Chủ Nhật, 28/04/2024 19:17 CH
Người quay phim trên núi Đăk Sao
Chủ Nhật, 22/02/2015 14:00 CH

Y Vang (thứ 3, từ phải sang) cùng các đồng nghiệp xem phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao trong chuyến trở lại căn cứ Nước Oa - Ảnh: THANH HƯNG

Năm 1971, bộ phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đăk Sao do NSND Trần Thế Dân biên kịch và đạo diễn đã mang vinh dự về cho điện ảnh tài liệu Việt Nam: phim đoạt huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Mát-xơ-cơ-va. Và đây là lần thứ 2 điện ảnh tài liệu Việt Nam mang vinh dự này về cho đất nước. Sau đó, phim tiếp tục đoạt Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 (giai đoạn 1969-1972). Góp phần vào sự thành công của bộ phim này là những hình ảnh chân thực, sống động của nhà quay phim Kpa Y Vang - nguyên là phóng viên quay phim chiến trường công tác tại Điện ảnh Khu V những năm chống Mỹ cứu nước.

 

BỘ PHIM NHƯ MỘT HUYỀN THOẠI

 

Sau ngày quê hương được giải phóng, Kpa Yvang quay phim ở Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Khánh. Tái lập tỉnh Phú Yên năm 1989, ông làm công tác văn hóa một thời gian ở TP Tuy Hòa rồi trở về buôn làng, sinh sống với đồng bào Ê Đê, tại xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa). Kpa Y Vang kể lại: Cơ duyên để ông cùng NSND Trần Thế Dân làm bộ phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao là trong một lần đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua tại tỉnh Kon Tum, hai ông nghe được câu chuyện về thành tích tổ du kích A Cứu bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường. Thế là hai ông quyết định đến cho bằng được Đăk Sao để gặp gỡ những con người làm nên huyền thoại ấy.

 

Tu Mơ Rông là vùng thượng nguồn sông Ba - con sông lớn nhất miền Trung đi qua núi non điệp trùng, với dốc cao, thác sâu. Vượt qua nhiều ngọn núi dựng đứng, lúc nào NSND Trần Thế Dân cũng có cảm giác nhà quay phim Kpa Y Vang đang đạp trên đầu mình mới có thể tiến lên được nơi tổ du kích A Cứu có mặt. Đến chiều, họ mới tiếp cận được vị trí tổ du kích A Cứu đang đóng quân. Hai ông nhìn về hướng tây thì thấy mặt trời đỏ rực như quả cầu lửa vừa chen núi. NSND Trần Thế Dân nghĩ ngay đến hình ảnh Đăm San đi tìm nữ thần Mặt Trời và liên tưởng đến sức mạnh diệu kỳ của người dân Tây Nguyên.

 

Ông nghĩ: Để đi đến hạnh phúc của mình, người Tây Nguyên không biết còn bao nhiêu lần nữa phải “đạp cho được con châu chấu voi, con ma thần tướng, con giặc nhà trời…”. Thế là ý tưởng cho bộ phim được hình thành với tên gọi ban đầu Đăm San đi tìm nữ thần Mặt Trời.

 

Khi Mỹ - ngụy mới dùng trực thăng oanh tạc Tây Nguyên, nhiều già làng Ê Đê đã dùng những chiếc nỏ rất lớn, ngồi trên đất dùng chân đạp, sải cánh cung rồi bắn máy bay. Bắn không được, họ trèo lên đọt cây cao bắn, hết mũi tên, người trên cây dùng búi tóc hứng lấy mũi tên một người dưới đất bắn lên để tiếp tục bắn máy bay địch.

 

Một xã đội trưởng ở Đăk Sao đả phá tư tưởng sợ máy bay Mỹ bằng cách so sánh rất dễ hiểu: ông dùng cọc trỉa lỗ rồi vãi hạt bắp xuống mặt đất nhưng không mấy hạt rơi trúng vào lỗ thủng đã trỉa. Ông nói như đinh đóng cột, máy bay giặc còn oanh tạc, đồng bào cứ đào hầm trú ẩn thì sẽ tránh được đạn bom.

 

Trường đoạn này trong phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao được trung tướng Trần Độ - một nhà chính trị, quân sự Việt Nam bấy giờ yêu cầu chiếu đi chiếu lại nhiều lần khắp Tây Nguyên để biểu dương tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, sử dụng vũ khí thô sơ nhưng dám đối đầu với vũ khí hiện đại, dám đánh Mỹ và tin tưởng sẽ có ngày chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.

 

Một cảnh trong phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đăk Sao.

 

TRỞ LẠI KHU V

 

Sau 40 năm giải phóng miền Nam, nhờ những đồng nghiệp của Điện ảnh Khu V, nhà quay phim Kpa Y Vang mới có dịp trở lại căn cứ Nước Oa (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam). Đây là nơi “đóng đô” của các binh chủng thuộc Ban Tuyên huấn Khu V, trong đó có Điện ảnh Khu V.

