Đã thành thói quen, sáng nào dậy thật sớm viết bài, tôi thường dành khoảng nửa giờ “đi dạo” trên mạng xã hội. Mất thời gian - tất nhiên rồi, song bên cạnh đó cũng gặp nhiều điều thú vị từ “bạn bè” trên facebook, nhất là văn nghệ sĩ.
Vào facebook chia sẻ và kết nối bạn bè - Ảnh: P.V |
CHIA SẺ NIỀM ĐAM MÊ CÙNG MỐI QUAN TÂM
Nhà thơ Anh Ngọc (Hà Nội) thường mở đầu bài viết của mình trên facebook bằng câu “Chào buổi sáng quý bạn”. Sau câu chào rất lịch sự này, nhà thơ đang làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, từng là lính thông tin ở mặt trận Quảng Trị sẽ bàn luận về một đề tài nào đó, hoặc nóng hổi tính thời sự, hoặc liên quan đến niềm đam mê của ông. Để hỗ trợ các em học sinh học môn Văn, nhà thơ đăng một bài “nhàn đàm” về vai trò của từ Hán Việt trong thơ. Ông viết: “Trong hàng ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc ta đã thể hiện sức sống mãnh liệt bằng việc không bị đồng hóa bởi phương Bắc. Nền văn hóa Việt Nam, trong đó có tiếng Việt đã giữ vững tính độc lập của mình. Điều đó ai cũng biết và là niềm tự hào của chúng ta. Tuy nhiên, trong văn hóa và đặc biệt là ngôn ngữ, những hiện tượng giao thoa do lịch sử tạo ra là một điều có thật. Cần nhìn nhận hiện tượng đó một cách khách quan và quan trọng hơn là tận dụng những mặt tích cực của nó, chứ không nên và không thể tùy tiện phủ nhận”. Ông phân tích sắc sảo, dẫn chứng bằng những thi phẩm nổi tiếng, trong đó có kiệt tác Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.
Có một điều lạ khi Anh Ngọc là nhà thơ “xịn”, đã xuất bản nhiều tập thơ, thơ dịch, truyện ký nhưng tôi chưa thấy ông đưa thơ lên facebook. Thay vào đó, ông thường bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Trịnh Công Sơn và niềm say mê mãnh liệt của ông đối với nhạc Trịnh.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (TP Hồ Chí Minh) thường đăng những hình ảnh vui lên facebook. Thỉnh thoảng, ông post một phóng sự nổi tiếng của mình. Mỗi khi có dịp đọc lại tác phẩm của ông, dân “ghiền” phóng sự vẫn thích mê.
Muốn đọc thơ thì vào “nhà” của nhà thơ - nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên (TP Hồ Chí Minh). Cây bút kỳ cựu với những phóng sự điều tra gây chấn động thường chia sẻ trên facebook những bài thơ nhẹ nhàng, đầy ắp yêu thương và nỗi buồn (nếu có) cũng trong ngần.
“…Ta đi về phía núi
Để ru tình non cao
Đắm mình trong biển cả
Hẹn thề cùng trăng sao
Ta hỏi em về gió
Về tình và về đời
Em cười vang trong nắng:
“Tin em nào, ông ơi!”
Và ta tin như thể
Môi thắm miếng trầu say
Nào biết đời bạc vậy
Ta một mình mắt cay!...”
Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp dường như chưa bao giờ đưa các tác phẩm văn học dịch của ông lên mạng xã hội. Thay vào đó, ông chia sẻ những tác phẩm hội họa của các họa sĩ nổi tiếng, những bức tranh phong cảnh nước Nga và quê nhà do ông vẽ bằng niềm đam mê. Hình ảnh về những chuyến đi đó đây, những hoạt động văn hóa văn nghệ cũng được nhà văn người Phú Yên cập nhật thường xuyên. Gần đây, ông chia sẻ với bạn bè facebook loạt ký sự Chuyện đời trên đất Thái.
Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo cũng thường đăng các tác phẩm của anh lên facebook, song song với việc cập nhật hình ảnh mình và cô con gái rượu. Còn nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương (TP Hồ Chí Minh) luôn tràn đầy năng lượng với vô số chuyến đi “lên rừng xuống biển” hầu khắp dải đất hình chữ S, thể hiện qua những hình ảnh rất đẹp của chị trên facebook. Qua mạng xã hội, chị tranh thủ giới thiệu đứa con tinh thần mới nhất của mình và được đông đảo bạn bè đón nhận.
Nhạc sĩ Ngọc Quang thường đưa lên facebook các ca khúc mới của mình. Loạt ca khúc về biển đảo ra đời và lên mạng khi biển Đông “dậy sóng” đã thu hút rất đông người nghe, chia sẻ, bình luận. Ca khúc mới nhất mà nhạc sĩ Ngọc Quang đưa lên facebook - Phật tại tâm (phối khí: Xuân Huy, thể hiện: ca sĩ Thanh Huệ) thu hút hơn 116.000 lượt xem…
NƠI KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
Không chỉ kết nối bạn bè, một số văn nghệ sĩ, nhà báo còn dùng facebook để kết nối những tấm lòng nhân ái. Vào tháng 7/2015, nhà thơ - nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên ra mắt tập thơ Ru cho một thuở... Ông phát hành tập thơ này nhằm giúp đỡ nhà báo Lê Quang đang lâm trọng bệnh, phải ngồi xe lăn. Ông viết trên trang cá nhân facebook: “Để chung tay góp sức đỡ đần một phần gánh nặng hiện nay của vợ chồng anh Lê Quang, rất mong quý vị và các bạn sẽ ủng hộ bằng cách đăng ký mua tập thơ Ru cho một thuở… với giá bìa như sau: Bìa mềm: 65.000 đồng. Bìa cứng: 85.000 đồng. (Để số tiền ủng hộ cho vợ chồng anh Lê Quang được khá hơn, chúng tôi mong các bạn ủng hộ thêm chi phí vận chuyển sách đến tận địa chỉ của quý vị và các bạn - khoản phí ấy không quy định, tùy hỉ quý vị). Sau khi nhận được tiền, ban tổ chức sẽ chuyển tập thơ Ru cho một thuở… với chữ ký và 4 câu thơ của tác giả tặng riêng - gửi đến tận nơi cho quý vị và các bạn”.
Tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên đã được đông đảo bạn bè trên facebook hưởng ứng. Nhiều người chuyển từ 500.000 đến 1 triệu đồng để mua tập thơ này. Danh sách các cá nhân chia sẻ, ủng hộ được cập nhật đều đặn trên face. Với sự tiếp sức của Quỹ Tình thơ và bạn bè, nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên đã huy động được một số tiền đáng kể giúp vợ chồng nhà báo Lê Quang.
Qua facebook, nhà báo Hoàng Anh Sướng (Hà Nội) kêu gọi bạn bè cùng ông giúp đỡ các bệnh nhi nghèo đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Và ông đã huy động được gần 100 triệu đồng, cùng bạn bè đến trao cho gia đình các em nhỏ.
Mạng xã hội cũng là “cầu nối” hữu hiệu để Lê Thoại Kỳ - một thanh niên giàu nghị lực, đang làm việc tại Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên, chủ nhiệm chương trình Đom đóm Phú Yên thắp sáng tương lai (Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Phú Yên) - huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó.
Bỏ qua những ồn ào thị phi, những chiêu đánh bóng bản thân, câu like một cách “rẻ tiền”, những trò lừa đảo mới và không mới, facebook thu hẹp thế giới rộng lớn và đưa những con người đang bận rộn ở các đô thị đến gần nhau.
YÊN LAN