“Cơn sốt” mang tên Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gắn với hai tiếng “Phú Yên” chưa “hạ nhiệt”, khán giả điện ảnh thêm một lần ngỡ ngàng, khi những hình ảnh tuyệt đẹp ở Tràng An, vịnh Hạ Long, hang Én xuất hiện trong bộ phim “bom tấn” Pan và vùng đất Neverland.
Vẻ đẹp ngẩn ngơ của Tràng An trong phim “Pan và vùng đất Neverland” - Nguồn: VNN |
Không một dòng thông tin nào về cảnh quay ở Việt Nam bị “rò rỉ” trước khi hãng Warner Bros tung trailer phim. Ngày 9/10, Pan và vùng đất Neverland “đến” Việt Nam. Khán giả ngẩn ngơ khi nhân vật Tiger Lily ngồi giữa mây nước Hạ Long, Peter Pan đi vào hang Én ở Quảng Bình - hang động lớn thứ ba trên thế giới, và khi “bức tranh” cánh đồng xanh ngát với một dòng sông uốn lượn trôi về phía điệp trùng núi đá vôi ở Tràng An (Ninh Bình) hiện lên trên màn ảnh. Non nước Việt đẹp biết nhường nào!
Lúc này, một câu hỏi không mới lại được xới lên, về “cái bắt tay” giữa hai ngành: Điện ảnh và Du lịch.
Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của điện ảnh đối với du lịch đã được minh chứng từ Đông sang Tây. Quần đảo Phi Phi ở Phuket (Thái Lan) vốn không mấy người biết đến, cho đến khi Tom Cruise và ê kíp làm phim Nhiệm vụ bất khả thi đến đây đặt máy quay. Phim ra mắt khán giả, quần đảo Phi Phi nhanh chóng nổi tiếng, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách nước ngoài. Không chỉ Phi Phi, Phuket còn có một hòn đảo khác nhờ điện ảnh mà trở nên nổi tiếng, đó là Koh Tabu, sau này được gọi là đảo James Bond bởi một lý do đơn giản: Vào năm 1974, “Điệp viên 007” đã đến đây, diễn xuất ở đây, trong tập phim The Man with the golden gun. Xa hơn chút nữa, vào năm 1957, bộ phim The Bridge on the river Kwai về Thế chiến thứ hai của đạo diễn lừng danh David Lean ra đời, đoạt 7 giải Oscar và đưa cây cầu trên sông Kwai “đến với thế giới”. Bộ phim kinh điển này sau đó được chọn để bảo quản tại Viện Lưu trữ phim quốc gia Hoa Kỳ, còn cầu Kwai trở thành điểm du lịch nổi tiếng trên đất Thái.
Tại New Zealand, bộ phim Chúa tể những chiếc nhẫn đã “giúp” tăng lượng khách du lịch từ 1,6 lên 2 triệu người trong 3 năm. Tại Ấn Độ, các khu ổ chuột - nơi được chọn làm bối cảnh của phim Triệu phú khu ổ chuột - nhanh chóng trở thành điểm du lịch nổi tiếng, sau khi phim đoạt tượng vàng Oscar năm 2009. Còn tại Hàn Quốc, những bộ phim truyền hình đình đám: Nàng Dae Jang Geum, Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông, Nấc thang thiên đường… đã quảng bá cực tốt cho đảo Jeju, công viên Lotte World, bến phà Abai, đảo Nami… Những địa danh trên trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến xứ Hàn.
Những nơi có phong cảnh tuyệt đẹp ở Việt Nam cũng đã xuất hiện trên màn ảnh rộng khiến khán giả trầm trồ: Vịnh Hạ Long trong Đông Dương - phim đoạt giải Oscar năm 2013; Tràng An đẹp ngỡ ngàng trong Thiên mệnh anh hùng - phim đoạt giải Cánh diều vàng năm 2012; phố núi Sa Pa (Lào Cai), Mũi Né (Bình Thuận), phố cổ Hội An (Quảng Nam), thành phố hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) làm khán giả ngẩn ngơ khi xem Ngọc Viễn Đông… Tuy nhiên, trên khắp dải đất hình chữ S vẫn còn rất nhiều nơi tuyệt đẹp chưa được nhiều người biết đến và rất cần quảng bá, mà con đường nhanh nhất, có sức lan tỏa mạnh nhất là phim ảnh. Vì vậy, cần lắm “cái bắt tay” thật chặt của hai ngành: Điện ảnh và Du lịch, để đánh thức những “nàng công chúa đang ngủ trong rừng”.
Theo ông Michael Lake - người có nhiều kinh nghiệm làm phim ở Mỹ và Úc với nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, đang có xu hướng chọn châu Á để làm phim thay vì 60% ở Mỹ. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam, nếu chúng ta biết nắm bắt và tạo môi trường thuận lợi cho các đoàn làm phim quốc tế.
VIỆT PHƯƠNG