Thứ Năm, 16/01/2025 12:30 CH
Đôi nét văn xuôi và thơ trên Văn nghệ Phú Yên
Chủ Nhật, 20/12/2015 14:00 CH

Nội dung “xương sống” của một tờ tạp chí văn nghệ là văn xuôi và thơ. Với chặng đường hơn 5 năm qua, có thể điểm lại một số thành quả của tạp chí Văn nghệ Phú Yên từ hai lĩnh vực này.

 

Văn nghệ sĩ Phú Yên xem tác phẩm văn chương của các hội viên được trưng bày tại Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lần thứ V - Ảnh: Y.LAN

 

1. Với sự góp mặt của các hội viên và cộng tác viên, tác giả trong và ngoài tỉnh, mảng văn xuôi trên tạp chí Văn nghệ Phú Yên khá đa dạng, tránh được sự đơn điệu “một màu”. Bằng lối viết chân phương, những tác phẩm như Cô Tấm của tôi, Bạn cũ của nhà văn Đào Minh Hiệp, Người lính trên chuyến tàu của Bùi Văn Thành, Khoảnh khắc chiến tranh của Vũ Văn Thoại, Hạt cát của Nguyễn Văn Cư, Lấy chồng xa xứ của Mạnh Hoài Nam… đã làm cho người đọc rung động về sự chân thực, từng trải của nhân vật thông qua sự hóa thân hoặc “nhập cuộc” của chính tác giả. Một số tác giả đã có sự tìm tòi, khai thác những mảng đề tài với thời gian, không gian và nhân vật khác nhau, tạo nên những màu sắc mới cho truyện, như Huỳnh Thạch Thảo với Ai xuôi vạn lý, Hạc bay ngang trời (truyện lịch sử); Trần Quốc Cưỡng với Người phò trợ Chúa Tiên (truyện lịch sử), Phi thuyền dưới đầm con voi, Tàu vũ trụ sa mạc Trà-nóc (truyện giả tưởng); Y Nguyên với Nguyên soái Tô tô (truyện loài vật)… Nếu như Trần Quốc Cưỡng có những truyện chuyển hẳn sang thế giới ảo (Phi thuyền dưới đầm con voi, Trên đỉnh Sa-pun…), thì Ngô Phan Lưu lại vừa thực vừa ảo khi ông chọn góc nhìn độc đáo về những danh thắng quen thuộc của quê hương, với những truyện Vạt áo nàng tiên (về vực Phun), Nhà bếp của chư tiên (về gành Đá Dĩa). Với Nguyễn Lệ Uyên (Đoàn Việt Hùng), truyện ngắn của anh hầu như không có câu chuyện để “kể”, nhưng dẫn dắt người đọc bằng chuỗi dài cảm xúc và suy tư (Về làng, Bóng nắng, Lên non hái trái). Ngược lại, truyện của Phan Thế Hữu Toàn hầu hết đều có “câu chuyện”, có đầu có cuối, lớp lang, nhiều kịch tính (Ca mổ hoàn hảo, Đấu trí…).

 

Sau Ngô Phan Lưu đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ, một cây bút văn xuôi khác ở Phú Yên đoạt giải ba cũng trên tờ báo này là Phùng Hi, anh có lối viết hoạt mà sâu (như Giỡn tới bến). Các cây bút nữ Phương Trà, Lệ Thanh, Thu Hồng vẫn giữ nét nhuần nhị, dịu dàng, nữ tính qua từng trang viết. Cây bút Pha Lê nhiều cá tính, rất có ý thức làm mới cách viết của mình. Lớp “đàn em” là Mộc Miên, Nguyễn Thị Bích Nhàn có thể nói là đã có sự kế thừa xuất sắc. Mộc Miên sắc sảo, xử lý “mảng miếng” trong truyện thật bất ngờ, đem lại hiệu quả nghệ thuật cao, làm nổi bật chủ đề tư tưởng (Sương sớm, Giọt ngọc trời ban, Tiếng ru từ lồng ngực…). Nguyễn Thị Bích Nhàn văn phong ít “gai góc” hơn nhưng cách miêu tả, dẫn dắt và kể chuyện có duyên, đọc không thấy chán (Quà tặng của mùa xuân, Bộ đồ cũ của ba…).

 

2. So với văn xuôi, chất lượng thơ trên tạp chí nhiều bài có phần “bình bình”. Vì sao? Vì một bài thơ đăng được thì dễ, nhưng để nhớ được thì rất khó. Ấy là chưa kể, thơ “nghiêm túc” thì không ai nhớ, còn thơ tếu táo thì nhiều người thuộc nằm lòng! Tôi nghĩ, đây cũng là tình hình chung chứ không riêng gì trên tờ báo hay tạp chí nào. Qua việc đọc thơ ở các báo hoặc tạp chí gửi giao lưu, tôi thấy có những tác giả có ý thức tìm tòi, đổi mới phong cách viết… lại không mấy ai đón nhận, hoặc rất kén độc giả, dễ làm nản lòng những ai muốn tìm sự đồng cảm. Ngược lại, thỉnh thoảng tôi bắt gặp loại thơ với những sáo ngữ, thậm chí cứ lo ghép vần mà không có thơ, không vượt qua thông tin cấp 1, kiểu thấy sao nói vậy… thì lại hạ thấp thơ và làm nản lòng bạn đọc.

 

Trên tạp chí Văn nghệ Phú Yên, ngoài các nhà thơ - hội viên cao tuổi như Văn Công, Nguyễn Tường Thuật… thường tham gia bài khi “tết đến xuân về”, còn lại các “cây thơ” là hội viên thường xuyên có bài đăng cũng khá hùng hậu. Nếu như 5 năm trước, bài thơ Ngựa của Trần Bương làm nhiều người tấm tắc, thì trong 5 năm vừa qua, bài Đá Bia của Hoàng Nguyên Chương lại gieo vào lòng tôi một ấn tượng khó phai mờ: “Người đã xa rồi mây bay muôn thuở/ Còn để vầng trăng bên núi bên lòng”. Nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa có những câu chan chứa ân tình sâu nặng với cuộc đời: “Anh sống được nhờ thơ nhờ hoa và nhờ cảm giác/ Và nhiều khi anh sống nhờ nước mắt/ Sao em nỡ “nói đùa” như Anton Sêkhốp/ Xin em là “chiếc lá cuối cùng” của O.Henry” (Cõi Hạnh). Viết mà như nói, không vần mà lại rất thơ, tôi rất thích những câu này của nhà thơ Thanh Quế: “Thị xã vắng/ Năm ba người gồng gánh/ Chỉ có vậy thôi/ Sao lòng tôi không thể dứt khỏi nơi này/ Sao khi xa, tôi ngỡ không sống nổi/ Quê hương/ Tôi vội vã trở về/ Để thấy/ Năm ba con đường nhựa vắng hiu/ Những quầy hàng thưa thớt/ Như thể từng lùm cây còn chôn núm ruột/ Như thể bên lề đường người yêu còn chờ/ Như thể không có Tuy Hòa/ Tôi không còn là tôi nữa”. Đó là Tuy Hòa của những năm 80 thế kỷ trước, còn bây giờ tìm lại cái “vắng hiu” của con đường nhựa thuở nào e hơi khó, vì Tuy Hòa đã lên thành phố, đã đổi thay từng ngày!

 

Bên cạnh các cây bút lâu năm, những Lê Hào, Ma Joan, Nguyên Hậu có phong cách viết ổn định, nghĩa là có “mới” nhưng không “lạ”, thơ có nội lực. Riêng Đào Đức Tuấn vừa mới vừa lạ, còn được bạn đọc đón nhận hay không lại là chuyện khác. Tôi thích cái tinh thần, cái ý thức làm mới thơ của Đào Đức Tuấn (cho dù có thành công hay không). Nhiều bài của Tuấn tôi thấy lạ kiểu nhưng đọc xong không nhớ gì, riêng bài Mưa Sơn thì quả là đáng đọc: “Mưa cứ rơi hoài theo khúc Diễm xưa/ chàng nghệ sĩ đêm sâu ôm cây đàn run rẩy/ bài ca viết rồi ai hát ai đây/ tình tang cuộc đời, tình tang tuổi trẻ/ Tim mưa nhịp gõ/ thâm trâm thời xanh/ giọt mưa hao gầy, giọt mưa xa thắt/ nếu xưa anh không viết thì mưa đâu tan tành/ Đời nhích gần anh/ rượng tràn nhựa sống /anh luyện tình yêu trên ngọn lửa mình/ bài ca cháy níu mưa đêm đỡ lạnh…”.

 

Trang thơ giao lưu những năm qua trên Văn nghệ Phú Yên cũng khá phong phú, có những bài thơ phong cách mới lạ, độc đáo. Đơn cử như Thông báo của khách sạn của Hoa Níp, viết về địa đạo Củ Chi bằng góc nhìn “không đụng hàng” với bất cứ ai, đã tạo nên cá tính sáng tạo của tác giả: “Kính thưa những ngôi sao truyền thông báo chí/ Các ngài cần khách sạn tiện nghi/ Ở Củ Chi, đoàn nhà văn chúng tôi phục vụ:/ 1. Ở Củ Chi/ Khách sạn của chúng ta không đạt đến năm sao/ vì chỉ có một ngôi sao trên mũ tai bèo lấp lánh/ 2. Ở Củ Chi/ Khách sạn của chúng ta không máy lạnh,/ nhưng cũng đủ để các ngài cảm nhận được hơi lạnh đất đai/ 3. Ở Củ Chi/ Khách sạn của chúng ta không điện thoại, wifi/ vì trong lòng đất làm gì có sóng…”. Thật đáng trân trọng ý thức tìm tòi, làm mới những đề tài đã có nhiều người khai thác như ở bài thơ trên!

 

Hy vọng, thời gian tới, hòa vào bạt ngàn cánh đồng văn chương, khu vườn văn chương trên tạp chí Văn nghệ Phú Yên sẽ ngày càng khởi sắc.

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek