Những giai điệu đầy tự hào vang lên bên biển Tuy Hòa dạt dào sóng vỗ. Từ cuộc hành phương Nam mở mang bờ cõi đến những năm tháng trường kỳ kháng chiến rồi chung tay xây dựng khi quê hương đất nước thanh bình, chương trình nghệ thuật Bài ca Phú Yên như một bản anh hùng ca.
Tối 1/4, đông đảo người dân tập trung về Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa), đón xem chương trình nghệ thuật Bài ca Phú Yên kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975-1/4/2016), 405 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2016). Chương trình nghệ thuật tái hiện những chặng đường lịch sử thấm đẫm mồ hôi và máu của bao thế hệ người dân, để có một vùng đất Phú trời Yên tươi đẹp như ngày hôm nay.
Mở đầu Bài ca Phú Yên là phần I Mở cõi, tái hiện hình ảnh Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đưa lưu dân khai hoang, lập ấp trên vùng biên viễn. Tiết mục hát múa Dấu tích thời mở cõi (sáng tác: Đức Trịnh) - Hành phương Nam (sáng tác: Lê Phú Hải) - Tiền nhân mở đất (sáng tác: Tấn Phát) mang đến cho khán giả thật nhiều cảm xúc về thời mởđất của ông cha. Trong phần II Khúc tráng ca giữ đất, qua các tiết mục: song ca Lời người ra đi (sáng tác: Trần Hoàn, biểu diễn: Thanh Vân - Quốc Dũng), tốp nam nữ Chiến thắng Át-lăng (sáng tác: Huỳnh Xê), hát múa Hành khúc giải phóng (Lưu Nguyễn) - Giờ hành động (Long Hưng)…, các nghệ sĩ, diễn viên khắc họa truyền thống anh hùng của quân và dân Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Phần II của chương trình có liên khúc: tốp nam Đẹp vô cùng anh giải phóng quân - bài chòi Đêm hành quân thương về quê mẹ - tốp nữ Bài ca đội nữ pháo binh Phú Yên, đều do ông Vũ Trung Uyên, nguyên Trưởng đoàn kiêm Chính trị viên Đoàn Văn công Phú Yên, sáng tác. Đây là những bài hát quen thuộc và gợi lên biết bao hồi ức đối với nhiều người từng cầm súng chiến đấu trên chiến trường Phú Yên trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Phần III Đất Phú trời Yên là khúc hoan ca khi quê hương thanh bình và ngày một khởi sắc, là lời mời bạn bè gần xa đến với vùng đất tươi đẹp, hiếu khách, nghĩa tình. Lồng trong tình quê hương là tình yêu, là niềm tự hào, là quyết tâm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Khán giả thật sự xúc động khi nghe tốp nam hát Lính nhà giàn đón xuân (sáng tác: Thập Nhất), nghe giọng ca đầy nội lực Lê Mỹ Như thể hiện ca khúc Biển của ta (sáng tác: Lê Minh Sơn). Bài ca Phú Yên khép lại với ca khúc mới của nhạc sĩ Tấn Phát Phú Yên hội tụ, cùng bản “Phú Yên ca” rất đỗi quen thuộc của nhạc sĩ Văn Chừng.
Tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật Bài ca Phú Yên không chỉ có các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển mà còn có 20 cán bộ, chiến sĩ đến từ Trung đoàn Không quân 910 và những người lính biên phòng Phú Yên. Đại úy Chu Đại Nghĩa (Trung đoàn Không quân 910), người có hơn 10 năm công tác tại Phú Yên, cho biết: “Tôi tự hào khi được học tập, công tác trên quê hương Phú Yên và vinh dự khi được tham gia chương trình nghệ thuật này”.
Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Cao Hữu Nhạc, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, cho biết: Ngay từ đầu năm, nhà hát đã phôi thai ýtưởng về chương trình nghệ thuật kỷ niệm 41 năm giải phóng Phú Yên, 405 năm Phú Yên hình thành và phát triển. Chúng tôi rất cân nhắc khi chọn tiết mục biểu diễn trong chương trình này, vì các ca khúc cách mạng đã được nhà hát biểu diễn khá nhiều. Cần phải làm thế nào để các tiết mục trở nên tươi mới và chuyển tải đầy đủ ý tưởng. |
YÊN LAN