 

Còn nếu tính từ khi hai tác giả hoàn thành bộ phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đăk Sao cho đến bây giờ thì đã gần nửa thế kỷ Kpa Y Vang mới trở lại vùng đất ông đã có những ngày tháng đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng nghiệp.

 

Có một điều ít ai ngờ, đây là lần đầu tiên Kpa Y Vang được xem trọn vẹn đứa con tinh thần của mình nhờ các đồng nghiệp mang từ Hà Nội vào. Vì những năm tháng chiến tranh, phần lớn phim quay xong phải đưa ra miền Bắc in tráng, dựng. Người quay phim ít được biết hình hài đứa con tinh thần của mình như thế nào, chỉ biết quay, quay để phục vụ nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ, quay càng nhiều hình ảnh cuộc chiến tranh ác liệt đang diễn ra tại miền Nam cho đồng bào miền Bắc, bạn bè quốc tế xem càng nhiều càng tốt.

 

Xem Những người săn thú trên núi Đăk Sao, người xem dễ dàng cảm nhận được quyết tâm đánh giặc bằng vũ khí thô sơ, cái chất hào sảng và chất lãng mạng của người dân Tây Nguyên khi họ đã là người chiến thắng. Cánh máy bay Mỹ được dùng làm bảng cho học sinh viết chữ. Những câu thơ Máy bay thằng Mỹ rớt rồi/ Rừng em lại thắm khung trời lại xanh đã một thời vang lên giữa núi rừng Kon Tum.

 

Sau 10 ngày dựng xong, các tác giả vẫn không hài lòng vì phim thiếu nhiều cảnh dữ dội của chiến tranh. Thế là từ tên ban đầu Đăm San đi tìm nữ thần Mặt Trời, NSND Trần Thế Dân đã đổi tên phim thành Những người săn thú trên núi Đăk Sao.

 

Trong số 106 anh em làm điện ảnh ở Khu V ngày ấy, có tới 12 người ngã xuống ngoài chiến trường và trên các nẻo đường miền Trung khói lửa, không có ngày trở về, gặp lại người thân, đồng chí đồng nghiệp. Nhiều người đã cống hiến một phần xương máu và cơ thể của mình vì sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp điện ảnh Việt Nam nói riêng.

 

LẠI VỀ VỚI BUÔN LÀNG

 

Sau những ngày vui cùng đồng nghiệp tại Quảng Nam, nhà quay phim Kpa Y Vang lại trở về núi rừng miền Tây Phú Yên với bao công việc còn dang dở.

 

Người vợ chịu thương chịu khó của ông, suốt đời lo cho ông từng miếng ăn, tấm áo trong những năm tháng chồng công tác xa nhà giờ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Dành dụm ít tiền, cùng với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Điện ảnh Khu V, ông tổ chức lễ bỏ mả cho vợ theo tập quán của đồng bào Ê Đê, cầu mong bà yên lòng nơi chín suối.

 

Cũng nhờ sự giúp đỡ nhiều lần của các đồng nghiệp Điện ảnh Khu V, Kpa Y Vang đã dành dụm được ít tiền mua con bò, làm cái giếng nước, mua chiếc máy bơm để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống...

 

Kpa Y Vang cũng như các đồng nghiệp ở Khu V còn ấp ủ ý tưởng về các bộ phim tài liệu giàu tính chân thực song không thực hiện được. Nhưng với hàng chục vạn mét phim tư liệu vô giá ghi chép được bằng mồ hôi, trí tuệ, lòng quả cảm lẫn xương máu của các nhà quay phim Điện ảnh Khu V về cuộc sống chân thực của quân và dân miền Trung - Tây Nguyên những năm chống Mỹ thì mãi mãi sẽ được lịch sử trân trọng, ghi nhớ.

 

Những người săn thú trên núi Đăk Sao sẽ sống mãi và là niềm tự hào của điện ảnh tài liệu Việt Nam. Những người quay phim trên núi Đăk Sao cũng sẽ được bạn bè, đồng nghiệp ghi nhớ, tôn vinh. Bởi họ đã sống hết mình với nghề, sống thủy chung với đồng chí, đồng nghiệp dù hoàn cảnh như thế nào.

 

TRẦN THANH HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gốm nung làm rung động trái tim tôi”
Thứ Hai, 23/02/2015 12:00 CH
Vũng Rô tình ca xanh
Thứ Bảy, 21/02/2015 07:00 SA
Mùa xuân trong thơ Văn Công
Thứ Sáu, 20/02/2015 14:00 CH
Hồn sương nương đường chuông ngân
Thứ Ba, 17/02/2015 10:00 SA
Bế mạc Hội báo xuân Ất Mùi 2015
Thứ Tư, 11/02/2015 11:10 SA
Vượt qua nghịch cảnh, say mê sáng tạo
Thứ Ba, 10/02/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek