Ðã nhiều thế kỷ nay, mỗi khi sinh hoạt cộng đồng, người Ê Ðê, Chăm H’roi, Ba Na… không bao giờ thiếu vòng xoan. Ðiệu xoan hòa nhịp với tiếng suối reo; con trai, con gái tay nối tay nhau, đôi chân trần dồn bước, uyển chuyển quanh ngọn lửa bừng sáng giữa buôn làng theo tiếng cồng chiêng, trống đôi, đàn t’rưng. Ðiệu múa này và âm điệu này gần gũi với cuộc sống người dân nơi đại ngàn. Ðồng bào dân tộc thiểu số bảo rằng, tiếng chiêng nó ngân dài như dòng sông, còn múa xoan mềm mại như con suối chảy.
Thiếu nữ Ê Đê nối vòng xoan trong lễ hội của buôn làng - Ảnh: TRẦN LÊ KHA |
Múa xoan (còn gọi là nhảy a ráp) gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Phú Yên theo suốt cả một vòng đời người, vòng cây trồng và từng mùa lúa rẫy. Đây là điệu múa thể hiện sự đoàn kết, hiện hữu trong tâm hồn người Ê Đê, Chăm H’roi, Ba Na vốn yêu thiên nhiên, quê hương, yêu lao động… Oi Thao ở buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh) cho biết: “Khi gia đình ai đó có người khuất núi, dân trong buôn làng mang chiêng a ráp ra đánh, đem rượu cần đến uống, mọi người cùng múa xoan. Lễ nghi này nhằm làm cho người qua đời được vui, thanh thản về bên kia phía mặt trời”. Nhà văn Y Điêng đang sống ở Sông Hinh nói: “Với ý niệm của đồng bào dân tộc thiểu số, thế giới dành cho người đã chết không khác gì với thế giới của người đang sống. Họ cũng biết uống rượu, biết thưởng thức cồng chiêng… Niềm tin tâm linh rất đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số đã thấm sâu vào máu thịt của họ. Thiếu nghi lễ này, người ở trần gian cho rằng mình không làm tròn bổn phận với người đã về cõi vĩnh hằng. Không chỉ dành cho người chết, múa xoan còn dành cho thần linh trong lễ hội đâm trâu, hay còn gọi là lễ xoay cột trong những ngày đầu xuân, để tạ ơn đất trời cho một năm nắng thuận mưa hòa nên sắn, mía được mùa”.
Là một nghệ nhân múa xoan, mí Nung ở buôn Lái Rai (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) kể: “Tập tục của bà con dân tộc thiểu số không cúng giỗ người chết như người Kinh đâu, chỉ cúng bỏ mả một lần rồi thôi, lễ vật gồm có rượu ché, gà; gia đình nào khá giả thì cúng heo, bò. Dù vật chất đơn giản nhưng không thể thiếu tiếng chiêng a ráp và múa xoan. Làm như vậy để người chết không buồn và họ sẽ phù hộ cho mình ăn nên làm ra, lúa bắp đầy bồ. Tết đến xuân về, bà con Ê Đê tổ chức uống rượu cần, nam nữ thanh niên tựu tề về nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng nối vòng xoan dưới bóng cây k’nia để đón rước những điều an lành về với buôn làng”.
Ở huyện Sơn Hòa, hai năm một lần, xã Krông Pa và xã Cà Lúi lại tổ chức “Hội thi cồng chiêng và múa xoan”. Mỗi xã có 6 đội cồng chiêng và 6 đội múa xoan với 240 “diễn viên”, hầu hết là nam nữ thanh niên. Còn ở huyện Sông Hinh, theo ông Trần Thơ Ấu - Phó chủ tịch UBND huyện: Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được chú trọng. Một số lễ hội văn hóa và văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Ê Đê, Ba Na, Chăm H’roi đã được phục dựng và gìn giữ như: lễ bỏ mả, lễ cầu mưa, múa xoan, hát khan, lễ cúng vòng đời… Huyện Sông Hinh có 560 bộ cồng chiêng; các đội múa xoan có từ 15 đến 20 người”.
Tôi may mắn đã đặt chân đến nhiều buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số, thưởng thức hương vị rượu cần làm bằng men rượu truyền thống, ăn canh bồi, canh lá sắn, thịt bò nướng chấm với muối ớt kiến vàng giã chung với lá teng leng. Tôi cũng được các mí, các chị tập múa xoan nên nhận ra vòng xoan không phân biệt tầng lớp, dù ở tầng lớp nào song một khi đã nối vòng xoan thì đều gần gũi với nhau. Mí Ble - nghệ nhân múa xoan ở xã Krông Pa - nói: “Lũ con trai, con gái bây giờ ít muốn múa xoan, chớ thời chúng tôi, ngoài việc nương rẫy, gùi củi, giã gạo, đêm đêm tập trung dưới nhà sàn tập múa xoan cho tới khuya. Mình mà không biết múa, lũ con trai nó chê, nó không “bắt” mình làm vợ đâu”.
Có lần, tôi dự lễ cầu mưa ở xã Cà Lúi, thấy các bạn trẻ múa xoan rất hay, nhưng cũng có một số ít người tỏ ra không mặn mà. Tôi thầm nghĩ nếu không phát huy giá trị văn hóa này, điệu múa xoan có thể sẽ mai một, và sẽ phụ lòng lớp người xưa đã gìn giữ cho đến tận hôm nay.
TRẦN LÊ KHA