Những năm gần đây, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là hạt nhân để xây dựng thôn, làng, tổ dân phố, khu phố văn hóa.
Xây dựng gia đình văn hóa chính là giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh và các sở, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cùng chung tay vào cuộc. Việc phát động đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn, cơ quan đơn vị văn hóa được triển khai nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo tính dân chủ từ cơ sở.
Vào dịp kỷ niệm như Ngày Gia đình Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân hàng năm, nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng các gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Công tác xây dựng gia đình văn hóa luôn nhận được sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, tạo thành phong trào sâu rộng. Điển hình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động hội viên thực hiện các phong trào thi đua “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Phụ nữ nông thôn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”; Liên đoàn Lao động tỉnh phát động nữ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; Hội Nông dân các cấp tổ chức cho hội viên đăng ký thực hiện các phong trào thi đua “Phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu”, thi đua xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên, giúp hội viên thực hiện phong trào thi đua với kết quả cao nhất. Hay như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh cũng phát động nhiều phong trào góp phần xây dựng gia đình văn hóa như “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”…
Từ sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng đều ở các lĩnh vực như: xây dựng và giữ gìn nền nếp gia phong, phát triển kinh tế, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xã hội, gia đình hiếu học, nuôi dạy con cháu thành đạt… Qua đó xuất hiện nhiều gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, bình quân tỉ lệ gia đình văn hóa của tỉnh tăng từ 2 đến 3%. Tính bền vững của phong trào xây dựng gia đình văn hóa được nâng lên, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng vững chắc.
Sở VH-TT-DL đang tiếp tục triển khai các mô hình tuyên truyền đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng và nhân rộng câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc… |
ĐỨC THÀNH