Thứ Bảy, 25/01/2025 06:16 SA
Nhà thơ Văn Công - Thơ thuở thiếu thời
Chủ Nhật, 07/06/2015 14:00 CH

Nhà thơ Văn Công (bên phải) cùng giáo sư Phong Lê ở TP Tuy Hòa, tháng 6/1998 - Ảnh: T.LIỆU

Dịp mừng thọ tuổi 80 của ông nội, ông bảo tôi: “Cháu hãy đọc cho ông nghe một bài thơ của nhà thơ nào ở quê mình ấy”. Tôi nghĩ ngay đến bài Tuy Hòa mến yêu (1956) của nhà thơ Văn Công:

 

Tuy Hòa ơi ngày mai sẽ đến

Bụi mù tan chim bướm nhởn nhơ bay

Đỉnh Nhạn Tháp ánh trăng lồng ánh điện

Cửa Đà Rằng buồm giăng cánh về đây

...

Ta lặn lội giữa trời bùng khói lửa

Tháp Chàm ơi, mây quyện gió hoang vu

Lúa gãy đòng đập Đồng Cam chảy sữa

Vách tường xiêu cau mặt ngó quân thù

...

Là một người con của quê hương Nghệ An, sinh sống ở Phú Yên, tôi rất tự hào về nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm) người đồng hương đã gắn bó với quê hương Phú Yên nghĩa nặng tình sâu trong hơn bảy thập kỷ.

 

Tên tuổi nhà thơ Văn Công đến với bạn đọc yêu thơ khá sớm trong những ngày gian khó nhất của cách mạng miền Nam (1954-1960). Những bài thơ vượt tuyến của Văn Công được tặng giải nhất Báo Thống Nhất trong những năm 1956-1959, được NXB Văn nghệ trân trọng in 17 bài trong tập Tiếng hát Miền Nam (gồm 3 tác giả Văn Công - Giang Nam - Thanh Hải), được Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965. Bài thơ Người cộng sản của Văn Công sáng tác năm 1959 được dịch ra tiếng Pháp xuất bản ở Paris năm 1969.

 

Văn Công còn là cán bộ lãnh đạo của tỉnh Phú Yên và Khu V trong kháng chiến chống Mỹ và trong thời bình. Ông từng đảm nhận các trọng trách Trưởng ban Kinh tài Tỉnh ủy, Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Quyền trưởng ban chi viện tiền phương Khu ủy V trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, Quyền chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh trong thời gian hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất.

 

Cuộc đời và sự nghiệp của Văn Công để lại dấu ấn sâu đậm trong biên niên sử kháng chiến của Phú Yên và Khu V, trong văn học sử về thơ ca cách mạng miền Nam thời chống Mỹ.

 

Sách, báo đã viết nhiều về Văn Công - một trong những nhà thơ đặt viên gạch đầu tiên cho thơ ca giải phóng thời kỳ chống Mỹ. Thế nhưng, văn chương của cả một khung trời tuổi thơ của ông ở quê nhà Diễn Châu - Nghệ An chưa mấy ai đề cập.

 

Sinh ra trong một gia đình nho học. Bảy tuổi, ông được thân phụ cho học chữ Nho, sau đó học chữ quốc ngữ. Sau khi đậu sơ học yếu lược (tương đương lớp 3), ông phải nghỉ học đi chăn trâu vài tháng, phụ giúp gia đình. Trong sách Cuộc đời và trang viết, ông kể rằng: “Mấy ông đồ trong xóm thường đến nhà chơi uống trà, uống rượu, ngâm thơ. Thỉnh thoảng, cha tôi bảo tôi nấu nước pha trà, điếu đóm cho các cụ và nghe lỏm các cụ làm thơ, bình thơ. Có lần các cụ bảo tôi làm thơ, tôi ứng khẩu làm bài Dại, khôn theo khẩu khí Nguyễn Công Trứ nên bị thân phụ “thưởng” hai tát tai vì “dám lếu láo với các cụ”.

 

Tựu trường là bài thơ đầu tiên của Văn Công khi ông mới 13 tuổi.

Trên trời sao lấp lánh

Dưới biển lóe mây hồng

Gà vừa tan tiếng gáy

Mẹ đi cấy bên sông

...

Ta học ta mới biết

Am hiểu cách làm người

Tổ quốc đặt trên hết

Biết ghét, biết yêu đời

Bài thơ sáng tác năm 1939 và được Hội Nhà văn in năm 1996.

Tháng 7/1943, vừa tròn 17 tuổi, Văn Công viếng mộ Đội Cung (Đồn trưởng chợ Rạng ở huyện Đô Lương, lãnh đạo binh lính kéo xuống Vinh nổi dậy giành chính quyền bị thực dân Pháp bắt giam và xử tử năm 1941) và có bài thơ Viếng mộ Đội Cung rất xúc động:

Từ thưở mười ba nghe tiếng ông

Đô Lương, chợ Rạng chuyển kinh thành

Đạn đồng chẳng thủng tình yêu nước

Ngơ ngác quần thần bọn mọt quan

Chuyện kể lại rằng hôm đám tang

Tây tà run sợ đứng xếp hàng

Hồi còi báo hiệu khuyên ai đó

Dậy sóng Tam Giang tỉnh xóm làng

Tôi ghé qua đây tưởng nhớ người

Trưa hè tiếng quốc gọi hồn ai?

Mộ ông nằm giữa lòng thành phố

Phượng nở bao quanh đỏ rực trời.

 

Học xong tiểu học, thân phụ ông khuyên ông làm nghề dạy học để nuôi sống bản thân. Ông muốn tự học thêm nên kết nghĩa với người bạn học tên Khánh rồi cùng làm một chuyến giang hồ theo nghĩa “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Ông làm thơ tạm biệt mẹ đầy cảm xúc:

 

Dấn thân vào cuộc bể dâu

Trắng đen mới rõ nông sâu mới tường

Dẫu xa ngưỡng cửa học đường

Dẫu xa bếp ấm mảnh vườn thân yêu

Dấn thân trong chốn cô liêu.

Nhìn xem thế sự xoay chiều ra sao.

Từ Bến Thủy (TP Vinh), hai người bạn tri âm qua sông Lam đến huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) viếng mộ Nguyễn Du và Văn Công đã sáng tác bài Qua Hồng Lĩnh nhớ Kiều cảm khái về nhân tình thế thái thân phận nàng Kiều 15 năm lưu lạc.

 

... Thương nàng Kiều mười lăm năm biệt xứ

Kiếp đoạn trường son phấn chẳng mờ phai

Đời lao lung lạc lõng giữa đêm dài

Một cánh hoa trôi một thời duyên nợ

Xã hội điêu tàn bán con, đợ vợ

Sông Tiền Đường gào thét lũ súc sinh.

 

Vượt Hà Tĩnh, ngao du Quảng Bình, ông cùng bạn đến xứ Huế, xin làm việc trong xí nghiệp bào chế thuốc của một người bà con trong tộc họ “Cao Xuân” kiếm sống qua ngày. Ông sống và làm việc ở Huế hai năm, còn người bạn thì không chịu nổi công việc nặng nhọc nên đã vào Đà Nẵng làm công việc khác.

Đầu năm 1945, chiến tranh lan rộng, xí nghiệp thu hẹp, ông phải nghỉ việc, tạm biệt Huế vào Đà Nẵng trong biến động bể dâu thời cuộc.

 

Tạm biệt sông Hương núi Ngự Bình

Bầu trời nhuộm đỏ ánh bình minh

Thuyền ai xuôi ngược về đâu đó

Xách gói ra đi bạn đón mình.

 

Đón xuân 1945, Văn Công tròn 19 tuổi. Phong trào Việt Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo thổi một luồng gió mới vào thơ Văn Công, cảm xúc mới và hướng đi mới về con đường lý tưởng:

 

Việt Bắc, Ba Tơ hay ở đâu

Xầm xì cành lá gọi tên nhau

Râm ran đâu đó nghe thấp thoáng

Vó ngựa Phù Tang cúi gục đầu

Ông trải lòng đón mùa xuân 1945 chứa chan hy vọng:

Ta đi giữa mùa xuân đầy hương sắc

Xuân! Xuân ơi! Đất cựa nhú mầm non

Tuy mới nghe mà yêu thương da diết

Đợi bình minh anh sẽ đón em về.

 

Tại Đà Nẵng, ông tiếp xúc với cán bộ Việt Minh trong vai thợ thuyền và được giác ngộ lý tưởng cách mạng, vừa làm phụ hồ, vừa dạy học kiếm sống và học thêm văn hóa. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được nhận vào làm việc ở Sở Liêm phóng Đà Nẵng, sau đó xung phong vào bộ đội Nam tiến và gắn bó với Phú Yên từ đó đến nay.

 

Thế hệ hậu sinh chúng tôi rất tự hào về một nhà thơ của xứ Nghệ quê mình - nhà thơ Văn Công.

PHAN HẢI ÂU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek