Ban Quản lý di tích Nguyễn Du vừa công bố hai tư liệu cổ về Truyện Kiều có niên đại hơn 100 năm.
Đó là bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm có niên đại hơn 100 năm Kim Vân Kiều tân tập (được viết năm Thành Thái, Bính Ngọ 1906) - một trong số ít bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm được lưu giữ trọn vẹn từ trước đến nay.
Ấn bản thứ hai là cuốn sách tranh minh họa Truyện Kiều của họa sĩ Vũ Văn Thu tặng cho PGS.TS Nguyễn Thạch Giang - người có nhiều công trình nghiên cứu Truyện Kiều - vào ngày 19/11/1965 trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Cuốn sách tranh minh họa này được làm bằng chất liệu giấy dó, gồm 20 tranh minh họa Truyện Kiều và đã được trưng bày tại triển lãm mùa thu năm Ất Tỵ 1965.
Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng Ban Quản lý di tích Nguyễn Du, cho biết: Cả hai ấn bản Truyện Kiều này đều được PGS.TS Nguyễn Thạch Giang trao tặng lại cho Ban Quản lý di tích nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du với mong muốn bổ sung và giới thiệu đến đông đảo công chúng trong, ngoài nước những tư liệu về Truyện Kiều.
“Chúng tôi là những người đi trên chặng đường góp nhặt các tư liệu để tạo dựng nên một hệ thống. Vì thế các tư liệu này bổ sung cho bộ sưu tập liên quan về cuộc đời, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh của mọi người. Trong tương lai, chúng tôi sẽ sưu tập để chuyển tải những thông số, tư liệu đầy đủ của những người làm nghề đến nhân dân để biết về cuộc đời sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều”, ông Hồ Bách Khoa nói.
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) qua hàng trăm năm được đón nhận như một kiệt tác của dân tộc. Vào tháng 9 vừa qua, kỷ niệm 192 năm ngày cụ Tiên Điền qua đời (16/9/1820-16/9/2012), Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập 5 kỷ lục Việt Nam về Truyện Kiều và trao cho đơn vị sở hữu là Bảo tàng Nguyễn Du (tỉnh Hà Tĩnh). Những kỷ lục đó gồm:
Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất được chắp nhặt những câu thơ thành nhiều bài thơ mới; Truyện Kiều - Thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ (10 bản dịch khác nhau ra tiếng Pháp thành thơ tự do, thể Alexandrins hoặc văn xuôi); Truyện Kiều - Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất (tất cả đều viết bằng thơ, trong đó xưa nhất có Đào Hoa Mộng ký của Mộng Liên Đình với khoảng 3.000 câu lục bát, Đào Hoa Mộng ký diễn ca của Hà Đạm Hiên với 1.190 câu lục bát, Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư với 3.296 câu…); Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất đọc ngược từ cuối lên đầu về cuộc đời nàng Kiều theo chiều thời gian ngược (nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã làm một việc khá kỳ công là gỡ ra và sắp xếp lại toàn bộ các câu thơ trong truyện theo cách “tập Kiều” với cả 3.254 câu Kiều để có cuốn Truyện Kiều đọc ngược mà nội dung vẫn logic); Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hóa Kiều (đây là thi phẩm duy nhất tạo ra quanh nó cả một loạt những loại hình văn hóa - gọi là văn hóa Kiều - với các hình thức thật phong phú như: bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú - văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, giai thoại quanh Truyện Kiều…).
NGỌC LAN (tổng hợp)