Ngay từ khi còn học cấp 2, Đoàn Thanh Túc, học sinh lớp 11A1 Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An), đã đam mê sáo trúc. Qua hơn hai năm luyện tập, đến nay, Túc đã chơi được nhiều bài sáo một cách điêu luyện.
Tiết mục độc tấu sáo trúc của Đoàn Thanh Túc được lồng ghép trong buổi chào cờ đầu tuần tại Trường THPT Lê Thành Phương - Ảnh: Đ.T.TRỰC |
Sinh ra trong gia đình nông dân tại thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An), Túc lớn lên, đi học như bao người bạn khác ở nông thôn. Dù học giỏi những môn tự nhiên nhưng trong sâu thẳm, cậu học trò này vẫn nuôi dưỡng một tâm hồn nghệ thuật. Trong các loại nhạc cụ dân tộc, Túc mê nhất là sáo trúc. Chính vì vậy, cách đây hơn hai năm, khi biết được sở thích của Túc, một người chị họ cùng thôn đã tặng em một cây sáo nhân dịp sinh nhật. Có được cây sáo, Túc rất mừng, nhưng ở vùng quê này biết tìm đâu ra thầy dạy thổi sáo? Thế là Túc lên mạng tự tìm tòi rồi đặt ra cho mình nguyên tắc học. Bạn trẻ này thổ lộ về những bỡ ngỡ ban đầu: “Mới học sáo rất khó, thổi nhiều thường hay bị chóng mặt, đau hết miệng. Ban đầu em học cách lấy hơi và để có hơi dài thì phải tập hít thở sâu mỗi sáng thức dậy. Muốn các ngón tay hoạt động điêu luyện, em cũng phải kiên trì tập. Mỗi ngày, em tự tập hơn một tiếng đồng hồ vào những lúc đi học về và những lúc học bài xong. Em sắp xếp thời gian sao cho việc tập sáo không ảnh hưởng đến việc học bài ở nhà và thời gian lên lớp”. Qua một thời gian ngắn, Túc đã biết cách lấy hơi, điều khiển nhịp nhàng những ngón tay khi thổi và đã thổi được những bản nhạc thông thường. Túc tâm sự: “Tiếng sáo như thôi miên em, càng thổi em càng thấy thú vị. Đó cũng là động lực để em cố gắng luyện tập”.
Là học sinh lớp 11A1, một lớp chọn ban khoa học tự nhiên, hàng ngày “làm bạn” với nhiều con số khô khan nhưng Túc vẫn nuôi dưỡng tâm hồn yêu nghệ thuật để đến với tiếng sáo. Em xem sáo là niềm vui để giải trí, còn có theo nghiệp này hay không thì chưa xác định trước.
Từ niềm đam mê sáo trúc, Túc và các bạn cùng thôn, cùng trường đã thành lập nhóm những người yêu sáo trúc ở địa phương.
Hiện nhóm này có trên 10 thành viên, chủ yếu là học sinh cùng trường. Các bạn trong nhóm cùng nhau tập, và có những người đã thổi nhuần nhuyễn như Lâm Vĩnh Thắng (lớp 11B4), Nguyễn Văn Sơn (lớp 11B5), Đoàn Hữu Thạch (lớp 12B1)…
Để có thêm kiến thức về sáo trúc, vào cuối tuần, Túc cùng nhóm bạn vào TP Tuy Hòa giao lưu và học hỏi các anh chị ở CLB Nhạc cụ dân tộc do chị Nguyễn Hoàng Thùy Liên ở phường 2 phụ trách. Nhờ những buổi giao lưu này mà các em học hỏi được nhiều điều bổ ích, được bồi đắp thêm lòng yêu thích các loại nhạc cụ dân tộc. Đến thời điểm này, Túc đã thuộc và chơi được rất nhiều bài sáo. Túc cho biết, điều quan trọng nhất là cách cảm nhận một bản nhạc và cách lấy hơi của từng người. Đồng thời, khi chơi mình nên cố gắng thể hiện sự sáng tạo thì tiếng sáo sẽ dễ đi vào lòng người hơn.
Thấy được năng khiếu của Túc, Ban Chấp hành Đoàn trường THPT Lê Thành Phương đã chọn một tiết mục độc tấu sáo trúc do Túc thể hiện để lồng ghép trong buổi chào cờ đầu tuần. Hôm đó, Túc chơi bài Giấc mơ trưa đầy cảm xúc. Nghe xong, các thầy cô giáo và cả các bạn dự chào cờ đã nồng nhiệt vỗ tay, trầm trồ tán thưởng.
Thầy Võ Tấn Thuần, Bí thư Đoàn trường, nhận xét: “Túc là học sinh hiền ngoan. Bên cạnh thành tích học tập tốt, Túc còn có tố chất và đam mê sáo trúc. Đây là một trường hợp hiếm có, đáng tự hào của trường. Đoàn trường đang làm thủ tục thành lập CLB sáo trúc, dự kiến đề xuất Túc làm chủ nhiệm CLB và sẽ công bố trong thời gian tới”.
ĐÀO TẤN TRỰC