Đã 41 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vậy mà giờ đây, mở lại tập thơ Sóng sông Ba do Quân Giải Phóng Phú Yên xuất bản ngày ấy, ta như chạm vào quá khứ hào hùng thấm đẫm tình đất tình người của quân và dân thời kháng chiến giữ nước.
Bìa tập thơ “Sóng sông Ba” - Ảnh: T.VĂN |
Các tác giả trong tập Sóng sông Ba có người là chiến sĩ ở lực lượng vũ trang địa phương, có người thuộc quân chủ lực từ miền Bắc vào, cũng có người là cán bộ dân chính các ban ngành nơi mặt trận; hầu hết họ sáng tác trong điều kiện đang cầm súng chiến đấu, như cố nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền đã bày tỏ trong một ca khúc của ông: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng…”. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, những người con ra đi từ làng quê không thôi nhớ quê, như nhà thơ quân đội Liên Nam viết trong bài thơ Chiều An Ninh (1963):
Chiều An Ninh những ghềnh đá nhấp nhô
Cát sải tới chân trời sóng vỗ
Những rừng dương reo gió
Mặt trời treo trên núi xa…
Với chiều hướng ấy, tình tự quê hương của tác giả Lương Nguyên (Lương Thúc Quý) là những xóm làng, vùng đất như huyền thoại bên chân đèo Cả hun đúc nên tình quê da diết. Trong bài Tôi yêu quê mẹ khu Đông (1973), ông viết:
Tôi yêu khu Đông Tuy Hòa
Dòng sông Bàn Thạch mang phù sa…
Ngọn Đá Bia - không gian - niềm tin…
Cho ta thế tựa sống còn…
Còn đây, quê hương trong thơ Trần Vũ Mai, tác giả trường ca nổi tiếng Ở làng Phước Hậu, như tiếp nối dòng cảm xúc của liệt sĩ Trần Mai Ninh khi đến Tuy Hòa thời kháng chiến chống Pháp, mang đậm chất sử thi:
Gió chướng ngang trời
Gió từ La Hai ngược lên Đắk Lắk
Đường xuyên sơn hẳm dốc
Gió quân vang trảng trăng thu…
(Cực Nam)
Nhà thơ lớn Chế Lan Viên thật chí lý: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Thảo nào, liệt sĩ Trần Xuân Quang thuở sinh thời khát khao được Về chiến trường xưa, thăm lại vùng đất anh từng chiến đấu:
Anh vượt sông Ba về bên đó…
Gió lộng Tuy Hòa. Ôi những ước mơ
Anh về quê em với đồng lúa biếc…
Còn tác giả Phương Yến (Trần Thiện Lục) nhớ da diết Gương mặt thôn Uyên ở vùng giải phóng Trung Trung Bộ (1971):
Những ruộng mía ngọt ngào
Những lò đường lửa đỏ cháy xôn xao
Che mía quay đều theo tiếng hát…
Trong tập Sóng sông Ba còn có giọng thơ của nữ chiến sĩ Lê Thị Uyên Băng với thi pháp hiện thực, mượt mà, đằm thắm đầy chất trữ tình:
Dòng sông lấp lánh trăng vàng
Con thuyền lướt sóng rộn ràng qua sông
Bốn bề đồi núi mênh mông
Rừng khuya gà gáy, giữa dòng quân đi
(Quân đi)
Ngày về giải phóng phố phường, chiến sĩ Cao Cường nhìn quê hương thấy đâu cũng đẹp:
Cầu Đà Rằng phơi mình như lụa trải
Ôm lấy tháp Chàm soi bóng nước lung linh…
(Trở lại Tuy Hòa)
Nhiều tác giả trong tập thơ Sóng sông Ba đã bày tỏ cảm xúc sâu thẳm của mình về quê hương qua hình tượng người mẹ. Đối với các nhà thơ đang cầm súng bảo vệ đất nước, mẹ chính là quê hương và quê hương chính là mẹ. Tác giả Vũ Trung Uyên, nguyên Trưởng Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh, bộc bạch trong bài thơ Gửi mẹ Phú Yên viết năm 1973:
… Con sẽ lại về bên tiếng mẹ ru hời
Với nhịp chày khuya điệu hò khoan nhặt…
Đối với nhà thơ Thanh Quế, khát khao trở lại quê hương thăm mẹ già, em nhỏ sau bao năm xa cách là ước nguyện cháy bỏng của một người con vào Nam chiến đấu. Hãy nghe lòng dạ Thanh Quế cồn cào:
Sau chiến tranh con sẽ về
Mẹ, mẹ ơi
Con lại nằm trong lòng mẹ
Như ngày tấm bé
Mẹ kể con nghe bao chuyện kể
Dẫu chiến tranh vô cùng ác liệt, sự sống và cái chết cận kề nhưng trong tập thơ Sóng sông Ba, các sáng tác về tình yêu không hề thiếu vắng. Ta hãy nghe những vần thơ trong bài Mùa hoa râm nắng của chiến sĩ Bùi Tất Lượng:
Ôi bông hoa râm nắng
Ngát lòng em đến giờ
Đôi ta dù xa vắng
Cuộc đời càng nên thơ
Tình yêu nơi chiến trường giúp tinh thần thêm lạc quan, tăng sức mạnh chiến đấu. Tác giả Thanh Phụng đã bày tỏ điều này trong bài Chung dặm đường, nhưng chiến sĩ Thanh Phụng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến địa. Còn thơ tình của tác giả Hoàng Tất Thắng như một triết lý về tình yêu muôn thuở, nhất là trong thời chiến. Càng gian khổ càng thương yêu san sẻ, hy sinh cho nhau:
Hỡi em yêu có biết
Đường tình yêu bao xa
Để trăm ngàn gian khổ
Vẫn chia đều hai ta.
(Nói với em)
Là một tập thơ giới thiệu các thi phẩm được viết trong thời chiến, giai đoạn 1960-1975 tại Phú Yên, Sóng sông Ba không chỉ có trận mạc, đạn bom khói lửa, chia ly… mà còn rạng rỡ tình quê hương xứ sở, tình yêu đôi lứa thủy chung, khát khao đoàn tụ, thống nhất. Đây chính là tính nhân văn cao đẹp trong tiếng thơ Sóng sông Ba của các chiến sĩ Giải Phóng Quân từ quá khứ vọng về.
NGUYỄN TƯỜNG VĂN