Thứ Hai, 03/02/2025 06:03 SA
Trần Quyết Thắng – Họa sĩ tuổi Mùi
Thứ Sáu, 20/02/2015 15:00 CH

Cuối năm, cứ nghĩ chỉ có giới kinh doanh là bận bịu, nhưng không ngờ văn nghệ sĩ cũng có người tất bật. Buổi sáng, định rủ một họa sĩ “cà phê cà pháo”, cứ tưởng như mọi lần, “alo” một cú là xong, nay phải hẹn giờ cụ thể bạn mới có thể bứt ra khỏi công việc. Mừng cho bạn, vì văn nghệ sĩ tỉnh lẻ nhiều người thất nghiệp với nghề của mình. 

 

Họa sĩ Trần Quyết Thắng - Ảnh: CTV

 

Năm 1985, ngoài các hoạt động giới thiệu sách, tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu, giao lưu với văn nghệ sĩ ở Trung ương và địa phương, Thư viện Hải Phú dự định tổ chức một cuộc triển lãm mỹ thuật trong khuôn viên thư viện. Anh Dương Thái Nhơn, hồi đó là giám đốc, đề nghị tôi giới thiệu cho một số họa sĩ trẻ có triển vọng. Chẳng cần nghĩ ngợi lâu, tôi bật ra ba cái tên: Nguyễn Hưng Dũng, Trần Quyết Thắng và Hà Sơn. Cuộc triển lãm mỹ thuật đầu tiên ở Tuy Hòa thành công đến mức, ngay sau đó Hội Văn nghệ Phú Khánh đã đưa vào Nha Trang triển lãm và cũng được bạn yêu mỹ thuật ở thành phố du lịch này đánh giá cao. Sau này, cả ba cây cọ trên đều được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam và được tặng nhiều giải thưởng.

 

Trong số các họa sĩ ở Phú Yên, Trần Quyết Thắng là người sáng tác đều đặn và có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm nhất. Năm nào anh cũng có tranh triển lãm ở Nhà văn hóa Diên Hồng, ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và đặc biệt là triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên và triển lãm toàn quốc do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Và anh cũng là họa sĩ đoạt nhiều giải thưởng nhất. Nếu chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Trần Quyết Thắng đã có 3 giấy khen (2002, 2003, 2005), 2 tặng thưởng (2008, 2012) và giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2014 với tác phẩm Con của biển. Tranh của Thắng cũng được sử dụng nhiều để trình bày bìa cho các đầu sách văn học - nghệ thuật, được mua trang trí trong gia đình, công sở. Đặc biệt là những bức tranh sơn dầu treo ở trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và mới đây nhất là bức sơn dầu Con của biển (120x150cm) vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đặt mua cho bảo tàng.

 

Có thời gian, Thắng muốn thoát ra khỏi những khuôn mẫu được đào tạo trong nhà trường bằng cách thể nghiệm các phong cách hiện đại khác như siêu thực, trừu tượng, biểu hiện hay lập thể… Nhưng cho đến nay, những tác phẩm thành công nhất của Thắng vẫn là theo phong cách hiện thực (Realism) với những gam màu tươi sáng, sống động, bố cục chặt chẽ và đặc biệt là với kỹ thuật hình họa chuẩn xác, nhất là về cơ thể học. Chính vì vậy mà có thời kỳ Thắng được Trường đại học Mỹ thuật Huế đồng ý tiếp nhận làm giáo viên, nhưng vì không thể sắp xếp công việc gia đình nên Thắng đành phải tiếc nuối từ chối.

 

Cuộc triển lãm cá nhân Mười hai tháng của Thắng được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên và Hội Mỹ thuật Việt Nam bảo trợ, tổ chức vào năm 2005 tại trụ sở hội và Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Triển lãm giới thiệu hơn 40 bức sơn dầu khổ lớn vẽ chân dung phụ nữ và tĩnh vật hoa lá theo các mùa trong năm, là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của anh và để lại ấn tượng sâu sắc với người yêu hội họa.

 

Khi mới lập nghiệp vợ chồng Thắng bán cà phê trong căn tin “Cà phê Sách” của Thư viện Hải Phú. Ngoài cà phê, trong quán còn bày khá nhiều sách, báo và tạp chí. Khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên đến thư viện mượn sách, ghé quán uống ly nước giải khát. Để “câu” khách, hai vợ chồng mua thêm chục bộ bàn cờ tướng bày ra, khách tăng rõ rệt. Nhưng được một thời gian, nhiều vị khách “ghiền” cờ, rủ rê “kỳ phùng địch thủ” tới, rồi chỉ kêu hai ly trà đá, ngồi từ sáng đến trưa, khách vào không có chỗ ngồi, thất thu rõ rệt. Chứng kiến từ đầu sự việc, tôi góp ý, nếu không muốn sập tiệm thì dẹp hết đi, chỉ để lại một-hai bàn cờ thôi, vợ chồng Thắng nghe theo, việc làm ăn lại “xuôi chèo mát mái”. Nhưng chỉ được một thời gian, khi tỉnh có chủ trương không được kinh doanh trong khuôn viên công sở, vợ chồng Thắng lại vui vẻ đùm túm nhau tìm địa điểm khác. Bù lại, họ đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm bổ ích trên con đường mưu sinh bằng cà phê. Nếu tính từ “Cà phê Sách”, cho đến nay vợ chồng anh đã bươn chải qua các quán “Cà phê Cũ”, “Cà phê 33”, “Cà phê Dương Cầm”, “Cà phê Sạch” và sắp tới là “Cà phê Xanh”.

 

Tác phẩm “Con của biển” của họa sĩ Trần Quyết Thắng.

 

Nhân nói chuyện cà phê, một lần vợ chồng tôi đến uống ở “Cà phê Dương Cầm”, vợ chồng Thắng tâm sự, muốn tìm một thương hiệu cho cà phê của mình, đại ý là cà phê chế biến bằng phương pháp thủ công, không có phụ gia, đảm bảo tinh khiết, sạch sẽ…, định đặt tên là “Cà phê thủ công”. Tôi cười khì, trêu, sao không đặt luôn “Xanh sạch đẹp” cho dễ nghe, cả nhóm cười ngất. Cười xong, tôi chợt nghĩ ra: Hay là “Cà phê Sạch”? Cả bốn người gật gù: Ừ nhỉ! Vậy là cái tên “Cà phê Sạch” chính thức được dùng cho sản phẩm cà phê bột do vợ chồng họa sĩ Trần Quyết Thắng sản xuất, và cho đến giờ cũng tạm đủ nuôi hai con ăn học.

 

Ngoài nguồn sống chủ yếu bằng cà phê, Thắng còn có thêm nghề trang trí nội thất. Nhưng theo như Thắng nói, phần việc được các kiến trúc sư giao cho họa sĩ rất ít. Vừa ít thu nhập, vừa không có “đất” để họa sĩ thể hiện ý đồ sáng tạo của mình một cách đồng bộ. Do đó, để có thể thực hiện được ý tưởng xuyên suốt của mình đối với một công trình xây dựng như một “tác phẩm sắp đặt”, họa sĩ phải bổ sung các kiến thức về kiến trúc và xây dựng. Các quán cà phê do Thắng thiết kế, xây dựng và trang trí trong thời gian qua chính là quá trình vừa học vừa làm để hoàn thành những “tác phẩm sắp đặt”. Và chúng đã mang lại hiệu quả rõ rệt qua số lượng khách hàng thường xuyên lui tới.

 

Kể từ ngày ra trường đến nay, vợ chồng họa sĩ tài năng này chưa có một bến đỗ nhất định, chủ yếu sống tạm trong các quán cà phê do mình thiết kế, xây dựng. Cứ hết hạn hợp đồng thuê đất, vợ chồng con cái lại dắt díu nhau đi, làm tôi chạnh lòng nhớ đến cuộc sống du mục của dân Di-gan. Nhiều lần đến nhà Thắng xem tranh, “xưởng vẽ” của anh khi là nhà bếp, khi là hành lang và cả phòng ngủ nữa, thế mà vẫn vẽ đẹp. Thật lạ! Những người tuổi Mùi như Thắng phải nhàn nhã và đào hoa lắm mới phải, đằng này, lúc nào cũng thấy tất bật. Có thể nhờ vậy mà Thắng có nhiều ý tưởng và cảm hứng sáng tác chăng? Có thể lắm!

 

ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gốm nung làm rung động trái tim tôi”
Thứ Hai, 23/02/2015 12:00 CH
Người quay phim trên núi Đăk Sao
Chủ Nhật, 22/02/2015 14:00 CH
Năm Mùi nói chuyện dê
Chủ Nhật, 22/02/2015 11:00 SA
Vũng Rô tình ca xanh
Thứ Bảy, 21/02/2015 07:00 SA
Mùa xuân trong thơ Văn Công
Thứ Sáu, 20/02/2015 14:00 CH
Tết Huế
Thứ Năm, 19/02/2015 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek