17 thí sinh đại diện cho hơn 10.000 nữ cán bộ, nhà giáo của Phú Yên vừa thể hiện vẻ đẹp hình thể, trí tuệ tại Hội thi Nữ duyên dáng, tài năng ngành Giáo dục lần thứ II năm 2015. Không chỉ mang đến cho khán giả những phần trình diễn đầy màu sắc, ứng xử thông minh, qua hội thi, các nữ nhà giáo đã góp phần nâng cao vị thế của mình trong xã hội.
DẤU ẤN TRONG MỖI PHẦN THI
Do có sự tuyển chọn kỹ từ cơ sở, sự chuẩn bị và đầu tư công phu cả về nội dung, hình thức nên 17 thí sinh đã mang đến cho đêm chung kết Hội thi Nữ duyên dáng, tài năng ngành Giáo dục không khí sôi động và hào hứng. Trong phần thi biểu diễn trang phục áo dài truyền thống, với những bộ trang phục được thiết kế tinh tế, trang nhã, các thí sinh trình diễn duyên dáng, uyển chuyển, thể hiện được cái hồn người Việt. Với chiếc áo dài in hình bản đồ chữ S đất nước Việt Nam của thí sinh Nguyễn Thị Kim Bậu (Trường THPT Nguyễn Văn Linh, huyện Đông Hòa), hay chiếc áo dài truyền thống vẽ hình núi Nhạn, sông Đà mang đậm màu sắc quê hương Phú Yên của thí sinh Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường phổ thông Duy Tân, TP Tuy Hòa)… đã thu hút rất nhiều khán giả.
Trong phần thi trang phục tự chọn, khán giả bị cuốn hút bởi vẻ đẹp quý phái, sang trọng, nhưng không kém phần duyên dáng, quyến rũ của các nữ nhà giáo. Hầu hết các thí sinh đều chọn trang phục là váy dạ hội, được thiết kế với màu sắc tươi tắn, ôm trọn vóc dáng để làm nổi lên vẻ đẹp hình thể của mình.
Tuy nhiên, đem lại nhiều ấn tượng nhất cho người xem có lẽ là phần thi năng khiếu. Ở phần thi này, nhiều thí sinh đã phô diễn được nét đẹp mềm mại, uyển chuyển của người phụ nữ thông qua những tiết mục múa được tập luyện công phu. Với tiết mục múa “Thiếu nữ trong trăng”, thí sinh Nguyễn Thị Lộc Thọ (Trường mầm non Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) khiến người xem “ngẩn ngơ” bởi kỹ thuật biểu diễn điêu luyện cùng những động tác khó. Tiết mục múa “Vũ khúc Sam Ba” của thí sinh Nguyễn Thị Thu Thảo (Trường tiểu học Xuân Phước 2, huyện Đồng Xuân) tạo được thiện cảm bởi tiết tấu vui tươi, vũ điệu sôi động và sự phối hợp biểu diễn tốt giữa cô giáo và các học trò xinh xắn. Trong khi đó, tiếng hát truyền cảm của cô giáo Phạm Thị Ngọc Anh (Trường THCS Hòa An, huyện Phú Hòa) trong “Ngẫu hứng sông Hồng” cũng đã neo lại những cảm xúc tốt đẹp nơi khán giả. Trong khi phần lớn các thí sinh thể hiện năng khiếu hát, múa, vẽ tranh, kể chuyện thì cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường phổ thông Duy Tân) đã chọn biểu diễn võ thuật để thể hiện vẻ đẹp mạnh mẽ, khí phách của một tâm hồn Việt “văn võ song toàn”.
TÔ ĐẸP HÌNH ẢNH NỮ NHÀ GIÁO
Theo TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, đây là lần thứ hai Hội thi Nữ duyên dáng, tài năng ngành Giáo dục được tổ chức. Từ tháng 5/2015, các cấp cơ sở đã sôi nổi tổ chức hội thi để tạo không khí thi đua trong đội ngũ nữ nhà giáo. Thí sinh tham gia hội thi khá đa đạng, có những giáo viên mới ra trường, tuổi đời rất trẻ, nhưng cũng có những thí sinh đã gắn bó với nghề giáo hơn 20 năm. Tuy nhiên, các nữ nhà giáo này đều là những cán bộ, giáo viên, nhân viên giỏi, được công nhận chiến sĩ thi đua các cấp, có tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng. TS Cường nhận xét: “Tôi đánh giá cao các thí sinh tham gia hội thi lần này. Họ là những đóa hoa sáng trên bục giảng và cả trong cuộc sống đời thường. Mặc dù yêu cầu của cuộc thi khá cao nhưng các thí sinh đều hoàn thành tốt và tỏ ra khá chuyên nghiệp”.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Phú Yên, chia sẻ: “Hội thi nhằm mục đích tôn vinh vẻ đẹp, tài năng, kỹ năng ứng xử trong công việc và cuộc sống của nữ công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời, hội thi cũng nhằm khích lệ các nữ nhà giáo hoàn thiện những phẩm chất, chuẩn mực, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy truyền thống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Các nữ giáo viên ngày nay cũng đã biết quan tâm trau chuốt cả về vẻ đẹp hình thể lẫn nhân cách để làm “sáng” hơn hình ảnh và vị thế của mình trong mắt mọi người”.
Sau ba vòng thi, ban tổ chức đã chọn 6 gương mặt sáng giá nhất để bước vào phần thi ứng xử. Không chỉ thể hiện sự thông minh, sắc sảo trong từng tình huống trả lời, các thí sinh còn thể hiện được bản lĩnh, khả năng tư duy ứng xử nhạy bén và kiến thức gia đình, xã hội phong phú. Với việc trả lời sắc sảo câu hỏi “Các chuẩn mực “Công, dung, ngôn, hạnh” ngày nay cần thay đổi như thế nào để phù hợp với cuộc sống hiện đại”, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hiền được ban giám khảo trao giải nhất phần thi ứng xử và giải cao nhất của hội thi lần này. |
HÀ MY