Vẻ ngoài không chải chuốt, cũng không “bụi bặm” theo kiểu nghệ sĩ, gương mặt phảng phất buồn. Giọng hát trầm và ấm, như có sức mạnh ẩn giấu bên trong. Sự tinh tế, sự từng trải và nỗi buồn cũng phảng phất trong giọng hát ấy. Giọng hát gắn liền với những ca khúc vượt thời gian của các nhạc sĩ tài hoa: Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Nguyễn Ánh 9… và làm nên tên tuổi ca sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Đức Long.
Ca sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Đức Long giao lưu với khán giả Phú Yên, trong đêm nhạc chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam - Ảnh: Y.LAN |
Mồ côi cha mẹ từ lúc 8 tuổi, trải qua tuổi thơ đầy vất vả, từng phải đóng gạch thuê, kéo xe bò, khuân vác… để mưu sinh, dường như Nghệ sĩ ưu tú Đức Long chịu nhiều thử thách của số phận. Nhưng bên cạnh những cô đơn, mất mát trong cuộc đời, anh được bù đắp bằng âm nhạc. Chính âm nhạc đã đưa một công nhân có giọng hát trời cho ở đất mỏ Quảng Ninh đến với Đoàn Nghệ thuật Phòng không - Không quân, sau đó về Đoàn Ca múa nhạc Việt Nam và gắn bó lâu dài.
40 năm hoạt động âm nhạc, 25 năm tham gia giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, có thể nói ca sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Đức Long đã đi suốt một đời bằng niềm đam mê của mình.
* Tên anh gắn liền với nhiều nhạc phẩm tiền chiến vượt thời gian - những ca khúc đòi hỏi sự tinh tế và cả trải nghiệm khi thể hiện. Anh có thể chia sẻ bí quyết để tiếng hát của mình chạm đến trái tim khán giả?
- Đối với một người hoạt động âm nhạc, khi thể hiện bất kỳ tác phẩm nào, dù mới hay cũ, nghệ sĩ phải “sống” trong tác phẩm và điều quan trọng là tôn trọng khán giả - những người đang nhìn vào mình, trông chờ mình mang đến cho họ một cảm xúc nào đó.
Tôi không có bí quyết, kỹ năng gì lớn. Điều quan trọng là tôi lao động hết mình. Nếu tôi không phải là nghệ sĩ mà làm công việc khác, chỉ là một người quét rác bên đường thì tôi cũng phải làm việc nghiêm túc, quét thật sạch để người dân ở đó yêu mến tôi.
Chưa cần biết giọng hát của mình hôm nay tốt hay khê nồng, nhưng trước khán giả thì tôi phải lao động hết mình.
* Dòng nhạc thính phòng có những đòi hỏi khắt khe, cần sự khổ luyện và cũng rất kén khán giả. Là một người thầy dạy nhạc thính phòng, anh tìm thấy niềm vui ở đâu, thưa anh?
- Nhạc thính phòng đúng là kén khán giả, nhưng hiện nay, chúng tôi hát thính phòng gần với khán giả. Đây cũng là điều mà chúng tôi hướng cho sinh viên. Các em được học những kỹ thuật, kỹ năng… nhưng khi trình bày tác phẩm, hãy quên nó đi để đưa tác phẩm thính phòng đến gần với khán giả và chỉ thực hiện một số “bước nhảy khó” giống như vận động viên. Và điều quan trọng là hát thể loại nhạc nào cũng phải
rõ ràng từng câu từng chữ, từng dấu lặng. Khi đó, chắc chắn khán giả sẽ yêu mến những nghệ sĩ hát nhạc mang âm hưởng thính phòng.
* Anh cảm nhận như thế nào về sức lan tỏa của nhạc thính phòng ở Việt Nam hiện nay?
- Đó là một quá trình. Sau giải phóng, âm nhạc thính phòng mới dần được vực lại để chúng ta hội nhập với quốc tế. Rất đáng mừng là ở Việt Nam hiện nay đã có khán giả tìm đến với âm nhạc thính phòng. Chúng ta chưa thể hiện được những tác phẩm lớn, mang sức nặng như ở châu Âu nhưng mình đã biết hát cổ điển thính phòng, người Việt hát cho người Việt nghe, và khán giả đang dần dần tìm đến.
Điều này cũng là do nền giáo dục. Tại sao các trường đại học ở nước ngoài có những dàn hợp xướng hát cổ điển thính phòng rất tốt? Vì họ được trang bị từ nhỏ. Còn ở Việt Nam, đến lớp 12, nhiều em vẫn chưa biết nhạc cổ điển thính phòng là gì. Có những em cũng đèn sách đi thi nhưng không hề biết hát. Nếu như nhạc cổ điển thính phòng được đưa vào trường phổ thông thì các em sẽ có một “số vốn” nho nhỏ, có cơ sở vững vàng để theo đuổi niềm đam mê của mình.
* Trong số các nghệ sĩ trẻ hát nhạc thính phòng hiện nay, giọng ca nào có thể truyền cảm hứng cho anh?
- Rất nhiều, ví dụ như Đào Tố Loan - một giọng ca cổ điển thính phòng rất mượt mà. Trước Tố Loan thì có Lê Anh Dũng - người hát cổ điển thính phòng rất gần gũi với người nghe. Lê Xuân Hảo là một giọng ca thính phòng chiếm được cảm tình của khán giả. Và nổi bật hơn nữa là Vũ Thắng Lợi - giọng ca mà tôi yêu thích nhất.
* Anh nghĩ thế nào về đời sống của các nghệ sĩ hát thính phòng nếu so sánh với các ngôi sao nhạc nhẹ?
- Điều này khó so sánh, tuy nhiên theo tôi, những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp ở các đoàn nhà nước - nói chung là như vậy - cao quý hơn nhiều, vinh dự hơn nhiều. Các em nên tự hào về những điều mà các em đang có, mặc dù đồng lương rất ít, đi phục vụ ở vùng sâu vùng xa có khi hàng tháng trời, mang theo chăn màn, xô chậu và có khi ngủ ở trường học, ngủ cùng nhà với bà con dân bản… Nhưng tôi thấy điều đó rất đáng tự hào vì các bạn mang âm nhạc, mang văn hóa đến với vùng sâu vùng xa.
* Xin cảm ơn anh!
YÊN LAN (thực hiện)