Gia đình là ngôi trường đầu tiên, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Chính nơi đây, mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau, cha mẹ và con cái sống chan hòa, hạnh phúc với nhau. Điều này giúp việc định hướng lối sống cho thế hệ trẻ được tốt hơn.
Gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình mà tốt thì xã hội mới tốt. Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, nhiều bậc cha mẹ phải lo bươn chải với cuộc sống mưu sinh. Họ không có thời gian chăm sóc, gần gũi, chia sẻ, động viên cho con cái, chưa kể một số gia đình thường xảy ra tình trạng cha mẹ, anh chị còn xích mích cãi vã…
Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Hiện tượng sinh viên, học sinh đánh nhau ngày càng gia tăng. Tình trạng sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng cao, nạn nạo phá thai cũng đang ở mức báo động. Tác động của nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều gia đình đã thay đổi cách sống giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và cái lạc hậu…
Các cụ xưa có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Nhiều gia đình ngày nay không để ý, không coi trọng điều này, không quan tâm đến việc xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình. Có bao nhiêu bậc cha mẹ hiện nay chịu bỏ thời gian dạy bảo con cháu biết cách đối nhân xử thế, tôn trọng người khác, có lòng khoan dung, độ lượng, vị tha và những chuẩn mực của một con người.
Nhà trường hiện nay đề cao, xem trọng việc giáo dục kiến thức, còn việc giáo dục đạo đức, giáo dục công dân cho các em chưa được chú trọng đúng mức. Môi trường giáo dục của trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức, mà còn phải giáo dục cho thế hệ trẻ bằng tình thương yêu, biết sống lễ phép, biết quan tâm nâng đỡ. Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương cho các em noi theo.
Ngay từ bây giờ, tất cả chúng ta hãy quan tâm hướng thế hệ trẻ sống theo chuẩn mực đạo đức của xã hội, sống có lý tưởng tốt đẹp để đứng vững trước mọi thách thức và sóng gió trong cuộc đời.
NGUYỄN ĐỨC THÀNH (Sở VH-TT-DL Phú Yên)