Trong xã hội truyền thống, cộng đồng Tây Nguyên có mối quan hệ cộng sinh với môi trường tự nhiên gắn với rừng. Rừng không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là không gian xã hội của cộng đồng Tây Nguyên. Không gian này là nơi trú ngụ của thần linh, ông bà tổ tiên, nơi tập quán sống và luật tục ra đời.
Tại hội thảo khoa học “Văn hóa Tây Nguyên với phát triển bền vững” vừa diễn ra ở Phú Yên, các đại biểu đã bàn thảo vấn đề rừng là một thực thể quyết định đối với văn hóa Tây Nguyên. Tại đây, các đại biểu phân tích, mổ xẻ thực trạng đất rừng ngày càng thu hẹp, kéo theo cội nguồn tâm thức của người Tây Nguyên cũng dần mất đi.
Theo bà Linh Nga Niê Kdam (Đắk Lắk), nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, ngày trước, hội đồng già làng quản lý đất rừng bằng các luật tục chặt chẽ. Hội đồng già làng chia đất rừng sản xuất cho các hộ trong làng để làm rẫy theo luật tục. Đất rừng thiêng như rừng đầu nguồn và khu mộ địa là nơi cư trú của thần linh, ông bà tổ tiên, không ai được phép động đến. Người dân đã hình thành ý thức đất rừng thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng làng.
Tại hội thảo này, theo các học giả, trên cơ sở quan niệm vạn vật hữu linh, cộng đồng bản địa cho rằng đất rừng có linh hồn. Chính vì thế, khi đất đai bạc màu cũng chính là lúc đất rừng bị “ốm”. Quan niệm này thể hiện thái độ, mối tương tác của cộng đồng bản địa đối với môi trường sống. Trong không gian rừng, dân làng săn bắn con thú, uống nước suối mát. Người Tây Nguyên sống dựa vào rừng như một thói quen, tập quán sống. Trong quá trình khai thác, ai lỡ tay làm chết cây, con trong rừng phải mang ché rượu để cúng, xin thần cây cùng các thần linh chứng kiến và tha thứ. Cư dân bản địa thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên bằng các tục lệ cúng rừng đầu nguồn. Từ không gian này, bản sắc văn hóa của cư dân bản địa được hình thành và phát triển.
Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nhận định: Do áp lực của quá trình tăng dân số, hàng loạt cánh rừng bị phá, đất rừng bị thu hẹp, tài nguyên cạn kiệt đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh tế của cộng đồng bản địa. Kinh tế thị trường đã khiến cộng đồng bản địa phân hóa giàu nghèo. Sự biến đổi đời sống kinh tế, rừng bị tàn phá, tỉ lệ diện tích đất đai trên đầu người thấp, làng bị biến đổi, cơ cấu cư dân bị đảo lộn lớn đã dẫn đến sự biến đổi mạnh mẽ lối sống và văn hóa của người Tây Nguyên.
Theo tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, giảng viên Trường đại học Tây Nguyên, hiện nay, lối sống biết tôn trọng tự nhiên không còn được chú ý, kết cấu bền vững của làng cũng bị mất đi. Nếu trước đây khi kết thúc mùa trồng trọt, phụ nữ thường dệt thổ cẩm, làm đồ gốm và đan lát thì nay không còn nữa. Các nghi lễ liên quan đến vòng đời hay lễ hội truyền thống không đủ điều kiện để tổ chức. Nạn “chảy máu” cồng chiêng thường xuyên xảy ra, thế giới nhà mồ bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều nơi bà con không uống rượu cần, không hát dân ca; quan niệm vạn vật hữu linh bị phai nhạt; vai trò của hội đồng già làng không còn được coi trọng…
Mất rừng sẽ mất đi đặc trưng văn hóa của Tây Nguyên. Làm thế nào để cư dân bản địa Tây Nguyên mặn mà với tiếng cồng chiêng thay vì chỉ xem ca nhạc trên tivi và internet; nhà rông không bị thay thế bằng nhà mái ngói; người bản địa tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình?... Đây là các vấn đề đã trở nên cấp bách.
Tiến sĩ Đinh Minh Đạo, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, nói: “Rừng là cội nguồn của đời sống tâm linh, tức là phần sâu xa nhất trong con người Tây Nguyên. Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, cấm các hoạt động khai thác rừng tự nhiên, song nạn phá rừng ở các tỉnh Tây Nguyên luôn là vấn đề nan giải. Tôi cho rằng, các địa phương trong khu vực Tây Nguyên cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch tổng thể để có hướng quản lý, sử dụng rừng hợp lý”.
Theo tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, có thể điều chỉnh việc thực thi chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng tại chỗ để họ có điều kiện cải thiện sinh kế lâu dài, đảm bảo điều kiện tiếp cận và hưởng lợi từ nguồn tài nguyên đất, rừng một cách đầy đủ. Khi điều kiện tiếp cận nguồn lực thuận lợi thì mới có điều kiện phát huy giá trị văn hóa truyền thống và ngược lại. Khi các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy tốt thì các chính sách về văn hóa xã hội mới đạt được mục tiêu đề ra.
DIỆU ANH