nhưng chính quyền địa phương không kịp thời có mặt. Thay vì đăng tải trên mặt báo về sự thiếu trách nhiệm của cán bộ địa phương, với vai trò và mối quan hệ của mình, chúng tôi đã thông tin ngay với lực lượng chức năng, thường trực ứng cứu để triển khai các phương án ứng cứu nhanh nhất có thể, giúp người dân bảo vệ tính mạng và tài sản. Giá trị của việc làm này mang lại lớn hơn rất nhiều một bài báo phản ánh sự thiếu trách nhiệm của cán bộ địa phương.

 

Khi chứng kiến những cảnh đời đang gặp bế tắc trong cuộc sống, cùng với thông tin trên mặt báo, trên đài, nhà báo còn có thể kêu gọi sự vận động của các tổ chức, cá nhân giúp đỡ và đề xuất những giải pháp với chính quyền địa phương, ngành chức năng giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Một cảnh đời vượt qua khó khăn bằng sự nỗ lực của nhà báo thì niềm tin trong họ sẽ được nhân lên và lan tỏa trong cộng đồng. Và không ai khác, chính người dân, những người tin tưởng vào nhà báo sẽ là thông tín viên tích cực nhất, nhanh nhất cho nhà báo về những vấn đề phát sinh từ cuộc sống...

 

MINH NGUYỆT (thực hiện) 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek