LTS: Kiến trúc sư Trần Hoài Nam, sinh năm 1957, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Phú Yên, Ủy viên BCH Hội Văn nghệ Phú Yên, Phó trưởng phòng Đầu tư - Xây dựng Văn phòng UBND tỉnh, hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, do mắc bệnh hiểm nghèo vừa qua đời ngày 29/5. Báo Phú Yên xin giới thiệu bài viết của nhà văn Đào Minh Hiệp như một lời chia buồn với gia đình và đồng nghiệp.
Lần cuối tôi gặp Nam là vào dịp tết năm 2014. Theo thông lệ, sau tết, bạn bè hội cà phê sáng của chúng tôi thường kéo cả băng đi từng nhà “trút ống”. Đến nhà Nam, một ngôi nhà nhỏ, gọn, kiến trúc khá đẹp, mảnh sân nhỏ trồng cỏ mấp mô như gò đống, bụi tre lòa xòa, cùng với mấy chiếc cối đá đủ kích cỡ, kiểu dáng “nằm lăn lóc” bên một bức tượng thiếu nữ khỏa thân cũng bằng đá. Có người thốt lên: Thằng cha này đi suốt, chẳng chịu sắp xếp cho gọn gàng gì cả. Tôi chỉ cười tủm, thầm nghĩ, nó cố tình “vứt lăn lóc” như vậy chắc là theo một phong cách nghệ thuật sắp đặt nào đấy. Nhìn những chiếc lá tre màu trắng mốc vương trên thảm cỏ, trên những chiếc cối đá, không hiểu tại sao lại gợi cho tôi nhớ về những xóm thôn miền Bắc đến nao lòng, nơi những đứa trẻ như tôi và Nam đi sơ tán trong những năm tháng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Vậy mà chỉ mấy tháng sau, chúng tôi nhận được tin Nam bị bệnh hiểm nghèo, phải vô TP Hồ Chí Minh điều trị. Cả hội choáng váng, gọi điện hỏi thăm liên tục. Nhân có người đi TP Hồ Chí Minh, mọi người gửi tiền vô thăm, nhưng khi vào đến nơi thì Nam đã quay ra Nha Trang. Anh bạn mang tiền về, mọi người chưa biết xử lý ra sao thì một bạn văn nghệ khác trong hội cà phê lại bị phát bệnh hiểm nghèo. Mọi người chán ngán lắc đầu và quyết định tặng số tiền ấy cho người bệnh tiếp theo.
Lần đầu tôi gặp Nam là vào cuối năm 1989, nói chính xác là Nam đến nhà tìm tôi. Mùa thu năm ấy, tôi được Tổng cục Địa chất cử tham gia đoàn cán bộ sang Ukraina công tác. Về nước, tôi viết một bài báo về tình cảnh người lao động Việt Nam tại Liên Xô rồi gửi Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh. Buổi trưa, khi tôi vừa đi dạy về, một thanh niên đeo kính trắng, vóc dáng mập mạp, quần áo thẳng thớm, giày bóng loáng, tay cầm tờ báo bước vào sân nhà tôi hỏi bằng giọng Hà Nội rất chuẩn: “Xin lỗi, anh có phải là Đào Minh Hiệp không?”. Tôi gật đầu, chàng trai tiếp: “Em vừa đọc bài báo trên Tuổi Trẻ Cuối tuần, thấy ghi tác giả là Đào Minh Hiệp, không biết có phải của anh không?”. Vừa nói Nam vừa đưa tờ báo cho tôi. Tôi nhận ra đúng bài viết của mình. Chúng tôi chơi với nhau từ ngày ấy. Đến năm 1992, khi tôi được điều từ Trường Địa chất về Văn phòng UBND tỉnh thì Nam là người tận tình giúp tôi làm quen với công việc mới, nhất là về thể thức văn bản hành chính. Nam bảo, văn hành chính không giống như văn chương của anh đâu, chỉ cần rõ ràng, ngắn gọn và không được để người đọc hiểu sai nghĩa. Chúng tôi cùng ngồi trong một phòng nên mọi công việc của nhau đều biết khá rõ. Nam là người có cá tính, nói năng huỵch toẹt, thẳng thắn, được nhiều người mến nhưng cũng không ít người ghét, một số người khi mới tiếp xúc cho là Nam kênh kiệu, nhưng thực ra là người có trách nhiệm và tận tụy với công việc. Cái cá tính ấy cũng được thể hiện rõ qua chiếc ô tô địa hình hai cầu, dàn cao như con nhện làm cho đám thanh niên lác mắt, nhưng chỉ được vài năm là chẳng thấy xe đâu nữa.
