Sinh năm 1955 ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), Hồ Thế Hà đi bộ đội sang chiến trường Campuchia (1978-1982) rồi về tiếp tục học đại học. Tốt nghiệp Đại học Huế năm 1985, ông được giữ lại giảng dạy tại trường rồi gắn với mảnh đất cố đô cho đến tận bây giờ. Hiện ông là Phó giáo sư - tiến sĩ giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Phó tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường đại học Khoa học - Đại học Huế.
Nhà thơ Hồ Thế Hà - Ảnh: Đ.T.TRỰC |
Bao thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cả nước biết Hồ Thế Hà là một thầy giáo giỏi chuyên môn, giảng dạy có trách nhiệm, một nhà nghiên cứu khoa học có tư duy lý luận sắc bén. Ngoài ra, ông còn được bạn đọc cả nước chú ý với nhiều tập thơ tài hoa, sắc nét. Đi liền với công việc giảng dạy, nghiên cứu, ông chung tình sống cùng thơ, đều đặn làm thơ, đọc thơ, in thơ. Tính từ năm 1990 đến nay, ông có 5 tập thơ in riêng. Nếu như năm 2013, Hồ Thế Hà in tập Thuyền trăng với quan điểm mỹ học hiện đại hòa trộn nhiều yếu tố cổ điển cùng những chiêm bao mộng mị, được bạn đọc và giới nghiên cứu đánh giá cao thì đầu năm 2015, ông cho ra mắt tập thơ Tơ sương (NXB Văn học) - một thử nghiệm hoàn toàn mới lạ cả về hình thức nghệ thuật đến nội dung biểu đạt, một tư duy hậu hiện đại mà người yêu thơ đương thời vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, ngại ngùng.
Cái đặc biệt của Tơ sương là tập hợp 134 bài thơ ngắn, rất ngắn. Mỗi bài chỉ từ 2 đến 3 câu không đều với khoảng 15 âm tiết.
Bộc bạch lý do thử nghiệm thể thơ mới lạ này, Hồ Thế Hà cho rằng: “Tôi thấy mình không đủ thời gian và tâm thế để tư duy và thể hiện cảm xúc, tâm trạng của mình bằng những bài thơ dài”. Khi viết những bài thơ này, ông “học hỏi từ kiểu tư duy thơ tứ tuyệt/ tuyệt cú của Việt Nam, Trung Hoa và tư duy thơ Bài cú/ Haiku Nhật Bản nhưng không tuân thủ rập khuôn thi pháp thể loại cố định của những thể thơ đó”. Chọn lối thơ này, ông cũng nghĩ “thơ ngắn không phải là thơ nhỏ, thơ mini lép vế so với thể thơ dài. Trong nghệ thuật, không có thể loại chị, thể loại em mà chỉ có tính chất và đặc trưng riêng. Với thơ, lại càng tinh vi và ảo diệu hơn”.
Những bài thơ trên được phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thế Hà viết trong nhiều thời điểm, những khoảnh khắc cảm xúc, tình cảm khác nhau, nên hình ảnh, nội dung và cả thi tứ không tập trung một chủ đề nào. Cũng giống như Thuyền trăng, với Tơ sương người đọc gần như phải dụng công vào tầng sâu ngôn ngữ để cảm nhận nhiều ý nghĩ mà nhà thơ muốn nhắn gửi, đồng thời soi thấy những lát cắt cuộc sống, dù mong manh bé dại hoặc những vấn đề mang tính thời sự lớn lao ẩn chìm trong lớp vỏ tưởng chừng như khô cứng của chữ nghĩa kiệm lời.
Phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thế Hà đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Ông không chỉ thấu hiểu những vấn đề có tính xã hội mà chuyện tưởng như đùa trong đời sống gia đình hàng ngày cũng được “đẩy lên” thành cái có vấn đề để độc giả đọc xong những câu thơ ngắn cũng phải suy nghĩ, ngẫm cười, rơi nước mắt trước bao điều phải trái: “con trai tôi xem phim hề/ về nhà tự làm chú hề/ cả nhà cười, nước mắt hề” (Nước mắt hề); “không đếm tuổi, không đếm buồn/ có cô gái son phấn kín da/ khóc tiễn mặt nạ nhân cách” (Mặt nạ nhân cách). Hồ Thế Hà cũng đã tư duy kiểu khôi phục từ những hình tượng hóa cuộc sống khách quan thành nhận thức chủ quan để hướng về những điều triết mỹ trong cảm quan của mình.
Là người làm công tác giảng dạy văn chương, nhưng hiện nay, khi dạy các lớp cao học, phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thế Hà không thuần túy chuyên môn mà đảm nhiệm chuyên đề phân tâm học. Riêng trong Tơ sương, người đọc sẽ bắt gặp rất nhiều bài thơ ảnh hưởng màu sắc phân tâm học của chủ nghĩa Freud.
Trong sáng tác văn chương, Hồ Thế Hà là người dễ rung động, dễ cảm lòng trước những điều tốt trong cuộc sống. Với nhận vật Cadimodo trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris - một người kéo chuông, suốt đời đề cao tình yêu đau khổ với nàng Esméralda nhưng vô vọng khi biết nàng bị đem đi treo cổ một lần nữa, anh đã xô Frollo ngã từ trên tháp chuông nhà thờ xuống đất, sau ôm xác nàng vào cùng chết chung trong hầm mộ, tác giả đã đồng cảm “ca-di-mo-do gác và kéo/ tấm thân gù đỡ ngàn đêm tối/ tiếng chuông - dòng lệ miên trường” (Ca-di-mo-do). Không những thế, Hồ Thế Hà còn đồng cảm với thi thánh Đỗ Phủ, Văn Cao và với cả những người không bình thường: “người đàn bà điên/ vui khóc, buồn cười/ không vui không buồn sao lại cười và khóc” (Cười và khóc)
…
Nhìn nhận về thơ trẻ, thơ hậu hiện đại hôm nay, phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thế Hà viết: “siêu thơ, siêu mẫu/ siêu ngữ pháp/ no comment! nothing!” (No comment!). Ý thức và cho rằng thơ là mênh mông, là siêu thơ, siêu ngữ trong trường tưởng tượng, cho nên với tư cách là một người sáng tạo, ông không bình luận điều gì ở người viết bởi mỗi người có một khả năng. Đây cũng là cách để tác giả đề cao cái “trò chơi” thơ vốn được con người trân trọng từ bao đời nay…
Phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thế Hà đã xuất bản nhiều tập chuyên luận, tiểu luận phê bình văn học, trong đó có những tác phẩm như: Thức cùng trang văn (1993), Sức bền của thơ (1993), Tìm trong trang viết (1998), Thơ và thơ Việt Nam hiện đại (1997), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (2004), Thao thức thơ (2005), Những khoảnh khắc đồng hiện (2006), Văn chương - sáng tạo và tiếp nhận (2009), Hành trình tiếp nhận thi ca (2009), Tiếp nhận cấu trúc văn chương (2014). |
ĐÀO TẤN TRỰC