Những câu chuyện về mảng tối của xã hội chính là chất liệu phong phú trong những bộ phim được giới hâm mộ điện ảnh quốc tế đánh giá cao trong thời gian qua. Những thước phim nghệ thuật về những mảng tối gợi cho khán giả những góc nhìn đa chiều, sâu sắc.
BÓC TÁCH NHỮNG MẢNG TỐI
Trong tốp 8 phim đề cử hay nhất tại lễ trao giải Oscar 2016 có đến 6 phim khai thác các mảng tối của đời sống xã hội. Bộ phim “Bridge of Spies” kể về số phận bấp bênh của người lính trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Phim “Brooklyn” là câu chuyện về người di cư phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống. “Mad Max: Fury Road” kể về tội ác tạo ra từ sự cai trị độc tài. Câu chuyện về người nghèo, dân tộc thiểu số phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc mưu sinh được đề cập trong “The Revenant”. “Room” là câu chuyện về nạn nô lệ tình dục vẫn hiển hiện giữa cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, phim “Spotlight” phản ánh tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em mà tội phạm là các cha xứ đã được xướng tên, trở thành phim hay nhất đoạt giải Oscar năm nay.
Nhóm các nhà làm phim độc lập đến từ các quốc gia với nguồn kinh phí làm phim hạn hẹp nhưng cũng góp mặt tại các liên hoan phim danh giá với những tác phẩm đầy trăn trở, phản ánh cái nhìn sâu sắc về mảng tối của cuộc sống. Đó là cách phim “Embrace of the Serpent” (Colombia) kể câu chuyện về sức hủy diệt của chủ nghĩa thuộc địa. “A War” (Đan Mạch) phản ánh cái nhìn của người Đan Mạch trong cuộc chiến tranh Afghanistan. “Son of Saul” (Hungary) kể câu chuyện về nạn diệt chủng người Do Thái tại các trại tập trung trong Thế chiến II. Mới đây, tại Liên hoan phim Berlin (Đức) năm 2016, câu chuyện trong bộ phim “Fire at Sea” về nỗi thống khổ của người di cư dưới góc nhìn của nhà làm phim Ý đã được xướng tên ở hạng mục giải thưởng cao quý: Phim truyện xuất sắc nhất… Dưới đôi mắt tài tình của các nhà làm phim quốc tế hiện nay, những câu chuyện về nhóm người yếu thế vô cùng mong manh được bóc tách và phơi bày.
NHỮNG NGƯỜI HÙNG
Tài năng của những nhà làm phim nghệ thuật là mang câu chuyện dường như bị lãng quên hoặc bị nhìn nhận hời hợt ra ánh sáng, làm nổi bật hoàn cảnh sống éo le, mang đến cái nhìn đúng đắn và nhân văn hơn trong xã hội. Trong phim “Bridge of Spies”, luật sư Donovan (Tom Hanks thủ vai) đã vượt qua áp lực dư luận, thực hiện cuộc giải cứu điệp viên Liên Xô, một con người ở phe thù địch, mang lại những điều tốt đẹp hơn cho mối quan hệ Nga - Mỹ. Nhóm phóng viên chuyên mục Spotlight trong phim “Spotlight” đã không quản khó nhọc, đoàn kết, dũng cảm, quyết tâm tìm ra bằng chứng về sự thật bị giấu nhẹm. Joy (Brie Larson thủ vai) trong phim “Room”, từ trong nghịch cảnh bị giam cầm làm nô lệ tình dục, bằng sự thông minh và bản năng làm mẹ của mình, cô đã tự giải thoát khỏi bàn tay của tên tội phạm. Eilis Lacey (Saoirse Ronan thủ diễn) trong bộ phim “Blooklyn” đã mạnh mẽ, dấn thân vượt qua mặc cảm của người tha hương để tìm thấy hạnh phúc nơi miền đất mới…
Với góc nhìn nhân văn của các nhà làm phim, những thân phận như Donovan, Joy, Eilis Lacey… có nội tâm sâu sắc và nguồn năng lượng dồi dào. Dường như sức mạnh phi thường đã giúp họ vượt qua nghịch cảnh, thay đổi số phận theo hướng tích cực. Những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật này đã mang đến cho người xem xúc cảm, sự cảm thông, suy tư về thân phận của con người trong xã hội.
DIỆU ANH