Một dạo, tôi thấy Nam để râu dài ba chòm, mặc áo cài dây trông như ông quan thời phong kiến, rất lập dị, sau này mới biết đó là cách Nam để tang cha mình. Nam có kiến thức khá phong phú về lịch sử và văn hóa, lại thêm trí nhớ tuyệt vời nên được bạn bè đặt cho biệt danh là “từ điển sống”, không ít lần trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ trong các chuyến công tác.
Khi Hội Văn nghệ xây trụ sở mới, tôi lùng sục khắp thành phố tìm địa điểm, nhưng chẳng chọn được chỗ nào ưng ý. Anh Bùi Sơn Hải mách: Có mảnh đất bên quảng trường, cấp cho Công ty Mía đường mấy năm nay rồi nhưng họ không xây dựng gì, mày làm cách nào lấy lại được thì giỏi. Chúng tôi hăm hở đến gặp lãnh đạo công ty, nhưng họ không thèm tiếp, gửi giấy mời làm việc cũng không tới. Nghe tôi kể lại, Nam bảo: Để em. Mấy hôm sau chúng tôi nhận được giấy mời họp của UBND tỉnh để giải quyết lô đất. Cuộc họp do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì với đầy đủ các sở, ban ngành liên quan.
Công ty buộc phải giao lại lô đất cho Hội Văn nghệ. Kết thúc cuộc họp, Nam còn dặn tôi: Lập dự toán, anh nhớ cộng thêm tiền san lấp mặt bằng và xây tường rào để trả lại cho công ty. Đại hội Hội Văn nghệ nhiệm kỳ đó, tôi bảo Nam: Hội Kiến trúc sư và Hội Văn nghệ Dân gian - Văn hóa các dân tộc Phú Yên là các hội độc lập không thuộc Hội Văn nghệ, nhưng cũng hoạt động trong lĩnh vực VHNT. Anh đề nghị chủ tịch hai hội tham gia vào BCH Hội Văn nghệ, còn các hội viên của hai hội được mặc nhiên công nhận là hội viên Hội Văn nghệ. Như vậy phong trào chỉ mạnh hơn thôi. Nam vui vẻ chấp thuận.
Cuối năm 2013, cuốn tiểu thuyết dịch Cuộc chiến đi qua của tôi được chính phủ Nga tài trợ in tại Moskva. Hội cà phê sáng bắt tôi phải chiêu đãi một trận “hoành tráng”. Trước khi nâng ly, tôi bảo, sách chỉ có mười cuốn, không đủ tặng cho thư viện, tôi giữ lại vài cuốn, bạn nào muốn đọc, sẵn sàng cho mượn. Nam đăng ký mượn đầu tiên. Tuần sau, một số người muốn đọc, nhắc nhở, Nam bảo chưa xong, rồi mười ngày, nửa tháng cũng chưa xong. Tôi đành phải lấy cuốn khác đưa cho các bạn đọc. Mấy tháng sau, lãnh đạo Hội Việt - Nga ra Hà Nội họp mang về cho tôi mấy cuốn nữa. Cuốn Nam giữ, tôi không đòi mà Nam cũng không trả, trong thâm tâm, tôi vui vì sách của mình nằm trong tay một người yêu sách thật sự. Tiếc là hôm tôi chiêu đãi lần thứ hai nhân cuốn sách ấy được trao giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 thì Nam đã bệnh nặng, không thể có mặt. Nếu có mặt, tôi tin chắc là Nam sẽ mừng cho tôi, một sự vui mừng chân thành chứ không phù phiếm.
ĐÀO MINH HIỆP