Thứ Năm, 23/01/2025 07:01 SA
Về bài thơ mới nhất trong phong trào Thơ mới
Chủ Nhật, 19/07/2015 14:00 CH

Vợ chồng học giả Phan Khôi - Nguồn: TT&VH

Đầu thập niên 1930, ở Việt Nam diễn ra một cuộc vận động đổi mới thơ ca mạnh mẽ với sự xuất hiện hàng loạt nhà thơ có cá tính sáng tác độc đáo. Cuộc cách tân này đi vào lịch sử văn học với tên gọi phong trào Thơ mới.

 

Phan Khôi sinh ngày 6/10/1887 tại làng Bảo An, xã Điện Quang (Điện Bàn, Quảng Nam). Cha là phó bảng Phan Trân, Tri phủ Diên Khánh; mẹ là bà Hoàng Thị Lệ, con gái Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) Hoàng Diệu. Phan Khôi học chữ Hán từ nhỏ, năm 18 tuổi (1905) đỗ tú tài, sau đó bỏ khoa cử, học chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp và được xem là một học giả, nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà ngữ học, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, dịch giả... Ngày 16/1/1959, tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc, Phan Khôi đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 72 tuổi.

Khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ mới những năm 1932-1945 là đề cao cái tôi cá nhân, cái tôi không làm việc “tải đạo”, cũng không chấp nhận cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt xung quanh nên ý tưởng của họ tiên phong, vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ, thể hiện sự đổi mới của mình thông qua những sáng tác văn học.

 

TỪ DƯ VỊ MỘT CUỘC TÌNH

 

Bài thơ Tình già của Phan Khôi ra đời năm 1932 được xem là “phát súng” đầu tiên báo hiệu, mở đầu phong trào Thơ mới. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Tình già ra đời cách đây hơn 80 năm. Dịp Tết Nhâm Thân 1932, bài báo “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” cùng bài thơ Tình già của học giả Phan Khôi đã được đăng tải trên tờ phụ san tết của Báo Đông Tây ở Hà Nội rồi sau đó trên tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn. Bài báo đã đi vào văn học sử Việt Nam, mở đầu phong trào cải cách thơ ca tiếng Việt ở thời hiện đại. Câu chuyện trong bài thơ diễn ra khi Phan Khôi 21 tuổi. Năm 1908, Phan Khôi bị giam tại nhà ngục Quảng Nam. Người vợ chưa cưới tuyên bố thoái hôn. Tết năm ấy, viên quan coi ngục chọn đưa Phan Khôi về nhà viết câu đối tết, thế là, một cuộc diện kiến giữa chàng trai tù tài hoa với vợ quan cùng trang lứa trẻ đẹp. Bà để ý thương chàng trai. Rồi thư đi tin lại cùng đôi lần gặp gỡ vụng trộm nhưng không thể vượt rào cản. Cuối cùng, nàng ốm và qua đời. Mối tình đẹp và buồn thời trai trẻ trong cảnh ngộ trớ trêu trên không bao giờ phai nhạt trong tâm tưởng Phan Khôi. 24 năm sau, dư vị đắng cay và ngọt ngào của mối tình vụng trộm đó dội về, để rồi, tác giả hoài niệm xuất thần Tình già bất hủ. Tuy vậy, nội dung bài thơ có một chi tiết khác cuộc tình xưa là hai người còn sống, đôi mái đầu đều bạc, họ ngồi ôn chuyện tình cũ rồi xa nhau.

 

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

“Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;

Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”

“Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?

Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!

Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung?”

 Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;

Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi

 

ĐẾN CÁI TÔI HIỆN ĐẠI

 

Trước hết, bài thơ được xem hiện đại ở mặt nội dung. Tình già được Phan Khôi “thiết kế” theo một hướng mới, đó là sự gặp nhau của hai người khác về địa vị xã hội, người phụ nữ quyền quý đã có chồng đem lòng yêu anh thanh niên tù tội. Họ thư từ tin nhận, liều hẹn, vụng trộm gặp như đôi nhân tình nhân ngãi, yêu nhưng sớm nhận ra rằng tình yêu sẽ không đến hồi kết. Trong lần hẹn gặp, họ khuyên“sớm liệu buông nhau”; người kia níu kéo “thương được chừng nào hay chừng nấy”. Thế rồi, “hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau”, hai người chỉ còn cách ôn chuyện cũ, tiễn đưa tiếc nuối và ngoái trông. Tác giả đề cập đến vấn đề riêng tư, không hợp pháp, chủ xướng tự do luyến ái. Đúng như Vũ Ngọc Phan nhận định: “Phan Khôi là nhà văn xuất sắc nhất trong phái nho học. Đó thật là một bất ngờ”.

 

Về hình thức, 10 câu thơ tự do trong bài được sắp xếp thành hai, ba nhịp; các nhịp hiệp với nhau một vần. Trong đó, câu dài nhất 16 âm tiết và một câu ngắn nhất 11 âm tiết. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng linh hoạt 10 dấu phẩy để ngắt nhịp và xuống dòng, 6 dấu chấm than và nhiều dấu chấm phẩy, dấu chấm hỏi, dấu ngoặc kép. Về kết cấu, Tình già được tác giả sắp xếp hai đoạn theo kiểu không cân xứng về bố cục và nội dung. Đoạn trên có 7 câu, là sự hồi tưởng, kỷ niệm về chuyện tình “hai mươi bốn năm xưa” với nhiều nhiều sự kiện theo kiểu đối thoại. Dung lượng đoạn thơ dài nhằm chỉ sự việc diễn ra, có bất trắc, ẩn khuất, nuối tiếc, xót xa. Đoạn hai chuyển tiếp qua câu chuyện 24 năm sau của mối tình trắc ẩn “tình cờ đất khách gặp nhau”. Đây là chi tiết tưởng tượng, đưa câu chuyện đến một mức độ xa hơn. Từ đó, tác giả thể hiện tư tưởng của mình, như một phá cách về định kiến phong kiến. Phan Khôi đã đem ngôn ngữ bình dân vào thơ hiện đại, như một lời hiện đại của cái tôi tuổi trẻ nói về tình yêu.

 

Như vậy, xét về nội dung và hình thức nghệ thuật, Tình già không phải là một bài thơ kiệt tác, thơ viết theo kiểu thơ văn xuôi tự do có vần. Tuy nhiên, vị trí và giá trị của nó được khẳng định tiên phong, mở màn cho phong trào Thơ mới. Sau Tình già, hàng loạt cây bút như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Bàng Bá Lân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… xuất hiện với nhiều thi phẩm tuyệt tác. Và từ đây, Thơ mới mới chính thức song hành cùng với các thể loại văn học khác.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek