Thứ Sáu, 11/10/2024 23:26 CH
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm:
Cần xây dựng bản lĩnh cá nhân
Thứ Sáu, 01/01/2016 07:00 SA

Bằng nghị lực và niềm say mê, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã đi qua những ngã rẽ cuộc đời và gặt hái nhiều thành công rất đáng tự hào. Tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ toán học, sau đó ông trở thành tiến sĩ khoa học Ngữ văn, là thành viên nước ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga… Giáo sư có nhiều đóng góp cho khoa học và đào tạo nước nhà ở hai lĩnh vực: Ngôn ngữ học và Văn hóa học.

 

Không chỉ là nhà văn hóa học và ngôn ngữ học uyên thâm, đầy bản lĩnh, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, còn có khí chất của một nhà khoa học trực tính nên những gì ông nói thoạt đầu rất khó “vừa tai” đối với không ít người.

 

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm báo cáo tham luận tại một hội thảo về chữ Quốc ngữ diễn ra tại Phú Yên - Ảnh: T.HẰNG

 

* Thưa GS, ông từng nói “Văn hóa Việt Nam thiên về âm tính, giống như phụ nữ, thích sự ổn định và ngại thay đổi”. Xin GS giải thích rõ hơn về nhận định này?

 

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã ghi dấu ấn bằng các công trình khoa học tiêu biểu: “Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt” (1985), “Cơ sở văn hóa Việt Nam” (1995), “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” (1996), “Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng”, “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” (2013)… Các công trình khoa học của GS đều được tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng nước ngoài, trong đó có “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, bản dịch tiếng Pháp: “Recherche sur l’identité de la culture vietnamienne”.

- Gốc của văn hóa Việt Nam là văn hóa nông nghiệp lúa nước. Có rất nhiều nghề nhưng có thể quy về hai nhóm nghề chính là nghề tĩnh và nghề động. Trong nông nghiệp thì trồng trọt là nghề tĩnh, còn chăn nuôi là nghề động. Trong trồng trọt thì trồng lúa nước phụ thuộc hoàn toàn vào nước, lại thêm một lần tĩnh nữa. Cái sự tĩnh tới hai lần này khiến cho trước đây có những người nông dân Việt Nam không bao giờ đi ra khỏi làng cho đến tận già. Vừa rồi, chúng tôi điều tra trên toàn quốc thấy vẫn còn 6,6% trong số gần 6.000 người chưa bao giờ đi ra khỏi tỉnh/thành phố quê hương mình.

 

Tôi thường nói rằng muốn biết văn hóa Việt Nam như thế nào thì cứ nhìn phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam có tính cách như thế nào thì văn hóa Việt Nam thường cũng có tính cách y như thế. Ví dụ: Phụ nữ hay nói, thì phần lớn người Việt Nam, kể cả đàn ông, cũng hay nói. Đàn bà “tám” theo kiểu đàn bà (“buôn dưa lê”), đàn ông “tám” theo kiểu đàn ông (nhậu nhẹt)… 

 

Văn hóa nào là sản phẩm của xã hội ấy. Văn hóa âm tính truyền thống của chúng ta là sản phẩm của một nước nông nghiệp trồng lúa nước nhỏ. Xưa nay, mạnh thì dùng sức, yếu thì dùng mưu. Việt Nam nhiều lần thắng được ngoại bang xâm lược chính là nhờ trí tuệ, nhờ sức mạnh văn hóa. 

 

* Vậy trong bối cảnh quốc gia và quốc tế như hiện nay, văn hóa âm tính truyền thống của Việt Nam đang vận động và biến đổi như thế nào, thưa GS? 

 

- Xã hội bây giờ đang thay đổi mạnh, văn hóa truyền thống của chúng ta đang trải qua quá trình dương tính hóa. Từ chỗ coi trọng sự ổn định, chả ai muốn di chuyển cả; giữa giàu có và ổn định, người Việt xưa thích sự ổn định hơn, thì đến bây giờ đã thay đổi nhiều rồi. Văn hóa truyền thống là văn hóa để ổn định, bây giờ chúng ta đi theo thế giới, chuyển sang văn hóa để phát triển. Từ đó có nhiều vấn đề nảy sinh, có sự “đụng độ” giữa một bên là những thói quen, lối tư duy của văn hóa để ổn định với một bên là những đòi hỏi của văn hóa để phát triển. Nếu không tìm hiểu, không khéo giải quyết thì sẽ cứ luẩn quẩn, tốn kém, lãng phí và thiếu hiệu quả. 

 

Trong một số hội thảo và các bài báo, tôi đã nói nhiều về việc người Việt mình xưa toàn “ngồi” - ổn định tức là “ngồi”; từ khi tiếp xúc giao lưu với phương Tây, đặc biệt là từ đổi mới mới bắt đầu tích cực “đi”. Người Việt Nam trước kia, nếu có “đi” là “đi” một cách bị động. Vì rơi vào thế bị động, bắt buộc nên không “đi” thì thôi, hễ “đi” là thành công: đi sứ thành công, đi ra Hoàng Sa thành công, đi ra nước ngoài học cũng thành công. Nhưng gần đây, khi được “đi” một cách chủ động như đi du học tự túc, du lịch, xuất khẩu lao động…, thì do “đi” không chuẩn bị, “đi” mà mang theo hành trang của văn hóa “ngồi” cho

 

nên có trường hợp đi đến đâu cũng xoay xở, mánh mung, thành ra đi đến đâu hỏng đến đấy, mất uy tín đến đấy. Người Việt thường rất tựhào về tài khôn ngoan xoay xở, mang lại cái lợi cho mình, ít tốn kém, trong khi quên rằng làm lợi cho mình thường là gây thiệt hại cho người khác. Do hướng nội nên người thuộc văn hóa âm tính thường thiếu tinh thần xã hội, chỉ nghĩ đến cái lợi cho mình. “Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng”, của thiên hạ thì cứtìm cách lôi kéo về làm của mình. Và mọi người đều chấp nhận, coi đấy là chuyện bình thường. Điều đó nguy hiểm lắm!

 

Bản dịch tiếng Pháp cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” (NXB Thế giới, 2001) - Nguồn: Internet

 

* Văn hóa làng xã có tính cộng đồng cao, sức mạnh tập thể cao. Vậy thì tại sao khả năng làm việc theo nhóm của người Việt vẫn chưa cao, thưa GS?

 

- Bởi vì cộng đồng truyền thống của Việt Nam là cộng đồng làng xã, người ta chỉ gắn kết với nhau, hợp tác với nhau trong phạm vi những người quen biết thôi. Quy luật chung là bên trong càng gắn kết chặt bao nhiêu thì bên ngoài càng rời rạc, lỏng lẻo bấy nhiêu. “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Bước ra ngoài làng, ra khỏi cộng đồng quen thuộc của mình thì người Việt không hợp tác được với nhau là vì thế. Trong một nhóm có ba, bốn người thân nhau thì họ sẽ giúp đỡ nhau hết lòng; nhưng cơ quan chia thành nhiều nhóm, thì giữa các nhóm này không những không giúp nhau mà có khi còn chơi xấu nhau.

 

* Phần đông người Việt rất thích được khen - ngay cả khi lời khen đó không đúng sự thật, nhưng lại rất hay chê bai người khác, không thích người khác nổi trội hơn mình và “dị ứng” với sự khác biệt. Vì sao vậy, thưa GS?

 

- Đó là do văn hóa cộng đồng, văn hóa ổn định. Muốn ổn định thì mọi người phải giống nhau, ai kém hơn thì mình giúp để cho người ta bằng mình, nhưng ai hơn thì mình ghét. Không phải một mình mình ghét mà cả cộng đồng cùng ghét để “dìm” người đó xuống cho bằng mình. Còn thích được khen là bởi vì kiểu gì thì trong xã hội vẫn có vị trí; mặc dù mọi người nhìn chung ngang bằng nhau nhưng vẫn có người cao hơn một tí, có người thấp hơn một tí. Và ai cũng muốn mình ở trong nhóm cao hơn một tí ấy. Mặt khác, cũng chính vì mọi người nhìn chung ngang bằng nhau cho nên cái tâm lý muốn nhích hơn người khác một tí ấy càng mạnh. Nhích nhiều thì sẽ bị “ném đá”, nhưng nhích hơn một tí thì được. Làm cái nhà thì vỉa hè nhà mình phải cao hơn vỉa hè hàng xóm một tí; đứng trước ngã tư đường thì xe mình phải nhích lên cao hơn xe người bên cạnh một tí…

 

* Theo GS, làm thế nào bớt âm tính đi để phát triển?

 

- Trong đề tài khoa học cấp nhà nước về xây dựng hệ giá trị đang thực hiện, tôi đề xuất xây dựng 10 giá trị cốt lõi, trong đó có một giá trị quan trọng là bản lĩnh. Cần phải xây dựng bản lĩnh.

 

Việt Nam ta lâu nay đã rất bản lĩnh, chỉ có điều đó là bản lĩnh tập thể, bản lĩnh cộng đồng. Bây giờ cái cần là bản lĩnh cá nhân, mỗi người cần có bản lĩnh cá nhân để dám nói “tôi”. Lâu nay mọi người rất ngại nói “tôi”, cứphải nói “ta”, “chúng ta”… hoặc lờ đi mà dùng cách nói vô nhân xưng. Bây giờ phải là “tôi”, “ý kiến của tôi”, “quan điểm của tôi”. Thực ra, nói “tôi” không phải là khó. Cái khó nằm ở chỗ để có ý kiến riêng, phải có tri thức, phải biết tư duy phân tích, biết lập luận sao cho có sức thuyết phục.

 

Bản lĩnh phải được xây dựng ngay từ trong gia đình; cha mẹ hãy để cho con cái phát huy tiếng nói của mình, đừng bắt chúng cứphải thành con ngoan. “Ngoan” theo cách hiểu của người Việt chúng ta là gì? Là biết vâng lời cha mẹ. Suốt đời nghe lời cha mẹ, người con Việt Nam từ trẻ đến già chẳng có bao giờ được là chính mình. Có bản lĩnh, đứa con phải dám phản bác và phải biết phản bác lại cha mẹ. Trong gia đình tôi, mỗi khi các con có ý kiến phản bác cha mẹ là chúng tôi mừng lắm, khuyến khích con hết lòng, dạy chúng cách tư duy để lập luận cho chặt chẽ. Tôi nói: Con phản bác gì cũng được, miễn là phải lập luận chặt chẽ, chỉ ra được chỗ sai của người khác và chỗ đúng của mình. Người khác đó có thể là cha mẹ, là thầy cô giáo, là bậc trên hay bất kỳ ai. Có điều ngôn ngữ của con phải nhã nhặn, đừng hỗn xược, đừng nghĩ rằng mình biết tất cả. Hãy nghĩ rằng ý kiến của mình có thể sai.

 

Nếu mỗi người Việt Nam biết phát huy bản lĩnh, có tiếng nói riêng của mình thì mỗi tập thể sẽ trở nên đa dạng, mà có đa dạng thì mới có phát triển. Bản lĩnh là một trong những phẩm chất rất quan trọng để bớt âm tính đi và để phát triển.

 

* Xin cảm ơn GS!

 

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm sinh năm 1952, tại xã Hiền Đa (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Ông tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ học toán học tại Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad (nay là Sankt-Peterburg, Nga) vào năm 1974, bảo vệ luận án TSKH tại trường này vào năm 1988. Đến năm 1991, ông được Hội đồng Chức danh Nhà nước phong hàm PGS. Năm 1999, ông được bầu làm thành viên nước ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga. Năm 2002, ông được phong hàm GS.

 

Ông khởi nghiệp giảng dạy tại Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1975, chuyển vào TP Hồ Chí Minh từ năm 1992, sau đó giữ các cương vị: Trưởng bộ môn Châu Á học - Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông phương - Trường đại học dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP HồChí Minh, Trưởng khoa Đông phương học, Trưởng bộ môn Văn hóa học, Trưởng khoa Văn hóa học - Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ông từng là GS thỉnh giảng tại Trường đại học Quốc tế học Hàn Quốc, Chủ tịch Hội đồng Ngữ học và Việt học thuộc Hội đồng liên ngành ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhiệm kỳ I (1990-1995), Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2009-2013…

 

Từ năm 2011 đến nay, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học nhiệm kỳ 2009-2014 và 2014-2019. 

YÊN LAN (thực hiện)

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek