Không thể nào thiếu đêm thơ Nguyên tiêu/ Nên tháp Nhạn vẫn là nơi hò hẹn/ Để mỗi độ xuân về từ bốn phương trời ta tìm đến/ Từ đỉnh cao này vời vợi thơ ngân… Và tối rằm tháng Giêng, thơ ngân lên trong réo rắt tiếng đàn, dưới trăng thanh nơi tháp cổ. Khi khắp nơi trên dải đất hình chữ S, thi ca được tôn vinh trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14, thơ Nguyên tiêu Phú Yên đi qua 36 mùa xuân.
Rằm tháng Giêng. Mưa xuân đã thôi phất phơ trong gió, chỉ còn cái lạnh dịu dàng và ánh trăng thanh bát ngát mây trời. Hàng ngàn người náo nức trẩy hội trong mượt mà tiếng ngâm thơ, quyến luyến bước chân trên đường lên đỉnh núi.
GIỮA VẺ ĐẸP CỦA NÚI SÔNG
Vằng vặc lời hẹn thơ nơi núi Nhạn giữa lòng phố Tuy Hòa, bên sông Chùa lộng gió. Mà đâu chỉ có thơ! Triển lãm ảnh nghệ thuật giao lưu giữa các nghệ sĩ ở CLB Nhiếp ảnh Sông Ba với CLB Nhiếp ảnh và Du lịch TP Hồ Chí Minh mang đến cho người xem những khoảnh khắc đẹp trong đời sống, những hình ảnh thơ mộng của non nước Phú Yên qua 100 tác phẩm ảnh được trưng bày tại khu vực Đài tưởng niệm Núi Nhạn. Cùng với đó là triển lãm mỹ thuật (nghệ thuật sắp đặt) của các họa sĩ đến từ Liên đoàn Nghệ thuật dân gian ChungBuk (Hàn Quốc).
Trong khuôn khổ Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 36 Xuân Bính Thân, cuộc thi “Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh nghệ thuật” thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tối rằm tháng Giêng, dưới chân tháp Nhạn, 5 thí sinh được chọn vào chung kết đã thi trình diễn thơ, và Người đẹp Nguyên tiêu Xuân Bính Thân đăng quang trong sự cổ vũ của khán giả.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà trao giải nhất cho tác giả và người đẹp thơ Nguyên tiêu Xuân Bính Thân Hà Như Quỳnh - Ảnh: L.MINH |
“VỜI VỢI THƠ NGÂN”
Tiếng trống khai hội vang lên náo nức lòng người, đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống của Phú Yên được mở đầu bằng “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên” - thi phẩm bất hủ “Nam quốc sơn hà”. Và vẻ đẹp lồng lộng của rằm xuân trong bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua giọng ngâm Bích Trâm.
Cùng các nhà thơ, tác giả trong và ngoài tỉnh về với cõi thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn là đông đảo những người yêu thi ca ở Phú Yên. Chính họ đã giữ lửa cho thơ Nguyên tiêu qua hơn 30 mùa xuân, khi cuộc sống có biết bao thay đổi. Trẩy hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên năm nay, nhiều người đồng cảm với thi phẩm “Về lại cõi thơ” của Hoàng Nguyên Chương ở huyện Đông Hòa:
… Ai đó có về bên cổ tháp
Gặp nhau hồi tưởng chuyện ngày xanh
Dấu xưa còn để bao mùa nhớ
Còn đọng đâu đây ở lá cành
Tháp đứng lặng im mười thế kỷ
Hôm nay dào dạt mối tình thơ
Lắng nghe cõi mộng trong đời thực
Dẫn lối tâm hồn một bến mơ…
Trong dòng cảm xúc bất tận về hội thơ trên mảnh đất say đắm thi ca, nhà thơ Triệu Lam Châu, người con của Cao Bằng đã chọn Phú Yên làm quê hương thứ hai của mình, sáng tác bài “Tình ta gieo mầm thơ Nguyên tiêu”:
… Lại một mùa vui râm ran giữa đôi mình
Khi trăng rằm tỏa ngời trên Nhạn tháp
Thêu sóng thơ cửa Đà Rằng dào dạt
Niềm tri âm nhen lửa ấm trong nhau…
Như một tri âm tri kỷ của đêm thơ Nguyên tiêu qua bao mùa xuân, nhà thơ Nguyễn Gia Nùng ở Khánh Hòa không chỉ góp vào “tiệc thơ” những tác phẩm đầy cảm xúc mà còn tích cực quảng bá hoạt động văn hóa độc đáo này với bạn yêu thơ cả nước. Tại hội nghị Văn học miền Trung lần thứ 2 được tổ chức ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), nhà thơ Nguyễn Gia Nùng đã trình bày bản tham luận “Luận án thơ từ núi Nhạn”. Đó là tiền đề quan trọng góp phần làm nên sự ra đời Ngày Thơ Việt Nam.
Các nghệ sĩ Liên đoàn Nghệ thuật dân gian ChungBuk (Hàn Quốc) biểu diễn tại hội thơ - Ảnh: L.MINH |
Tham dự Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên xuân Bính Thân, nhà thơ Nguyễn Gia Nùng mang đến tác phẩm “Nếu không có đêm thơ Nguyên tiêu”. Với ông, dường như cảm xúc về đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên chưa bao giờ vơi cạn:
… Nếu không có đêm thơ Nguyên tiêu
Núi Nhạn sẽ buồn đi nhiều lắm
Núi sẽ cô đơn, tháp Nhạn ngàn năm trống vắng
Giữa trời cô liêu
Không thể nào thiếu đêm thơ Nguyên tiêu
Nên tháp Nhạn vẫn là nơi hò hẹn
Để mỗi độ xuân về từ bốn phương trời ta tìm đến
Từ đỉnh cao này vời vợi thơ ngân…
Yêu thi ca, các cây bút ở Phú Yên đã khai thác nhiều đề tài, góp phần làm cho “tiệc thơ” thêm phong phú. Đó là Nguyễn Công Hoan với bài thơ “Niềm tin” sắt son tấm lòng đối với Đảng; Nguyễn Đắc Tấn với “Cất cánh giữa trời xuân” viết về những người lính bay ở Trung đoàn Không quân 910; Bùi Văn Thành với “Xuân này anh ở đảo xa” thể hiện tình cảm dành cho những người lính đảo; Trần Quang Ngự trải nỗi niềm về “Nơi của ngày xưa”; Huỳnh Duy Hiếu chia sẻ cảm xúc về quê hương trong bài thơ “Cầu sông Chùa”; Phan Kim Việt có “Con sông quê em” - “Chẳng câu nệ đầy, vơi, trong, đục, đêm, ngày/ nhặt nhạnh hạt phù sa ươm bãi bờ xứ sở”; còn cây bút kỳ cựu Lê Khánh Nam có bài “Vườn quê độ tết” với những hoài niệm ngọt ngào.
Cây bút trẻ nhất có tác phẩm góp mặt trong hội thơ Nguyên tiêu năm nay là Nguyên Hậu. Từ huyện Đồng Xuân, Nguyên Hậu trẩy hội thi ca bằng bài thơ tình “Viết trên Nhạn tháp”.
Đông đảo người dân đến dự Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên - Ảnh: L.MINH |
Khai thác đề tài tình yêu ở tuổi xế chiều, nhà giáo Nguyễn Thị Hồng - người đẹp La Hai có thi phẩm mới “Dấu thời gian” với cái tứ khá lạ khiến nhiều người thích thú:
Có lẽ em đến thăm anh ngày mai
Và chiều nay em sẽ trang điểm lại
Không thể cứ đợi chờ nhau mãi mãi
Vì lý do này lý do nọ nữa đâu anh
Những vạt tóc bạc màu em sẽ nhuộm
Vết chân chim buồn mặc kệ dấu thời gian
Rồi em là của anh hai mươi năm trước
Thật đẹp xinh và cũng thật dại khờ…
“Trung thành” với lối sáng tác thơ giàu suy tư, chiêm nghiệm, phóng khoáng câu chữ, Ma Joan, một thầy giáo ở Phú Hòa, mang đến sắc màu lạ cho đêm thơ, với bài “Chén rượu cuộc đời”:
Rượu cất từ ruộng đồng lam lũ
Từ đống thóc vàng mẩy vun mùa vụ
Nhà nông
Rượu cất từ ngổn ngang cát gạch/ sắt thép/ xi măng
Từ những công trình vĩ mô/ những ngôi nhà đơn sơ ngói đỏ
Người thợ
………
Rượu cất từ trở trăn thâu đêm mất ngủ
Từ con chữ tự tin/ bài giảng tuyệt hay
Người thầy…
HẸN VỚI TRĂNG NƠI THÁP CỔ
Bên cạnh các cây bút quen thuộc ở địa phương, 2 văn nghệ sĩ quê Phú Yên đang sống ở Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh cũng có tác phẩm tham gia hội thơ năm nay. Đó là ông Vũ Trung Uyên với “Vầng trăng đêm xuân” và nhạc sĩ Kpa Y Lăng với “Tiếng đàn goong nhớ Bác”. Đêm thơ thêm cảm xúc khi có tiếng đàn tranh, đàn bầu… và giọng ngâm ngọt ngào quen thuộc của Ngọc Hà, Bích Trâm, Thanh Huệ.
Từ Hàn Quốc, 8 nghệ sĩ ở Liên đoàn Nghệ thuật dân gian ChungBuk đã vượt ngàn dặm xa đến Phú Yên trẩy hội thơ xuân. Nhạc sĩ Kim Kang Gon chia sẻ: “Mùa xuân năm ngoái, tôi rất muốn đến Phú Yên nhưng vì công việc quá nhiều nên không đến được. Đã từng tham dự hội thơ Nguyên tiêu, đã biết tháp Nhạn, biết trăng Nguyên tiêu và khán giả ở Phú Yên, năm nay tôi nhất định phải đến với hội thơ”. Nhạc sĩ Kim Kang Gon đã phổ nhạc bài thơ “Vô thường” của ông Trần Quốc Cưỡng, và nghệ sĩ Cho Ae Ran biểu diễn trong đêm thơ. Thêm một điều thú vị nữa là dân ca Hàn Quốc và dân ca Việt Nam được nghệ sĩ hai nước cất lên giữa trời xuân đất Phú. Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Trang chia sẻ: “Được gặp lại các bạn Hàn Quốc tại Phú Yên và hát cùng Cho Ae Ran, tôi rất vui”.
Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên Xuân Bính Thân khép lại với ca khúc “Phú Yên bài ca mới” của nhạc sĩ Tấn Phát, do Chi hội Âm nhạc biểu diễn, như một lời chia tay bạn thơ và hẹn gặp vào Nguyên tiêu năm sau. Ông Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho biết: “Hội thơ Nguyên tiêu năm nay diễn ra trong một đêm. Ban tổ chức đã chọn những bài thơ hay để giới thiệu với công chúng, nâng cao chất lượng đêm thơ và đáp ứng nguyện vọng của hội viên về duy trì truyền thống thơ Phú Yên. Trong tương lai, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sẽ phát triển hội thơ bằng những hoạt động mới”.
HOA SEN