Thứ Hai, 07/10/2024 03:31 SA
Vẫn xanh Núi Mộng gương Hồ
Thứ Tư, 25/07/2007 08:00 SA

Ngày 27/4/2000, tiếp đoàn phóng viên Báo Phú Yên tại nhà riêng ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nữ sĩ Mộng Tuyết tặng các cháu của “ông anh kết nghĩa Trần Sĩ” hợp tuyển thơ văn “Dưới mái trăng non” với lời giới thiệu của người chồng quá cố - thi sĩ Đông Hồ và hồi ký “Núi Mộng gương Hồ”.

 

Người nữ sĩ cuối cùng của phong trào Thơ Mới vừa ra đi ở tuổi 90 để lại một di sản thơ ca sống mãi cùng năm tháng.

 

070725-M-TUYET.jpg

Nhà báo Phan Thanh Bình (Báo Phú Yên) thăm và chúc thọ nữ thi sĩ Mộng Tuyết năm 2000  – Ảnh: X.HIẾU

 

Nữ sĩ Mộng Tuyết tên thật là Lâm Thái Úc sinh năm 1918 tại thị xã Hà Tiên. Nữ sĩ có sáu người anh, cha mẹ đặt tên là Út, phát âm theo phương ngữ Nam Bộ là Úc. Là cô gái út duy nhất trong bảy anh em nên Mộng Tuyết đã lấy bút hiệu là “Thất tiểu muội”. Bắt đầu làm thơ từ lúc lên tám tại Trí Đức học xã, do Đông Hồ tổ chức, năm 12 tuổi (1930) Mộng Tuyết đã có tập thơ “Bông hoa đua nở” đăng ở tạp chí Nam Phong. 17 tuổi, Mộng Tuyết thường xuyên viết truyện ngắn đăng trên tuần báo Sống (Sài Gòn). Năm 1939, tập thơ “Phấn hương rừng” của Mộng Tuyết được tặng giải khuyến khích trong cuộc thi thơ do Tự lực văn đoàn tổ chức, chính thức lưu danh là một trong số ít các nhà thơ nữ tiền chiến hiếm hoi của đất nước.

 

Từ tình yêu văn chương. Mộng Tuyết trở thành hồng nhan tri kỷ của người thầy, người anh Đông Hồ (lớn hơn bà một giáp).

 

Cảm đề tập hồi ký “Núi Mộng gương Hồ”, nhà thơ Huy Cận viết: “Núi Mộng gương Hồ/Đông Hồ/Mộng Tuyết - là duyên văn tự, mà cũng là tình duyên, tình đời thắm đượm tình non nước. Trong cơ chế thị trường ngày nay, sôi nổi, cũng có lúc đảo điên, thì cái cơ chế thi trường đẹp đẽ biết bao. Cặp thi nhân Đông Hồ – Mộng Tuyết sẽ ở lại trong lịch sử thơ ca Việt Nam thế kỷ này như là một mối tình thơ đằm thắm, thuỷ chung đã nhuốm chút màu huyền thoại”. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng có những cảm nhận tương tự: “Trong lịch sử văn học mỗi nước, thường ghi lại những đôi thi nhân, vừa là người yêu, vừa là bạn thơ, bạn đời. Trong văn học nước ta, suốt một khoảng dài thế kỷ XX, đã ghi lại hình ảnh hai nhà thơ Hà Tiên, mà những người yêu văn học cả nước đều biết và quý trọng”.

 

Cách đây 40 năm, thi sĩ Đông Hồ ra đi đột ngột trên giảng đường Đại học Văn khoa Sài Gòn sau khi đọc những vần thơ bi tráng của thi sĩ Lam Giang về nỗi lòng cô phụ của nữ vương Trưng Trắc:

 

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá

Chênh chếch trăng tà bóng lẻ soi.

 

Vị hồng nhan tri kỷ của ông- nữ sĩ Mộng Tuyết ôm nỗi buồn cô phụ suốt 40 năm và giờ đây đôi uyên ương thi sĩ đã chan chứa nước mắt đoàn viên dưới suối vàng.

