Thứ Hai, 14/10/2024 05:22 SA
Người giữ hồn trống trận Tây Sơn
Chủ Nhật, 04/10/2015 15:00 CH

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận (giữa) cùng các thành viên đội nhạc võ diễn tấu trống trận Tây Sơn - Ảnh: N.LAN

Có dịp đến Tây Sơn (Bình Định), tham quan Bảo tàng Quang Trung, du khách đặc biệt ấn tượng với phần diễn tấu trống trận Tây Sơn. Những âm thanh hùng tráng gắn liền với bao chiến công hiển hách của Tây Sơn tam kiệt được hậu duệ nhà Nguyễn đất Tây Sơn gìn giữ, tái hiện cùng dàn trống 12 chiếc. Giữ hồn trống trận là một phụ nữ ngoài 50 tuổi - nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận.

 

Đôi tay thoăn thoắt lướt trên dàn trống tượng trưng thập nhị địa chi, gương mặt biểu cảm theo từng giai điệu trống trận, nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận như đang hóa thân thành một nghĩa quân Tây Sơn hăm hở xuất quân, quyết liệt vây thành, hạ thành. Tiếng trống lúc khoan lúc dồn dập, nghe có tiếng quân reo ngựa hí, tiếng giáo gươm khua, cả tiếng của những khẩu thần công… Người dân đất võ nói rằng, hào khí Tây Sơn thể hiện trong bài trống trận lừng danh đó.

 

Là con gái cụ Nguyễn Đào - một thành viên trong ban nghi lễ ở đền Kiên Mỹ thờ Tây Sơn tam kiệt, từ nhỏ, bà Thuận đã yêu thích nhạc lễ. Đặc biệt, vào dịp mùng 5 tết, bà say mê xem cha diễn tấu trống trận Tây Sơn. Bà nghe cha kể rằng, sinh thời, người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ rất thích tuồng, trống trận và thường sử dụng trong các dịp lễ, đặc biệt là dùng trống trận khi đưa quân xuất trận, cổ vũ ba quân. Tiếng trống trận là một “vũ khí” thần diệu, gắn liền với những chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn. Tiếng trống đầy tự hào của tiền nhân dần “thấm” vào tâm hồn cô bé Nguyễn Thị Thuận. Lên 8 tuổi, bà Thuận rụt rè làm quen với dàn trống trận và được cha truyền dạy bằng tất cả tâm huyết, với mong muốn tiếng trống thể hiện hào khí Tây Sơn không bị thất truyền. Đến năm 10 tuổi, bà Thuận đã có thể diễn tấu trống trận. Và những âm thanh hùng tráng, thúc giục lòng người này đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của bà.

 

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận cho biết, bài trống trận Tây Sơn gồm 3 hồi: xuất quân, hãm thành và khải hoàn mừng chiến thắng. Ở hồi xuất quân, tiếng trống thể hiện việc chuẩn bị binh khí, tập hợp nghĩa quân, chuẩn bị lên đường, tiết tấu chậm. Đến hồi hãm thành, tiếng trống trở nên dồn dập, thể hiện tiếng ngựa phi, tiếng gươm đao… Đây chính là cao trào, cũng là phần khó thể hiện nhất của bài trống trận, trước khi đến với hồi khải hoàn mừng chiến thắng.

 

“ Phải nhập tâm khi đánh 12 trống, thể hiện được cái hồn ở từng hồi của bài trống” - bà Thuận chia sẻ một cách giản dị về “bí quyết nghề nghiệp” của mình. Và suy cho cùng, chẳng có gì là bí quyết cả, chỉ có niềm ngưỡng vọng tiền nhân và ý thức giữ gìn tiếng trống trận của nghĩa quân Tây Sơn.

 

Theo một số tài liệu, sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, tiếng trống trận không còn vang lên trên đất võ cho đến sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1977, bà Thuận biểu diễn trống trận Tây Sơn tại hội thi văn nghệ quần chúng ở địa phương và được chọn đi thi tại tỉnh Khánh Hòa. Sau khi Bảo tàng Quang Trung được thành lập, nhạc võ Tây Sơn được phục dựng, năm 1980, bà Thuận trở thành thành viên đội nhạc võ của bảo tàng từ đó đến nay. Con gái út của bà - Dương Thị Hương - cũng là thành viên đội nhạc võ và tiếp bước mẹ diễn tấu trống trận.

 

Trống trận Tây Sơn - một biểu tượng văn hóa của đất võ Bình Định - đã được hậu duệ nhà Nguyễn đất Tây Sơn gìn giữ một cách giản dị và tâm huyết như thế.

 

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek