Thứ Bảy, 25/01/2025 08:12 SA
Đất lành và nhà báo Phương Trà
Thứ Năm, 04/06/2015 15:00 CH

Nhà báo Phương Trà - Ảnh: P.H.THANH

Điện ảnh Quân đội đã ra mắt bộ phim Đất lành chuyển thể từ truyện ngắn Rừng thao thức gió của nhà báo Phương Trà. Phim là câu chuyện nhân văn, đầy cảm xúc về việc hàn gắn vết thương chiến tranh và chuyển tải đến khán giả thông điệp hòa giải.

 

Phim truyện video Đất lành do đạo diễn Đặng Thái Huyền chỉ đạo diễn xuất. Phim đã nhận bằng khen tại lễ trao giải Cánh Diều năm 2014.

Đất lành kể câu chuyện của hai cha con nông dân là ông Bảy (Nghệ sĩ ưu tú Thanh Kha), Mận (Nguyễn Thu Thủy) và Thạch (Lâm Vissay) - một người lính ở phía “bên kia” - trong bối cảnh khoảng 10 năm sau ngày giải phóng. Ngôi nhà của hai cha con ông Bảy nằm giữa núi rừng heo hút. Họ có một cuộc sống yên bình cho tới khi Thạch đến. Thạch bất thình lình xuất hiện xin ở nhờ trong lúc chỉ có Mận ở nhà, còn ông Bảy đã đi ăn giỗ ở nhà bà con xa. Mặc dù chỉ có một mình trong ngôi nhà lá giữa rừng vắng nhưng thương tình người đàn ông có khuôn mặt hiền lành, lỡ bước nên Mận cho anh ta ở nhờ. Đều đặn mỗi ngày, Thạch lên rừng lật đất tìm kiếm. Thạch nói với Mận là anh tìm kiếm cây thuốc nam. Mỗi ngày giáp mặt, trong những câu chuyện kể, trong cách ứng xử, Mận và Thạch dần nảy sinh tình cảm với nhau.

 

Khi ông Bảy trở về, qua lời kể thật thà của Thạch, Mận mới biết Thạch là “người ở phía bên kia”. Bao nhiêu tình cảm tốt đẹp lập tức tan biến, sự căm giận trào lên. Rõ mồn một trong tâm trí Mận là ngôi nhà cháy bùng bùng. Má và chị hai chết cháy; cha con Mận gào khóc, bất lực. Nỗi đau mất đi những người thân yêu trong chiến tranh tưởng đã nguôi ngoai, nay theo Thạch ùa về. Mận hất đổ mâm cơm, ném đồ đạc và đuổi Thạch ra khỏi nhà. Nhưng cha cô cương quyết giữ anh ở lại.

 

Thạch kể cho ông Bảy nghe mục đích thật sự của anh trong chuyến đi này: tìm ngôi mộ người lính Cụ Hồ năm xưa đã cứu mạng anh và bị đồng đội anh bắn chết. Ngày nọ, Thạch và Mận đi thắp hương cho “anh lính số 5” - người được cha con Mận tìm thấy hài cốt trong khi cuốc đất trồng cây. Thạch bàng hoàng khi biết trong hài cốt có sợi dây chuyền mặt hình đức Phật - sợi dây chuyền anh được mẹ trao để hộ mệnh, và anh chôn nó cùng với thi thể người lính đã cứu mạng mình. Nghe chuyện về người giao liên có hình xăm hai chú chim bồ câu cùng chữ hòa bình trên cánh tay, ông Bảy giàn giụa nước mắt, nhận ra “anh lính số 5” chính là Út Lành - đứa con trai đi làm giao liên mãi mãi không về. Thì ra, Út Lành đã về bên gia đình bao lâu nay nhưng đến giờ cha con ông Bảy mới biết. Mận trao cho Thạch sợi dây chuyền của anh. Thạch nghẹn ngào khi tìm ra ân nhân cứu mạng.

 

Ê kíp làm phim của Điện ảnh Quân đội chuẩn bị thực hiện một cảnh quay phim Đất lành - Nguồn: thegioidienanh

 

Chuyện phim làm người xem xúc động bởi tư tưởng nhân văn thể hiện ở những câu thoại dung dị. Ví như ở phân cảnh Thạch thắc mắc hỏi Lành vì sao anh cứu Thạch, Lành trả lời bằng câu hỏi: “Chẳng lẽ để cho chết?”. Hay khi Thạch hỏi “Bác không căm ghét con sao?” thì ông Bảy - người có vợ và con gái chết cháy vì bom, có con trai làm giao liên không thấy trở về - nhẹ nhàng hỏi lại: “Để làm gì? Không lẽ mọi người cứ sống trong thù hận? Chiến tranh qua lâu rồi”. Và ông nói với cô con gái còn lại của mình: “Mận à, hòa bình rồi, hổng lẽ mọi người cứ sống trong oán thù hoài sao?”.

 

Qua những câu thoại dung dị từ 3 nhân vật, khán giả đã cảm nhận nỗi đau, mất mát khôn cùng do chiến tranh. Vết thương chiến tranh vẫn còn đó, trong tâm khảm những người còn sống, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Nhưng bằng nhân nghĩa đồng bào, các nhân vật đã hóa giải thù hận. Với những phân cảnh này, ê kíp làm phim của Điện ảnh Quân đội đã chuyển tải trọn vẹn bức thông điệp hòa giải trong tác phẩm văn học đến khán giả.

 

Có một chi tiết thú vị: từ tác giả truyện ngắn, biên kịch đến đạo diễn phim Đất lành đều là nữ. Theo nhà báo Phương Trà, điều chị tâm đắc nhất là bức thông điệp hòa giải trong tác phẩm văn học đã được thể hiện trọn vẹn trong tác phẩm điện ảnh và chuyển đến khán giả.

 

Phim có một cái kết đẹp

 

Đó là sự nở hoa mối tình đẹp giữa Mận và Thạch. Chuyện phim thể hiện trọn vẹn tính nhân văn của tác phẩm Rừng thao thức gió. Nhà báo Phương Trà chia sẻ: “Tôi viết Rừng thao thức gió tham dự cuộc thi truyện ngắn nhân kỷ niệm 395 năm Phú Yên. Bối cảnh là quê tôi, một vùng quê nghèo ở Tuy An. Sau chiến tranh, người dân vẫn thắp đèn dầu, đêm đêm đóng cửa đề phòng thú dữ nhưng họ sống rất nhân hậu, có nghĩa có tình. Năm 2013, được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cử đi học lớp viết văn ở Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, tôi nộp truyện ngắn này và tác phẩm được đăng trên báo Văn nghệ với tên Đất lành. Nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung đọc truyện, có sự đồng cảm nên liên lạc với tôi, bảo rằng chị ấy muốn chuyển thể thành kịch bản phim. Tôi rất vui khi đứa con tinh thần của mình được tái sinh và có một đời sống mới”.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nam và tôi
Thứ Ba, 02/06/2015 12:00 CH
Nhiều nét mới
Thứ Ba, 02/06/2015 09:40 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek