Khi nào dê đã ăn no
Thì dê hay thích tự do chơi bời.
Quả vậy. Trong các con vật nuôi ở trang trại như bò, dê, cừu, ngựa... thì dê rất năng động, ưa tự do chạy nhảy, leo trèo.
Theo các nghiên cứu khoa học về ADN và những dấu vết còn lại về con dê xưa được tìm thấy ở Ganj Dared (Iran) thì dê được con người thuần hóa và nuôi cách đây đã mười nghìn năm.
Trong chuyện thần thoại và truyền thuyết dân gian về dê liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo có rất nhiều màu sắc ở khắp nơi trên thế giới.
Lịch hằng năm của Trung Hoa xưa, cách đây hơn 4.000 năm, con dê gắn với năm Mùi trong số 12 con giáp của mỗi năm âm lịch. Ai sinh vào năm Mùi, tuổi con dê được đoán có tính rụt rè, nhút nhát và sáng tạo. Ai tuổi con rồng thì sẽ giàu sang, thăng quan tiến chức nhanh, ai tuổi con gà, con ngựa, con trâu thì vất vả, không may mắn. Con gái tuổi Dần gắn với con hổ rất khó lấy chồng (gái tuổi dần kẻ e người sợ, mong có người đến bợ cho xong)...
Thực tế đâu phải như vậy! Ngược lại có biết bao người tuổi con rồng mà lận đận, tuổi con trâu, con gà mà sống sướng vui, hạnh phúc. Tuổi Dần lấy chồng giàu sang...
Dù vậy, cái quan niệm nói trên vẫn còn ảnh hưởng đến rất đông người Việt Nam ta ngày nay. Dê được nhắc nhiều lần trong kinh thánh đạo Cơ Đốc.
Con dê được luật lệ ăn uống đạo Do Thái coi là con vật “sạch” và được giết mổ đãi người khách danh dự. Nó cũng được chấp nhận là vật lễ tế. Tấm rèm che bằng lông được dùng trong lều có đồ thánh. Sừng dê có thể được dùng thay cho sừng cừu để làm kèn shofar thổi trong dịp lễ của đạo Do Thái. Trong ngày lễ Yom Kippur, lễ hội ngày chuộc tội của người Do Thái, 2 con dê được chọn qua việc bốc thăm. Một con được đem tế lễ và con kia được phép trốn thoát vào vùng hoang dã, mang tượng trưng theo nó những tội lỗi của cộng đồng, gọi là “vật thoát thân”. Một người lãnh đạo hoặc vị vua đôi khi được so sánh với một con dê được dẫn đầu đàn dê.
Hầu như khắp thế giới, ở phương Đông và phương Tây, con dê đực có sức giao cấu mãnh liệt, dẻo dai hơn cả trâu, bò, cừu, ngựa... được xem là con vật tượng trưng cho sự dâm dật. Người Việt Nam gọi những người đàn ông đa dâm là người “có máu dê”, là “con dê xồm”.
Truyền thống dân gian Ki-tô giáo phổ biến ở châu Âu có liên quan đến Sa-tăng với hình hài của dê. Một sự mê tín thường thấy ở thời trung cổ, đó là con dê nói thầm những lời dâm đãng vào tai các vị thánh. Người ta vẽ con quỷ có bộ mặt như con dê với sừng là chòm râu nhỏ, gọi là chòm râu dê. Mặt nạ đen, một “mặt nạ Sa-tăng”, được kể theo thần thoại liên quan đến một con dê đen dưới dạng mà Sa-tăng đã dự định thể hiện bản thân để thờ phụng.
Ở Hy Lạp, thần Pan được kể là thần có phần trên là thân người có sừng và phần dưới là dê. Pan là một vị thần rất dâm đãng, gần như tất cả huyền thoại liên quan đến thần này đều có dính líu đến việc theo đuổi các nữ thần xinh đẹp. Thần này cũng được ghi nhận với việc tạo ra ống sáo.
Dù cách nghĩ về dê có chỗ khác nhau ở từng không gian, thời gian, nhưng mọi người đều nhận thấy dê là vật nuôi có ích rất thân thiện với con người. Nếu trong 12 con giáp theo lịch âm phương Đông, rồng được đánh giá là sáng suốt, cao sang, rắn thì mềm mại, gian manh khó lường, ngựa thì nhanh nhẹn kỷ cương, còn dê dẫu có cường dương vẫn là con vật dễ thương hàng đầu.
ĐẶNG MINH PHƯƠNG