Thứ Năm, 10/10/2024 19:21 CH
Độc đáo Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”
Thứ Năm, 25/02/2016 07:40 SA

Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại lễ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: T.QUỚI

Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” vừa được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chúng tôi về thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) - cái nôi của loại hình nghệ thuật trình diễn này, xem nghệ nhân trình diễn để cảm nhận sự độc đáo của dàn nhạc trống đôi, cồng ba, chiêng năm.

 

ẤN TƯỢNG TRỐNG ĐÔI, CỒNG BA, CHIÊNG NĂM

 

Trong niềm hân hoan chào mừng ngày Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các nghệ nhân người dân tộc Ba Na của thôn Xí Thoại được dịp biểu diễn loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc mình. Trên sân khấu, ba loại nhạc cụ này hòa quyện trong âm điệu, tiết tấu và ngôn ngữ; tiếng trống phối hợp với những động tác múa nhuần nhuyễn và tinh tế của cơ thể và đôi bàn tay của người biểu diễn đã tạo nên chuỗi âm thanh với tiết tấu đầy ngẫu hứng, lúc thưa nhặt nhẹ nhàng, lúc dồn dập sôi nổi. Chiêng năm có vai trò giữ giai điệu với tiết tấu khoan nhặt, thanh thoát, ngân xa. Chức năng chủ yếu của cồng ba là giữ bè trầm tạo nên âm thanh sâu lắng và mượt mà.

 

Anh Bùi Văn Hiệp, Trưởng đội nghệ nhân “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” thôn Xí Thoại, chia sẻ: “Chào mừng loại hình trình diễn của dân tộc Ba Na được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đội nghệ nhân trình diễn bài “Đón khách” với giai điệu sôi nổi, hân hoan, mời gọi và trình diễn lại nghi thức biểu diễn lễ cầu mưa - một lễ hội lớn trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Ba Na ở Xí Thoại”.

 

Lần theo câu chuyện của anh Hiệp, tôi được biết ngoài bài nhạc “Đón khách” khá phổ biến trong Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”, còn có các bài “Giao lưu”, “Tiễn khách”… được sử dụng trong các sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của người Ba Na, người Chăm ở Phú Yên như: cầu mưa, cầu hôn, đám ma, đâm trâu…

 

Già làng La Chí Thái ở thôn Xí Thoại nay đã gần 80 tuổi, vui mừng chia sẻ: “Từ năm 15 tuổi, tôi đã bắt đầu chơi trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Trước ông cha tôi biểu diễn nhạc cụ này như thế nào thì nay vẫn giữ nguyên như thế. Dàn nhạc cụ này gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian của người Ba Na ở thôn Xí Thoại từ bao đời nay, và được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã mang lại niềm vui khôn tả đối với người dân chúng tôi”.

 

Anh Sô Minh Tâm, thanh niên thôn Xí Thoại, bày tỏ: “Tôi rất vui và tự hào vì Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” của người Ba Na ở thôn Xí Thoại được Nhà nước công nhận. Điều này tạo động lực cho thanh niên trong làng cố gắng học hỏi, luyện tập để giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

 

Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại lễ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: T.DIỆU

 

PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN QUỐC GIA

 

Hiện nay, đội nghệ nhân trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của thôn Xí Thoại gồm 24 thành viên. Ngoài đội chơi nhạc cụ còn có đội nữ múa xoan hỗ trợ. Họ không phải là những người chơi nhạc chuyên nghiệp. Rời chiếc trống, chiếc chiêng, họ trở về chăm chỉ với công việc đồng áng và nương rẫy mưu sinh. Vì thế, việc tập hợp nghệ nhân để tham gia luyện tập dự thi tại các ngày hội văn hóa dù không quá khó khăn nhưng cũng không phải dễ dàng. Trưởng đội Nghệ nhân “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” thôn Xí Thoại Bùi Văn Hiệp cho biết thêm: “Kinh phí hỗ trợ luyện tập không thấm tháp vào đâu, nhưng đội nghệ nhân ai nấy đều cố gắng luyện tập để có màn biểu diễn thật hay, được khán giả đón nhận. Cái khó đối với Đội Nghệ nhân trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm thôn Xí Thoại là ở chỗ thiếu nhạc cụ dành cho việc trình diễn. Mỗi một lần biểu diễn, đội phải đi “tập hợp” nhạc cụ ở nhiều nơi.

 

Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: “UBND huyện Đồng Xuân tiếp tục xây dựng và phát triển đội cồng chiêng của thôn Xí Thoại để lưu truyền cho thế hệ mai sau, giữ gìn bản sắc truyền thống của người dân nơi đây. Từ nguồn đóng góp xã hội hóa, người dân thôn Xí Thoại cũng đã nhận nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”. UBND huyện Đồng Xuân sẽ phối hợp với Sở VH-TT-DL xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này, đặc biệt là trong công tác phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh”.

 

Một số công việc cần tập trung trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” là: Tiếp tục khảo sát, thống kê nhạc cụ, kịp thời phát hiện những bộ có niên đại cổ xưa, có chất lượng âm thanh tốt; tiến hành ghi âm, ký âm các bài bản, nghệ thuật trình diễn của nghệ nhân giỏi truyền dạy thế hệ trẻ; tạo điều kiện khuyến khích đồng bào sử dụng trống đôi, cồng ba, chiêng năm trong các lễ hội, sinh hoạt giao lưu văn hóa, qua đó phát hiện, khích lệ động viên nghệ nhân trẻ.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek