Khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình là chuyện muôn thuở. Nhưng có lẽ chưa bao giờ khoảng cách “giữa cũ và mới” trở nên đáng chú ý như hiện nay. Đất nước đang trên đà phát triển, lớp người trẻ lớn lên tiếp xúc và sống trong môi trường của văn hóa hội nhập, vì vậy sự ảnh hưởng ngày càng nhiều hơn. Từ quan điểm, suy nghĩ sống khác đã tạo ra khoảng cách trong các gia đình.
Bạn Nguyễn Thủy Tiên (huyện Tây Hòa) bày tỏ: “Tôi thích xem phim Mỹ trong khi ba mẹ lại thích xem phim Hàn Quốc. Tôi thích học ngành quản trị kinh doanh còn ba mẹ cứ hướng tôi đi theo ngành sư phạm. Tôi có cách nghĩ khác trong nhiều vấn đề về quan điểm ăn mặc, thần tượng và lý tưởng. Tôi nhận thấy suy nghĩ của mình và ba mẹ rất khác nhau. Đôi khi khoảng cách ấy là quá lớn”.
Khoảng cách đã là vậy, nhưng sự thật là giữa các thế hệ khác nhau, luôn có mối quan hệ tác động không thể rời xa, đặc biệt ở lĩnh vực tình cảm. Bởi vì, gia đình, dòng họ là cái nôi hình thành nhân cách con người, nuôi dưỡng, gắn bó con người theo thời gian. Sự khác biệt chỉ trở nên gay cấn khi một thành viên trong gia đình thực sự kém hiểu biết, hoặc cố ý bất chấp tình cảm gia đình, truyền thống văn hóa dân tộc. Làm thế nào để có thể dung hòa khoảng cách giữa các thế hệ?
Chị Nguyễn Thị Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững khu phố An Thạnh (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu), cho biết: “Chúng ta chỉ có thể dung hòa quan điểm của người lớn với người trẻ khi con cháu nhận thấy người lớn mẫu mực, giàu đức hy sinh thì chúng sẽ tự biết hiếu thảo theo cách riêng của mình”. Còn Thủy Tiên thì nói: “Tôi luôn cố gắng ăn cơm cùng với gia đình. Trong bữa cơm, tôi hưởng ứng câu chuyện của ba mẹ và chia sẻ một vài điều thú vị diễn ra trong ngày. Làm như thế, gia đình tôi sẽ gắn bó với nhau hơn. Tôi nghĩ đây cũng là một cách hay để mọi người có thể hiểu nhau hơn”.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT-DL Phú Yên, trong gia đình, các thành viên hãy thông hiểu, thích nghi và chấp nhận nhau để có thể tận dụng những ưu thế vốn có của mỗi thế hệ. Trân trọng cái cũ và sẵn sàng đón nhận cái mới là điều cần thiết. Bởi ai cũng vậy, lúc này là cha mẹ thì trước kia đã từng làm con và lúc này làm con thì mai sau cũng sẽ trở thành cha mẹ. Với thế hệ già, cần cảm thông, hỗ trợ, nâng đỡ lớp trẻ trên tinh thần trách nhiệm cùng tình cảm ruột thịt. Người lớn dạy con tôn trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của tình cảm gia đình và khuyến khích để con có chính kiến. Khi đó, các thành viên trong gia đình sẽ cởi mở và dễ dàng chia sẻ tâm tư tình cảm với nhau.
TUYẾT TRẦN