Lần đầu tiên đến Phú Yên theo tiếng gọi của tình bạn, nhạc sĩ Trương Quý Hải và nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân đã truyền lửa đam mê cho sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung, trong đêm giao lưu âm nhạc thú vị và nhiều cung bậc cảm xúc.
TRẢI LÒNG TRONG TÁC PHẨM ÂM NHẠC
Mở đầu chương trình giao lưu âm nhạc được Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung tổ chức vào tối 31/10, nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ: “Lần đầu tiên đặt chân đến Phú Yên, tôi thấy bên trái là biển, bên phải là núi, ở giữa là những cánh đồng, những ngôi nhà, và đặc biệt là những cánh cò đi lại rất bình yên. Đây là mảnh đất tươi đẹp. Và ấn tượng trên hết là tình cảm của những người bạn một thời, đang làm việc tại Phú Yên, dành cho tôi”.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải tốt nghiệp đại học Mỏ - Địa chất, đại học Kinh tế quốc dân, có một thời gian làm cán bộ Đoàn và đang làm việc tại Tập đoàn FPT. Về cơ duyên đưa một kỹ sư Mỏ - Địa chất đến với âm nhạc, anh nói: “Nghề chọn người. Cuộc đời tôi có những ngã rẽ bất ngờ. May mắn là những lần thay đổi đó đều đem lại cho mình những cảm xúc. Và bây giờ thì âm nhạc “cho” mình đi theo, rất may mắn là những điều mình đã làm được đón nhận ít nhiều. Đó là phần thưởng xứng đáng nhất”.
Nhắc đến nhạc sĩ Trương Quý Hải, người yêu nhạc nghĩ ngay đến ca khúc nổi tiếng Hà Nội mùa vắng những cơn mưa phổ thơ Bùi Thanh Tuấn. Bài hát này nhắc lại một kỷ niệm của anh với Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Khi đó anh Trương Quý Hải làm Phó bí thư Đoàn Trường đại học Kinh tế Quốc dân, còn anh Vũ Ngọc Anh làm Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội. “Trong một lần đi công tác ở TP Hồ Chí Minh, tôi gặp anh Bùi Thanh Tuấn. Tại buổi giao lưu với sinh viên, anh Tuấn nói sẽ tặng các anh chị đến từ Hà Nội một bài thơ về Hà Nội, dù anh chưa từng ra Hà Nội, chỉ nghe qua những lời kể. Tôi mượn cây đàn guitar đệm cho Tuấn đọc thơ. Ngay câu đầu tiên, tôi thấy giai điệu đã vang lên. Sau khi Tuấn đọc xong, tôi thay mặt anh em Hà Nội, nói “liều”: Đội Hà Nội sẽ tặng lại các bạn TP Hồ Chí Minh bài hát này. Chiều hôm đó, tôi phổ nhạc bài thơ của Bùi Thanh Tuấn, rất nhanh thôi, trong khoảng nửa tiếng. Và buổi tối thì bài hát vang lên. Tôi đệm đàn cho Tuấn hát. Tuấn chính là người đầu tiên hát bài này. Cả hai anh em không ngờ về sau bài hát này có một đời sống như vậy. Về điều này, tôi phải cảm ơn tất cả các thầy cô và các bạn sinh viên, chính các bạn là những người nuôi dưỡng tác phẩm, còn tôi chỉ là người mang nó đến cho mọi người” - nhạc sĩ nói.
Không khí đêm giao lưu lắng xuống xúc động khi nhạc sĩ bồi hồi nhắc lại kỷ niệm hơn 30 năm trước, vào mùa hè 1984. Thời điểm đó anh là người lính của Sư đoàn 356, cùng đồng đội nhận lệnh hành quân sang Hà Giang đánh chiếm lại những điểm cao bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Trận đánh đầu tiên khốc liệt trên điểm cao 772, sư đoàn chịu tổn thất, thương vong rất lớn. 30 năm sau trận đánh, bài hát Về đây đồng đội ơi ra đời, khi những người lính tham gia trận đánh trên điểm cao 772 trở lại chiến trường xưa, gọi đồng đội trở về - những người mà xương thịt đã hóa thành đất biên cương, những người mãi mãi tuổi 20, hy sinh khi đang ở vị trí chiến đấu, dành tuổi trẻ của mình cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn/ Hà Giang đã ngừng chiến trận/ Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn, đài hương 468 ta hội quân/ Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào, được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình…”.
TRUYỀN LỬA ĐAM MÊ
Là nghệ sĩ thuộc thế hệ 8X, Đinh Hoài Xuân “kết duyên” với âm nhạc từ rất sớm và gắn bó với cây đàn cello - một nhạc cụ không phổ biến ở Việt Nam. Chị nhớ lại: “Lúc Hoài Xuân còn bé tí, lần đầu tiên nhìn thấy cây đàn cello là yêu luôn, nghĩ tại sao có một cây đàn rất đẹp và âm thanh lại quyến rũ như thế? Thế là học ngay. Lúc đó Xuân đã chơi được piano, organ và giutar một chút rồi. Xuân quyết định chuyển sang học đàn cello và càng ngày càng yêu. Cello là cây đàn định mệnh của đời mình, không có một lý do nào mà mình từ bỏ nó”.
Được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, nghệ sĩ - thạc sĩ Đinh Hoài Xuân không tham gia dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, cũng không dạy nhạc mà quyết định đi theo niềm đam mê của mình: dùng tiếng đàn cello chuyển tải những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian của các nhạc sĩ nổi tiếng: Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Nguyễn Văn Thương, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Anh Bằng…, để tiếng đàn cello trở nên gần gũi hơn với những người yêu nhạc đại chúng. Chị nói: “Những tác phẩm âm nhạc đã đi vào lòng công chúng có sức sống vô cùng mãnh liệt. Trước khi thể hiện một tác phẩm nào đó, Xuân đều tìm hiểu kỹ xem liệu với tác phẩm này, cây đàn cello có dễ dàng truyền tải được cảm xúc. Xuân sẽ làm những việc như thế trong tương lai, cố gắng truyền tải tất cả tình cảm của trái tim vào tiếng đàn”.
Trong buổi giao lưu, khán giả thưởng thức một số tiết mục độc tấu cello rất ấn tượng của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân. Chị cũng rất nhiệt tình đệm đàn cho sinh viên hát. Và chị nhắn nhủ với sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung: “Nếu các bạn có niềm đam mê thì đừng bao giờ từ bỏ, hãy cố gắng theo đuổi đến cùng!”.
Trong chương trình còn có sự xuất hiện của ca sĩ Việt Anh đến từ Hà Nội. Chị hát hai ca khúc: Người con gái sông La và Tiếng đàn Ta-lư. Không khí buổi giao lưu càng trở nên sôi động khi đồng chí Lê Văn Trúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh lên sân khấu cảm ơn các nghệ sĩ và hát bài Tiếng hát đầu mùa của nhạc sĩ Tố Hải, như một lời mời các nghệ sĩ và bạn bè về với mảnh đất Phú Yên; khi Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Ngọc Anh song ca cùng nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân bài Lời của gió và sinh viên hát cùng các nghệ sĩ.
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Ngọc Anh, chương trình giao lưu nhằm truyền lửa đam mê âm nhạc cho sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung, đặc biệt là sinh viên Khoa Kiến trúc. Khép lại buổi giao lưu, ngọn lửa đam mê đã lan tỏa đến các sinh viên.
YÊN LAN