Gắn bó với dân ca bài chòi từ phong trào văn nghệ, từng là diễn viên Đoàn Văn công tỉnh Quảng Ngãi, Đoàn Ca kịch Nghĩa Bình trước khi bước ngoặt cuộc đời khiến chị chia tay với sân khấu chuyên nghiệp, Trần Thị Mỹ Lệ vẫn luôn say đắm những câu hò điệu hát được trao truyền qua bao đời.
Chị Trần Thị Mỹ Lệ hát “Cung oán ngâm khúc - Tình duyên cung oán” với hai diễn viên phụ diễn trong đêm chung kết - Ảnh: CTV |
Vượt đường xa từ Quảng Ngãi vào Phú Yên tham gia Liên hoan Dân ca Bài chòi lần thứ III năm 2015 do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức, chị đoạt giải nhất ở thể loại đơn ca, nhóm tuổi từ 46 trở lên.
* Thưa chị, lần đầu tiên tham gia Liên hoan Dân ca Bài chòi và đoạt giải nhất, cảm xúc của chị thế nào?
- Tôi rất đam mê bộ môn này nên dù đã có tuổi vẫn luôn ước ao có phong trào, có điều kiện là tham gia. Tôi đi chuyến này là để góp phần hỗ trợ các em nhỏ tiếp cận bộ môn này, để các em hiểu được cái hay của dân ca bài chòi. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình đã lớn tuổi mà hát mọi người vẫn còn “nghe được”.
* Vì sao chị chọn hát “Cung oán ngâm khúc - Tình duyên cung oán” trong đêm chung kết?
- Hai bài này hồi trước do cô Lệ Thi hát. Cô ấy là người thầy, là thần tượng của tôi. Trong đêm chung kết, tôi hát Cung oán ngâm khúc - Tình duyên cung oán vừa để tri ân cô Lệ Thi, vừa “khoe” với khán giả rằng các làn điệu dân ca bài chòi rất phong phú. Sau này nếu có dịp, chúng tôi tiếp tục “khoe” những làn điệu hay, khán giả sẽ thấy rằng dân ca ở Nam Trung Bộ không hề thua kém dân ca ở các khu vực khác.
* Qua nhiều năm hoạt động nghệ thuật và đã cùng chồng - ông Trịnh Công Sơn - thành lập Trung tâm Bảo tồn - Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi - Hát hố tỉnh Quảng Ngãi, theo chị, làm thế nào để lớp trẻ yêu thích dân ca bài chòi?
- Dạy bộ môn này không giống như dạy các em làm toán. Đây là vốn quý dân gian truyền miệng. Mình truyền đạt cho các em, các cháu những gì mình biết, bằng niềm đam mê của mình. Người thầy trước hết phải đam mê, tâm huyết. Con trai tôi, trước kia chưa bao giờ “đụng” đến dân ca bài chòi, nhưng rồi đã yêu thích và tham gia liên hoan với một tiết mục song ca.
Tôi nghĩ, làm nghệ thuật là làm bằng niềm đam mê, tâm huyết, không thể “cân đo” như làm kinh tế. Dạy các em, các cháu hát và truyền niềm đam mê để các em, các cháu yêu thích dân ca bài chòi cũng là trách nhiệm của mình - trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ vốn quý dân gian.
* Xin cảm ơn chị!
NGỌC LAN (thực hiện)