 

                                                                       *     *    *

 

Mùa thu năm 1947, từ vùng tạm chiếm Sài Gòn, nữ sĩ Mộng Tuyết gởi bài thơ “Chiếc lá thị thành” ra chiến khu thăm hỏi những chiến sĩ vệ quốc:

 

Đây một tờ thư của thị thành

Gởi về thăm hỏi chiến khu xanh

Hỡi anh chiến sĩ mùa thu trước

Hơn một mùa thu, bận chiến tranh

 

Lẫm liệt rừng thu gió tải về

Bao tờ lá đỏ chiến công ghi

Bao tờ lá đỏ đề lời máu 

“Thề quyết thành công một chuyến đi”

 

Đất nước từ khi dấy lửa binh

Hôi tanh vẩn đục bụi kinh thành

Thơm tho đâu nữa làn son phấn

Mấy độ hoa quỳnh khép ý trinh.

 

Bài thơ nhanh chóng lan toả chiến khu xanh và thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã cử biệt động thành gởi tận tay Mộng Tuyết những vần thơ hoạ:

 

… Đây chiến khu có những chiều chống kiếm

Ta nhớ em hỡi xa vắng thị thành

Em ô nhục ở trong vùng tạm chiếm

Biết bao giờ nguôi hận chiến khu xanh

 

Trong cuộc gặp cách đây bảy năm tại Hà Tiên, nữ sĩ Mộng Tuyết nhắc lại bài thơ này và cao hứng tự tay chép tặng các bạn trẻ yêu thơ Báo Phú Yên những vần thơ nối tiếp “Mấy độ hoa Quỳnh khép ý trinh”:

 

Dưới mái trăng non đêm quá nửa

Muôn hương vươn ngậm cánh mong manh

Giấc mơ lá ngủ sương phiêu lãng

Là lúc hoa Quỳnh hé ý trinh.

 

Tháng 8/1939, đôi uyên ương thi sĩ Đông Hồ- Mộng Tuyết về Phú Yên thăm thầy Đà Giang Trần Sĩ và kết tình huynh đệ.

 

Ngày 25/3/1999, Thất tiểu muội Mộng Tuyết về thăm người anh kết nghĩa Đà Giang Trần Sĩ thượng thọ 90 tuổi. Cảm động trước tình đời tình người sắc son qua 60 năm dâu bể, Đà Giang Trần Sĩ có bài thơ đưa tiễn người em thi sĩ về Hà Tiên:

 

070725-sach-1.jpg

 

 

Bút tích của nữ thi sĩ Mộng Tuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biết lấy gì đây tiễn bạn hiền

Trở về quê cũ mộng Hà Tiên

Ra đi còn để bao thương nhớ

Tình nghĩa lâu dài bạn Phú Yên.

 

Sau phút giây bàng hoàng xúc động, nữ sĩ Mộng Tuyết ứng khẩu đáp hoạ:

 

Nửa thế kỷ rồi qua Phú Yên

Sông Đà núi Nhạn nước non tiên

Bài thơ tương thức tình tri ngộ

Trọng nghĩa tri giao quý bạn hiền.

 

Mộng Tuyết đã đi xa và trong di sản văn chương đồ sộ của bà có những vần thơ đẹp về quê hương núi Nhạn sông Đà. Đêm chia tay 27/4/2000  tại Hà Tiên, tiễn anh em Báo Phú Yên ra cổng trong ánh trăng bàng bạc bến Tô Châu, nữ sĩ còn lưu luyến đọc tặng những bạn trẻ yêu thơ mấy vần thơ tâm đắc:

 

Trăng ngập đường đi. Trăng thuở ấy

Đôi người so bóng bước song song

Rồi trăng từ đó tương tư bóng

Chảy ngập tương tư khắp nẻo lòng.

 

Xin nâng chén ly bôi tiễn đưa nữ sĩ về với người chồng thương yêu- thi sĩ Đông Hồ.

 

PHAN THANH - XUÂN HIẾU

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tác giả “Vợ nhặt” qua đời
Thứ Sáu, 20/07/2007 17:37 CH
Viết thư pháp “Tuyên ngôn độc lập”
Thứ Sáu, 20/07/2007 15:19 CH
Hãy bầu chọn Vịnh Hạ Long
Thứ Tư, 18/07/2007 11:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek