Bà Trịnh Thị Hồng (SN 1947 ở khu phố Long Hải Bắc, phường Xuân Yên, TX Sông Cầu) tham gia hát bài chòi từ thuở đôi tám. Với giọng hát “ngọt” trời phú, bà Hồng đã chinh phục trái tim khán giả ở nhiều sân khấu bài chòi trên địa bàn tỉnh.
Tại Liên hoan Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2015 vừa qua, bà Hồng là một trong những diễn viên tiêu biểu tham gia hầu hết các tiết mục biểu diễn cho Đoàn nghệ thuật quần chúng TX Sông Cầu tranh tài. Trích đoạn bài chòi Thoại Khanh - Châu Tuấn do bà Hồng biểu diễn đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Ở đoạn diễn Thoại Khanh cõng mẹ tìm chồng, bà Hồng diễn vai nàng dâu Thoại Khanh. Trên đường cùng mẹ tìm chồng phương xa, người mẹ chồng đã quá già yếu, kiệt sức vì đói, thương mẹ, nàng đã lóc thịt cánh tay nuôi mẹ. Hành động của người con dâu hiếu thảo đã làm rung động biết bao trái tim khán giả. Khán giả hầu như lặng đi để thưởng thức từng câu hát “ngọt”, vang, làn hơi khỏe khoắn của bà Hồng trong trích đoạn bài chòi này. Giọng ca bà Hồng thể hiện vai diễn Thoại Khanh lúc trữ tình tha thiết, lúc cương nghị, mạnh mẽ với các làn điệu xuân nữ, xàng xê, hò quảng thật rành.
Bà Hồng chia sẻ: “Nhà tôi ở ngay làng chài Dân Phước. Năm tôi 16 tuổi, nhiều gánh bài chòi về đây ở lại biểu diễn cả tháng trời. Tôi mê đắm, cứ theo mấy anh, chị diễn viên thuở ấy mà nói chuyện, học hỏi, tập hát. Rồi bà Năm Lý, bầu một gánh hát bài chòi ở Tuy Hòa bảo rằng giọng ca của tôi “nghe sao mà dễ thương quá” nên kêu tôi tham gia gánh hát của bà. Kể từ đấy, tôi theo nghiệp diễn”.
Bà Hồng theo gánh hát bài chòi của bà Năm Lý đi biểu diễn khắp nơi từ thuở ấy. Từ làng biển Dân Phước, Vịnh Hòa, Vũng La (TX Sông Cầu) tới Hòa Thành (huyện Đông Hòa), Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), ra đến Quy Nhơn (Bình Định). Nhưng trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, bà Hồng tạm “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Nặng nợ chồng con, trong một thời gian dài, bà Hồng không thể tham gia hát bài chòi chuyên nghiệp để mưu sinh như thuở thiếu nữ. Nhưng cái tình với bài chòi đã thấm, bà vẫn luôn cố gắng tham gia ở các sân khấu nghệ thuật quần chúng hiện nay do Phòng VH-TT TX Sông Cầu tổ chức vào các dịp lễ tết hay các dịp hội diễn quần chúng.
Bà Hồng nhớ lại lần biểu diễn bài chòi tại lễ công nhận Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Lúc ấy có cả lãnh đạo ngành Văn hóa, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc nổi tiếng của Việt Nam tham dự. Bà Hồng tâm sự: “Các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian rất coi trọng bài chòi cổ. Lần đó, tôi cùng một chị ở huyện Tuy An cũng biểu diễn trích đoạn bài chòi Thoại Khanh - Châu Tuấn. Họ tán thưởng nhiều và còn động viên chúng tôi cố gắng giữ lấy các bản bài chòi cổ. Tôi rất vui vì loại hình nghệ thuật dân gian này được Nhà nước coi trọng và tôn vinh”.
Ngoài Thoại Khanh - Châu Tuấn, hiện bà Hồng vẫn thường xuyên biểu diễn trích đoạn bài chòi: Phạm Công - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương…
Thoáng một chút nghĩ ngợi, bà Hồng tỏ ra cao hứng hô ngay một câu thai chúc mừng bà con trong hội chơi bài chòi: Con xin kính chúc thưa qua/ Chúc ông mạnh giỏi chúc bà bình yên/ Chúc câu thiên tế vạn niên/ Còn cô chú bác con chúc riêng lời này/ Chúc được mạnh chân khỏe tay/ Làm ăn phấn chấn năm nay đắc tài/ Cô dì chúc chữ thới lai/ Bán buôn một vốn được hai lớp lời. Bà Hồng cắt nghĩa thêm đây là câu thai do bà ứng khẩu khi thấy bà con háo hức trong hội bài chòi đầu năm. Trong vai trò chị hiệu, bà Hồng khởi động buổi chơi bằng làn điệu xuân nữ tươi vui, động viên, khích lệ mọi người như thế.
Bà Hồng giải thích: “Cái hay của nghệ thuật bài chòi là ở khả năng ứng tác. Và vai trò của ứng khẩu, ứng tác của anh hiệu, chị hiệu trong các hội bài chòi dân gian là rất quan trọng. Hội bài chòi vui và hấp dẫn hay không là nhờ cả vào họ”. Nhưng thoáng chút suy tư, bà Hồng chia sẻ: “Tôi cũng mong muốn được truyền thụ cho các bạn trẻ yêu mến bài chòi kinh nghiệm và hiểu biết của mình về nghệ thuật bài chòi, đặc biệt là bài chòi cổ. Nhưng mà xem ra vẫn không có mấy bạn trẻ thật sự mộ và mong muốn học hỏi. Đây là điều tôi cảm thấy rất đáng tiếc”.
Tại Liên hoan Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2015, bà Hồng đã xuất sắc vượt qua hơn 100 diễn viên khác đạt giải Diễn viên hát bài chòi hay nhất. Ngoài ra, bà Hồng còn nhận giấy khen, chứng nhận tại nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng khác.
Ông Trương Hoàng Thạch, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trưởng ban giám khảo Liên hoan Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2015, đánh giá: “Chị Trịnh Thị Hồng là giọng ca hiếm có ở Phú Yên hiện nay hát đúng các làn điệu bài chòi cổ. Từ cách lấy hơi đến chuyển điệu, chị làm rất “ngọt”. Tôi cho rằng, các bạn trẻ đam mê bài chòi nên học hỏi những đàn chị đi trước như chị Hồng để loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này của Phú Yên nói riêng, của khu vực Nam Trung Bộ nói chung luôn được bảo tồn và phát huy giá trị trong lòng khán giả yêu âm nhạc”. |
DIỆU ANH