Thứ Năm, 16/01/2025 12:31 CH
Nhạc sĩ Trương Quý Hải:
“Âm nhạc đưa tôi về với bình yên”
Thứ Ba, 22/12/2015 13:00 CH

Trở về từ mịt mù lửa đạn ở biên giới phía Bắc, sau những ngã rẽ bất ngờ, nhạc sĩ Trương Quý Hải gắn bó với Tập đoàn FPT và tiếp tục sáng tác. Có thể nói, với Trương Quý Hải, mọi con đường đều đưa anh về với âm nhạc - niềm đam mê và cũng là chốn bình yên. Nơi đó, anh trải tình yêu, niềm tự hào dân tộc cùng những thao thức của mình.

 

Nhạc sĩ Trương Quý Hải (ngoài cùng bên phải) giao lưu tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung - Ảnh: Y.LAN

 

Nhạc sĩ - cựu chiến binh người Hà Nội, tác giả “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, “Khoảnh khắc”, trường ca “Người Việt Nam”… đã chia sẻ với phóng viên Báo Phú Yên về bước ngoặt của đời mình và những điều thiêng liêng mà anh gửi gắm vào tác phẩm.

 

* Thưa nhạc sĩ Trương Quý Hải, được biết anh tốt nghiệp đại học Mỏ - Địa chất và đại học Kinh tế Quốc dân, có một thời gian làm cán bộ Đoàn trước khi làm việc tại Tập đoàn FPT. Điều gì đã làm thay đổi cuộc đời anh?

 

- Cách đây hơn 30 năm, vào mùa hè năm 1984, khi đó tôi là lính của Sư đoàn 356 cùng đồng đội nhận lệnh hành quân gấp sang Hà Giang. Đến nơi, chúng tôi biết mình có nhiệm vụ rất quan trọng là đánh chiếm lại những cao điểm đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng, tổng cộng là 29 cao điểm. Trận đánh đầu tiên rất khốc liệt, chúng tôi đánh cao điểm 772. Nơi đó, đến bây giờ anh em lính chúng tôi vẫn gọi là “đồi thịt băm”. Ngay trong trận đánh đầu tiên này, chúng tôi chịu tổn thất, thương vong rất lớn: 600 anh em đồng đội chúng tôi hy sinh, gần 1.000 anh em bị thương. Tôi làm công tác tử sĩ và chăm sóc thương binh. Trên giao nhiệm vụ phải tìm thông tin cá nhân để ghi tên tuổi, quê quán lên bia mộ.

 

Tôi tìm thấy bao thuốc lá Sapa của một đồng đội đã hy sinh, mở ra thì thấy một tờ giấy. Nhòe trong máu và mực xanh Cửu Long, tôi đọc được dòng chữ “Mẹ kính thương”, với một dấu phảy.

 

Bên dưới chưa có dòng chữ nào cả, chỉ có máu nhòe trên trang giấy. Tôi chợt nhớ đến mẹ mình và nghĩ về người mẹ của đồng đội. Đêm hôm đó, tôi ngồi bên cạnh những nấm mộ mới đắp cho anh em, không có đàn và cũng chẳng có giấy bút, tôi viết tiếp lá thư của người đồng đội gửi cho mẹ, cũng là lá thư tôi viết cho mẹ mình bằng những câu hát, với ước mong thư được về với mẹ.

 

Bài hát “Thư về với mẹ” ra đời trong chiến trận, đã thay đổi cuộc đời tôi, từ một sinh viên đại học Mỏ - Địa chất trở thành người lính, rồi trở lại Trường đại học Mỏ - Địa chất sau khi tạm biệt quân ngũ. Tôi là một kỹ sư mỏ nhưng không theo nghề mỏ mà tiếp tục học Kinh tế, rồi học Luật nhưng cũng không theo nghề luật và cuối cùng thì đi theo tiếng gọi của âm nhạc.

 

* Anh từng chia sẻ rằng: “Khát vọng tìm chốn bình yên của mỗi người bây giờ là cực lớn”. Vậy âm nhạc có mang đến cho anh một chốn bình yên?

 

- Âm nhạc chính là con đường đưa đến nơi chúng ta muốn. Âm nhạc đưa tôi về với bình yên. Bình yên đó cũng không phải là đích đến. Bình yên chúng ta có từ thuở ấu thơ, rồi lớn lên và đi trong cuộc đời với những bước thăng trầm thì bình yên là nơi chúng ta mong muốn được trở về. Một trong những con đường để trở về, với tôi, chính là âm nhạc.

 

* Trong album nhạc “Bình yên đất trời” ra mắt vào tháng 6/2014, anh giới thiệu với những người yêu nhạc 13 tác phẩm, trong đó có trường ca “Người Việt Nam” với những giai điệu, ca từ xúc động. Anh có thể chia sẻ thêm về tác phẩm âm nhạc hoành tráng và đầy cảm xúc này?

 

- Năm 2008, tôi làm trưởng một ban của Tập đoàn FPT, kinh tế rất ổn. Nhưng khi đó cũng tròn 10 năm tôi chưa hoàn thành bản trường ca mà mình đã viết từ năm 1998, khi tham gia phong trào sinh viên. Tôi đã viết gần xong chương 1 và dự định sẽ hoàn thành vào năm 2000. Rồi công việc bận quá, tôi “hẹn” đến năm 2005 sẽ hoàn thành nhưng rồi cũng không thể. Đến năm 2008, cả nước chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi biết rằng mình không còn thời gian nữa, không còn thời điểm nữa. Tôi xin anh Trương Gia Bình, khi đó là Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, cho tôi nghỉ việc. Anh Bình hỏi: “Em nghỉ việc để làm gì?”. Tôi nói: “Em nghỉ việc để về nhà sáng tác nhạc thôi ạ”. Anh Bình hỏi: “Thế sáng tác ở nhà với sáng tác ở FPT có khác nhau không?”. Tôi trả lời: “Thật ra thì cũng chẳng khác nhau gì, chỉ cần tờ giấy A4 và cây bút”. Anh Bình bảo tôi cứ việc ở đây mà sáng tác. Anh dành cho tôi một không gian rất riêng trong tập đoàn và tôi chỉ dành thời gian cho bản trường ca này. Tôi hoàn thành bản trường ca vào đúng ngày 19/8/2010. Và vào ngày 10/10/2010, bản trường ca đã vang lên trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Chương 1 có tên “Lời thề”, mang âm hưởng vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, có một phần của Quảng Bình. Người Việt chúng ta có chung một lời thề rất thiêng liêng là lời thề độc lập và chủ quyền Tổ quốc. Vì lời thề này, rất nhiều thế hệ đã hy sinh xương máu. Và lời thề này được giữ nguyên qua hàng nghìn năm để còn Tổ quốc chúng ta hôm nay.

 

Tôi viết xong chương 1 thì dành thời gian cho chương 2 - chương duy nhất trong bản trường ca có tên một địa danh: Hoàng Sa. Mỗi dịp tết đến, mỗi dịp lễ lớn và trong cuộc sống hàng ngày, đất mẹ Việt Nam có một đứa con thân yêu chưa thể góp mặt trong sum vầy đoàn viên, đứa con đó là Hoàng Sa. Tôi viết chương 2 “Hải đội Hoàng Sa”, sử dụng hai tiết tấu cổ: tứ liên và ngũ liên. Tứ liên là nhịp gõ 4 tiếng trống. Ngày xưa, cứ nghe nhịp trống này thì tất cả thanh niên trong làng mang cuốc thuổng ra đắp đê chống lũ. Ngũ liên là nhịp gõ 5 tiếng trống, nghe nhịp ngũ liên là thanh niên mang giáo gươm ra trận.

 

Chương 3 “Đoàn viên”, tôi sử dụng âm hưởng, giai điệu của vùng đất Nam Trung Bộ, nội dung chính là tự tin. Với dân tộc Việt Nam, đức tin lớn nhất chính là đức tin giống nòi, đức tin con cháu Lạc Long Quân - Âu Cơ, là ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”.

 

Chương 4 “Đêm trắng” là thao thức của mỗi chúng ta về cuộc đời mình, về đất nước. Chương 5 mang tên “Cho con là người Việt Nam” có âm hưởng của đại ngàn Tây Nguyên đồng vọng với dân ca Bắc Bộ. Tôi viết chương 5 cho Nghệ sĩ nhân dân Y Moan hát, nhưng Y Moan đã lâm trọng bệnh rồi qua đời. Từ đó đến nay, tôi là người hát chương 5.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek