Ngay sau khi kết thúc đêm diễn ở Hà Tĩnh, các nghệ sĩ, diễn viên… Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội) đi ô tô xuyên đêm đến Phú Yên. Vừa tới nơi, chưa vơi mệt nhọc sau chặng đường dài, họ hối hả chuẩn bị cho đêm diễn tại Nhà Văn hóa Diên Hồng, mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI thành công.
Phóng viên Báo Phú Yên đã phỏng vấn nghệ sĩ ưu tú Thế Sơn - người chỉ huy biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - xoay quanh chuyến biểu diễn đặc biệt này.
* Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi cùng các nghệ sĩ, diễn viên... Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đi một quãng đường dài để đến Phú Yên biểu diễn mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI?
- Tôi cũng như anh em nghệ sĩ ở Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đều rất phấn khởi, lâu rồi mới có thời điểm và điều kiện biểu diễn phục vụ đồng bào ở các tỉnh, thành trong nước. Trước khi đến với khán giả Phú Yên, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã biểu diễn mừng thành công đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Hà Tĩnh.
* Đã bao lâu rồi, các nghệ sĩ ở Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long mới trở lại với khán giả Phú Yên, thưa anh?
- Cách đây hơn 4 năm, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã đến Phú Yên, tham gia liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp do Phú Yên đăng cai tổ chức. Lần này trở lại, tôi thấy Phú Yên thay đổi rất nhanh. Ngày trước, tôi là người tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật ra mắt Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển - tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển bây giờ, sau khi Phú Yên tái lập tỉnh và đoàn được thành lập. Từ rất lâu rồi, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển có sự gắn kết về tình đồng nghiệp, tình anh em.
* Anh cảm nhận như thế nào về lao động nghệ thuật của các đồng nghiệp, anh em ở Phú Yên?
- Tôi rất mừng khi thấy Sao Biển đã đi một bước rất dài trên con đường chuyên nghiệp. Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển bây giờ là một đơn vị nghệ thuật tạo được tiếng vang đối với khán giả cả nước và rất “nặng ký” trong bất kỳ hội diễn nào.
* Hà Nội là cái nôi văn hóa nghệ thuật nhưng TP Hồ Chí Minh mới là “mảnh đất tốt” để nghệ thuật đến với công chúng, để các nghệ sĩ làm nghề. Hiện nay, không chỉ những đoàn ngoài công lập mà các đơn vị nghệ thuật của Nhà nước cũng gặp rất nhiều thử thách trên con đường phát triển. Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã làm thế nào để khẳng định vị trí của mình?
- Lâu nay, ngoài việc biểu diễn phục vụ chính trị, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cũng như các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội đều có những chương trình biểu diễn ở các tỉnh, thành. Trước đây, chúng tôi đi rất nhiều. Bây giờ, để tổ chức một đêm diễn bán vé cần rất nhiều thời gian và sự đóng góp của các đơn vị bạn. Chúng tôi vẫn phải mời thêm “ngôi sao”, dàn dựng chương trình công phu hơn thì mới có thể tiến ra thị trường mới như bây giờ.
* Nếu không có “ngôi sao” thì sao, thưa anh?
- Đôi khi cũng không hẳn có “ngôi sao” thì chương trình mới hút khách, vì sự cảm thụ nghệ thuật của khán giả bây giờ đã rất cao. Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long từng làm những chương trình không có “ngôi sao” nhưng vẫn thành công.
* Xin cảm ơn anh!
QUỲNH NHƯ (thực hiện)